Chứng khoán mùa Sale Off

Chứng khoán mùa Sale Off

(ĐTCK-online) Mùa Giáng sinh đã về, năm mới 2008 sắp đến. Các trung tâm mua sắm hạng sang tại TP.HCM và Hà Nội vào thời điểm này bắt đầu vào mùa hốt bạc tốt nhất trong cả năm, với một tuyệt chiêu dùng đi dùng lại mà khách hàng nào cũng thích: đại giảm giá - Sale off.

Và như một phản ứng có điều kiện, bất cứ khi nào các nhãn mác hàng hiệu trưng bảng giảm giá ( Sale off) là người ta tranh thủ đi mua sắm thật nhiều trong tâm trạng sung sướng khi mua được món hàng rẻ hơn 20 - 50% giá bán trong năm. Chứng khoán những ngày này cũng Sale off, hàng blue-chip giảm giá 25 - 50% so với 3 tháng trước mà chợ vẫn vắng và nhà đầu tư tỏ ra lo lắng. Kỳ lạ thay!

Một màu xanh xanh

Không ngoa khi khẳng định rằng, phần đông nhà đầu tư cá nhân đều được lập trình cảm xúc một cách máy móc với màu sắc của bảng điện tử. Màu đỏ, biểu thị cho giá giảm, tâm trạng bất an lo lắng xuất hiện và thậm chí gây ra các phản ứng tiêu cực như bán đổ bán tháo, đổ lỗi cho người khác, dọa tự tử... Nhiều mảng màu vàng, biểu thị chứng khoán đứng giá, người ta thường bồn chồn mất kiên nhẫn, nhưng nếu quyết định hành động thì họ thường nghĩ đến phương án bảo thủ là bán đi, thay vì mua vào. Riêng với màu xanh của hy vọng, màu biểu thị cho sự tăng trưởng và tiền bạc sinh sôi, người ta nhảy múa và quyết định mua vào một cách dễ dãi. Nghĩa là đối với thị trường, công thức phổ biến mà nhà đầu tư nhìn nhận để TTCK tạo ra của cải đến mức gần như được xem là duy nhất, đó là cổ phiếu tăng giá, tăng nữa, tăng mãi.

Nhưng sự thật là trong bất kỳ thị trường nào, 3 màu sắc trên luôn có một tỷ lệ xuất hiện khá cân bằng và các nhà đầu tư chuyên nghiệp lại thường tìm kiếm được cơ hội lợi nhuận lúc thị trường sụt giảm nhiều hơn khi thị trường đi lên. Chia sẻ câu chuyện này, giám đốc đầu tư của một trong 2 tổ chức đầu tư nước ngoài lớn nhất trên TTCK hiện nay cho biết, năm nay quỹ chứng khoán do họ quản lý sẽ không phải "trang điểm" bằng cách làm nóng lại một số cổ phiếu chủ chốt vì số liệu giữa năm 2007 và hiện nay đã đủ đẹp.  Nghĩa là đợt điều chỉnh 3 tháng qua của thị trường không ảnh hưởng gì lớn đến các tổ chức chuyên nghiệp và 2007 vẫn là một năm toàn thắng.

Xét về mặt cơ hội, phóng viên ĐTCK nhận thấy quan điểm của các CTCK và các tổ chức đầu tư vào thời điểm hiện nay đều cho rằng, các cổ phiếu blue-chip hiện nay đều rất hợp lý để mua vào nếu xét trên cách đánh giá bảo thủ nhất "phương pháp đầu tư dựa theo giá trị". Và danh sách này, nếu phải kể ra thì hẳn nhiên sẽ rất dài như DPM, HPG, SBT, SSI, ACB, FPT, KDC… Nếu như trong hoàn cảnh thị trường tăng trưởng, việc chỉ ra một vài loại chứng khoán có giá hợp lý để đầu tư sẽ là khó khăn hơn rất nhiều.

Lập luận hợp lý về mặt giá trị ở đây có thể diễn giải đơn giản là so với 3 tháng trước, các hàng hóa thượng hạng trên đã giảm giá 20 - 30%, hay rẻ đi 20-30%. Trong khi đó, các chỉ số tài chính vẫn không ngừng được cải thiện. Và ngay tại thời điểm giá "đắt" nhất trong năm 2007, báo chí vẫn ghi nhận sức cầu của tổ chức nước ngoài đối với các hàng hóa trên là luôn lớn hơn lượng cung.

