(Ảnh minh họa: Internet)

(Ảnh minh họa: Internet)

Chứng khoán nhập môn...

(ĐTCK-online) TTCK dạo này phong độ khá ổn định! Cứ một hôm “lấy lại những gì đã mất” là y như rằng hôm sau “mất lại những gì đã lấy”.

Nhìn đám cổ phiếu “thanh niên, trung niên”ngày nào tự dưng nổi hứng “trở về dòng sông tuổi thơ” biến thành “cổ phiếu nhi đồng”, lại nhớ có lần được đọc câu chuyện rùa và thỏ tân thời của một cao nhân, ngẫm ra dân đầu tư kim chỉ đá lửa như mình học được khối điều.

Ngày xửa ngày xưa, có một con rùa và một con thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết bằng một cuộc thi chạy. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua. Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn, sau khi chạy thục mạng một hồi và thấy rằng đã bỏ khá xa rùa, nó tự thưởng cho mình bằng việc trêu hoa ghẹo bướm ven đường rồi nhanh chóng thiếp đi dưới một tán cây. Rùa từ từ vượt qua thỏ và sớm kết thúc đường đua. Thỏ giật mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua.

Câu chuyện này quá quen thuộc. Và bài học mà chúng ta vẫn dạy nhau là: chậm và ổn định đã chiến thắng. Bài học này thì từ “lớp mầm” chứng khoán các thầy đã dạy. “Xu hướng là bạn đầu tư. Muốn nhanh thì phải từ từ mới nhanh”. Đại ca của trường phái “muốn nhanh thì phải từ từ” là cái tên mà ai ai cũng phải ngước nhìn - Warren Buffett. “Nhà tiên tri vùng Omaha” này từng có khoản đầu tư điển hình vào Berkshire Hathaway từ năm 1965, đến năm 2005, 10.000 đô ban đầu nảy nở thành 30 triệu đô. Còn ai chưa tâm phục, khẩu phục không ạ???

Nhưng cuộc sống không quá đơn giản như thế. Thỏ vô cùng thất vọng (và đôi phần cay cú), vì để thua một kẻ vẫn được ví là... chậm như rùa. Sau khi gặm nhấm vài rổ cà rốt, nó nhận ra rằng mình đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng, thì rùa không thể nào có cửa hạ nó. Vì thế, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý. Lần này, thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa rùa đến mấy dặm đường.

Bài học của câu chuyện này? Nhanh và vững chắc sẽ chiến thắng cái chậm và ổn định. Điều này ta học được ở lớp chồi và (tất nhiên) đúng như 1 + 1 = 2. Đầu tư chứng khoán mà vừa kỷ luật vừa nhạy bén thì kiếm tiền dễ như thò tay lấy đồ trong bị còn gì.

Nhưng câu chuyện cũng không dừng lại ở đây. Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng: nó không có cách nào thắng được thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ thêm một tí nữa và rồi thách thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua. Thỏ đồng ý. Như đã tự hứa với lòng mình là phải luôn nhanh, thỏ bắt đầu chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông. Nhưng vạch đích lại còn đến 2 km nữa ở bên kia sông! Thỏ đành ngồi khóc ven bờ sông. Trong lúc đó, rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.

Ý nghĩa từ câu chuyện này? Trước tiên, cần xác định ưu thế của mình và sau đó là biết chọn sân chơi phù hợp. Buffett đầu tư dài hạn mấy chục năm vì ông ấy chẳng phải quan tâm đến việc mai lấy gì đóng tiền học cho con, tiền chợ cho vợ, chẳng phải lo ông thu tiền điện, bà thu tiền nước thập thò ngoài cửa. Nhà đầu tư cỡ mình mà xác định “cứ để đấy hưởng cổ tức” thì một là bị kẹp, hai là một cách... tự sướng tinh thần!

Và câu chuyện vẫn tiếp tục. Đến đây, thỏ và rùa đã trở thành đôi bạn thân thiết. Vì thế, chúng quyết định tổ chức một cuộc đua cuối cùng, nhưng sẽ cùng chạy chung một đội. Cuộc đua bắt đầu, thỏ cõng rùa chạy đến bên bờ sông, rùa lội xuống sông và cõng thỏ bơi qua bên kia bờ sông. Và chúng cùng nhận ra rằng đã về đích sớm hơn rất nhiều so với các lần đua trước.

Bài học này không có trong giáo trình chứng khoán: ngồi trên tàu cùng đội lái bao giờ cũng vừa nhanh vừa nhàn!

Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Sau khi cõng nhau đi một đoạn đường dài lại bơi qua sông, thỏ và rùa nằm vật ra nghỉ ngơi. Vừa lúc đó trên bờ có anh đi đơm đó... Buổi tối, nhà anh đơm đó ăn cơm có cả món thỏ và rùa.

Kết luận 1: Thỏ nướng và rùa hầm là món đưa cay số 1.

Kết luận 2: Tàu đổ thì ông lái cũng chết. Khi chưa biết bên kia bờ sông có cái gì đang chờ đợi thì tốt nhất là nằm im. Chẳng ai thắng được thị trường!

Vĩ thanh: Gần đây, thấy suốt ngày chạy thi với bơi thi cũng vô bổ, thỏ và rùa xin vào làm... nhân viên CTCK. Thấy thỏ nhanh nhẹn, láu cá, lãnh đạo phân chú vào bộ phận tự doanh. Còn rùa vốn tính cẩn thận được bổ vào chân nhân viên phân tích. Cả hai phối hợp nhịp nhàng. Thỏ bán thì rùa ra báo cáo khuyên người khác mua, thỏ mua thì rùa phao lên rằng cổ phiếu đó xấu, nên bán gấp. 

Thị trường đông vui, cả hai ấm túi, ấm tay, ngày nào cũng chén tạc chén thù toàn sơn hào hải vị. Nào là cà rốt phơi sương, cỏ non hầm thuốc bắc, củ cải ngọt hun khói..., bù lại những ngày lông bông chạy nhảy. Nhưng một hôm thỏ nghĩ: mình có công to nhất. Trước thì chở rùa suốt cả chặng đường dài, nào là tốc độ nhanh gấp mấy lần rùa, nay lại tay mua tay bán mới kiếm được tiền. Chứ tay rùa cục mịch đến thế kia làm nên trò trống gì. Mình phải được chia phần nhiều hơn. Thế mới xứng đáng với đóng góp của mình!

Rùa lại nghĩ khác: mình có công to nhất, không có mình thì mọi việc không xong! Thỏ có đi nhanh thật, có công cõng mình cả đoạn đường dài thật, nhưng không có mình thì giờ này hắn... còn đang ngồi khóc bên bờ sông. Nay không có mình quăng ra mấy cái bản phân tích cò mồi thì hắn lừa được ai. Gần 200 tuổi đầu rồi mình chưa thấy đứa nào láo hơn đứa này! Thật quá đáng. Hắn đã xài nhiều hơn cái hắn đáng được hưởng. Càng nghĩ, rùa càng hậm hực, tức tối...

Từ đó, thỏ và rùa lại như mặt trăng với mặt trời. Có người bảo, do sự hục hặc này mà gần đây rùa vẫn phán như thánh sống, còn tự doanh thỏ thì lỗ đầm lỗ đìa gần năm qua. Hay là phân tích với tự doanh dạo này độc lập với nhau thực... Chả biết thực hư thế nào???