Chứng khoán Mỹ sẽ diễn biến thế nào sau quý I/2023 bùng nổ

Chứng khoán Mỹ sẽ diễn biến thế nào sau quý I/2023 bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia Phố Wall cảnh báo rằng, bất chấp cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng đang diễn ra, lạm phát vẫn là yếu tố chính chi phối thị trường chứng khoán Mỹ.

Sau năm 2022 khủng hoảng, chứng khoán Mỹ đã khởi sắc trong quý đầu năm 2023, thể hiện sự ổn định bất ngờ trước hàng loạt thách thức như khủng hoảng ngân hàng, cú sụp đổ của tiền mã hóa và sự khó khăn về tương lai của nền kinh tế.

Chỉ số S&P 500 biến động mạnh trong quý I, kết thúc tháng 1 với mức tăng đáng kể rồi quay đầu giảm trong tháng 2, sau đó lại tăng trong tháng 3. Khép lại quý I, chỉ số S&P 500 lên cao hơn khoảng 7% so với đầu năm.

Cổ phiếu của công nghệ Nasdaq tăng vọt gần 17% trong quý I, đánh dấu một quý có diễn biến tốt nhất kể từ quý IV/2020.

Một số điểm nhấn khác là việc giá trái phiếu tăng, lợi suất giảm khi các nhà đầu tư cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất cao như kỳ vọng trước đó do e ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Giá bitcoin cũng phục hồi trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm những tài sản an toàn khác khi hệ thống ngân hàng gặp nguy hiểm.

Trước đó, giá bitcoin đã lao dốc sau khi thị trường tiền mã hóa chịu hàng loạt cú sốc, bao gồm vụ kiện Binance của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai với cáo buộc sàn này vi phạm luật giao dịch của Mỹ và sự sụp đổ của Silvergate, ngân hàng cho vay chính với tiền mã hóa.

Giá dầu thô sa sút trong quý I trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng làm dấy lên lo ngại về những khó khăn kéo dài trong ngành tài chính và nguy cơ suy thoái.

Bất chấp sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong quý I, các chuyên gia nói rằng, giờ vẫn còn quá sớm để nói rằng Fed đã thắng trước lạm phát.

Trong tháng 3, sự sụp đổ của 3 ngân hàng lần lượt là Silicon Valley Bank, Signature Bank và Credit Suisse làm cho một cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra khiến thị trường chao đảo.

Nhưng Phố Wall đã gượng dậy, chứng khoán Mỹ thu hồi tổn thất khi các nhà đầu tư bắt đầu gom cổ phiếu công nghệ, kéo thị trường chứng khoán chung đi lên.

Mặc dù vậy, lạm phát vẫn là yếu tố chi phối thị trường. Bà Liz Young, Giám đốc đầu tư tại SoFi Technologies, chia sẻ: "Tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ khuất phục được lạm phát mà thị trường chứng khoán không phải chịu tác động nào. Do đó, để lạm phát ổn định trở lại thì có lẽ trước hết sự phục hồi gần đây của thị trường sẽ bị đảo ngược".

Ông Scott Duba, Giám đốc đầu tư tại Prime Capital Investment Advisors, cho rằng: "Chúng ta đang ở giữa cuộc chiến chống lạm phát. Hãy chuẩn bị để đón tiếp những điều không thể ngờ tới sắp diễn ra".

Bất chấp tâm lý lạc quan trên Phố Wall, thị trường vẫn đang tìm kiếm manh mối về sự ổn định của nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến công việc của Fed trở nên phức tạp gấp nhiều lần, bởi không ai biết liệu khó khăn về tài chính sẽ mở rộng ra nữa hay không. Hơn nữa, Fed vẫn chưa khắc phục được lạm phát.

Nhưng kiểm soát lạm phát chỉ là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của Fed. Nhiệm vụ của ngân hàng trung ương Mỹ là ổn định giá cả trong lúc giữ cho tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất có thể.

Thị trường lao động tại nền kinh tế số một thế giới vẫn đang rất nóng, bất chấp chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt.

Đây có vẻ là tin tốt với Fed, nhưng thực chất lại là dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể cần phải siết chặt nền kinh tế hơn nữa. Đó là vì tăng trưởng việc làm và tiền lương mạnh mẽ sẽ khiến doanh nghiệp phải chuyển thêm gánh nặng của chi phí lao động sang phía khách hàng bằng cách tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ.

Báo cáo việc làm của tháng 3 dự kiến sẽ được công bố vào ngày 7/4. Trong tháng 2, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 311.000 việc làm mới, thấp hơn số liệu đáng kinh ngạc trong tháng 1, nhưng vẫn là một con số rất cao.

Fed và các nhà đầu tư kỳ vọng rằng, báo cáo tháng 3 sẽ cho thấy thị trường lao động đang suy yếu trước áp lực chính sách của ngân hàng trung ương.

Tin bài liên quan