 

Kết luận trong lúc bi quan

Hoàn cảnh nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam những ngày này có thể nhìn thấy khá rõ qua những bài bình luận thị trường hàng ngày trên phương tiện thông tin đại chúng: chứng khoán rơi tự do; giao dịch sụt giảm rất mạnh; cung lớn, cầu có khả năng suy giảm khiến VN-Index tụt giảm; bội thực cổ phiếu mới tăng vốn…

Bình tĩnh xem xét lại, phiên được bình luận là "Giao dịch sụt giảm rất mạnh" thì chỉ số VN-Index chỉ giảm 0,17%. Trong ngày "chứng khoán rơi tự do", VN-Index cũng chỉ giảm 16,15 điểm hay 1,68%. Cán cân cung cầu hiện nay có thể khẳng định là hoàn toàn bình thường và lành mạnh do hiện tượng bán đổ, bán tháo khiến cổ phiếu đồng loạt giảm sàn đã hoàn toàn không được ghi nhận trong 3 tháng thị trường điều chỉnh mạnh vừa qua.

Xem bảng dưới đây cũng cho thấy, giá trị giao dịch của thị trường hiện ở mức khá cao so với mức đỉnh điểm hồi tháng 9/2007 và gấp hơn 2 lần giai đoạn cuối năm 2006. Về phía các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, chưa bao giờ có chuyện họ lên tiếng phản đối hay từ chối các đợt phát hành lần đầu cũng như phát hành cổ phiếu mới nên khái niệm "bội thực" có lẽ không quá khó chịu đối với thị trường. Có lẽ, do được đánh tiếng là cổ phiếu thưởng mà không làm nhà đầu tư phấn khích và giá không tăng (như kịch bản vẫn xảy ra trước đây) nên người ta kết luận là bội thực.

 Biến động VN-Index(dòng đỏ) và giá trị giao dịch(cột xanh) trong vòng một năm

Cổ phiếu mùa Sale off

VN-Index sẽ rớt xuống mức 930 hay 920 điểm trong tháng 12 này? Rất có thể. Câu hỏi là thị trường đang ở điểm thấp nhất trong vòng 3 tháng và có thể giảm sâu dưới mức 900 điểm? Thăm dò của nhóm phóng viên ĐTCK trong những ngày đầu tháng 12 cho thấy thị trường tin rằng, khả năng này rất khó xảy ra. Ngược lại, đa số nhà đầu tư đều tin rằng, thị trường sẽ tăng trưởng trở lại vào tháng 1/2008 sau khi có kết quả đấu giá Vietcombank. Ngoài ra, phương pháp phân tích kỹ thuật cũng cho thấy, hai đợt điều chỉnh lớn đã xảy ra trong năm 2007 có ngưỡng hỗ trợ mạnh mẽ nhất (khoảng thời gian cuối tháng 4 và cuối tháng 8) thấp nhất là 900 điểm +/- 5%.

Cổ phần hóa Vietcombank là chủ đề cũng cũ kỹ như ngang với câu chuyện dẫn dắt ở đây: "Khi thị trường đi xuống là cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ". Và một nghịch lý thường xảy ra và vẫn xảy ra là đa số nhà đầu tư bây giờ tin rằng, TTCK sẽ nóng trở lại sau 1 tháng nữa nhưng lại không muốn mua ngay. Họ đợi cổ phiếu Sale off nhiều hơn nữa chăng?

Với phần lớn nhà đầu tư cá nhân, câu trả lời chắc chắn sẽ là "KHÔNG". Đơn giản là nếu cổ phiếu tiếp tục giảm nhiều hơn, giảm quá mức dự đoán là 900 điểm, họ sẽ bỏ chạy bán mạng. Còn nếu hỏi lại các tổ chức đầu tư có mặt tại Việt Nam, từ những tổ chức có hơn 10 năm như Dragon Capital cho đến những tổ chức mới chân ướt chân ráo đến thị trường, câu trả lời chắc chắn phải là "OK, doanh nghiệp tốt và tương lai sáng lạn, giá càng rẻ thì càng phải mua". 

Bạn có thể sẽ hỏi lại tại sao họ không ồ ạt mua ngay hôm nay? Xin thưa, tại họ biết các nhà đầu tư trong nước đang nhìn vào họ và thời điểm cổ phần hóa Vietcombank là phút 89 của trận đấu, họ rất có thể đang ngồi chờ cho đối thủ mỏi mệt và bỏ rơi các cổ phiếu blue- chip với mức Sale off đến 50 - 70%.

Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta thường tính già hóa non. Tính rằng, TTCK giữa tháng 4/2007 mới bắt đầu điều chỉnh nhưng thực tế là cổ phiếu đã rớt mạnh từ đầu tháng 3. Chúng ta lại tính, thị trường bất động sản chỉ nóng lên vào đầu năm 2008 nhưng thực tế cơn sốt bắt đầu từ 6 tháng trước đó.

Trên TTCK thường có câu: "Nhà đầu tư có thể tính toán sai nhưng không được bất ngờ". Nếu chúng ta tin rằng, Vietcombank sẽ cổ phần hóa thành công (chưa thấy chuyên gia nào nghi ngờ) thì việc nên làm là mua cổ phiếu lúc này, khi chúng đáng được bán giảm giá.