Chứng khoán phái sinh, năm 2014 mới có?

Chứng khoán phái sinh, năm 2014 mới có?

(ĐTCK-online) Sau 10 năm phát triển, TTCK đã có bước tiến lớn về quy mô niêm yết, vốn hóa thị trường, thành viên giao dịch. Tuy nhiên, các sản phẩm cho thị trường hiện vẫn rất nghèo nàn, vẫn là mua bán cổ phiếu, trái phiếu với các giao dịch đơn giản, sơ khai.

>>  Ít nhất đến 2014, Việt Nam mới có TTCK phái sinh

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang có những nghiên cứu để xây dựng TTCK phái sinh, cho phép triển khai sản phẩm phái sinh nhằm đa dạng hóa công cụ đầu tư, phòng ngừa rủi ro, tạo thanh khoản cho thị trường. Mặc dù vậy, với những khó khăn hiện tại, thị trường khó kỳ vọng các sản phẩm này sớm được triển khai.

 

Sản phẩm tất yếu

Theo bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch UBCK, qua 10 năm phát triển, thị trường đã manh nha hình thành sản phẩm phái sinh. Việc triển khai các sản phẩm phái sinh nằm trong định hướng Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020. Đây cũng là sản phẩm tất yếu trong tiến trình phát triển thị trường tài chính.

Để tăng tính hấp dẫn và đảm bảo cho việc huy động vốn thành công, trong nhiều đợt phát hành, các DN đã đưa ra quyền chọn mua cổ phiếu. Trong vài năm gần đây (2008 - 2010), một số CTCK đã triển khai những sản phẩm phái sinh như quyền chọn (option), giao dịch hợp đồng tương lai trên cơ sở tổ chức giao dịch một số cổ phiếu chưa niêm yết. Tại Hà Nội và TP. HCM đã hình thành nên chợ chứng khoán chưa niêm yết (OTC) mang tính tự phát, ở đó giao dịch nhiều sản phẩm chứng khoán phái sinh. Mặc dù được NĐT đón nhận và thị trường đánh giá cao, nhưng các sản phẩm trên của các CTCK đã bị UBCK “tuýt còi”, vì quy định hiện hành chưa cho phép. Việc UBCK nghiên cứu để chuẩn bị hành lang pháp lý đưa vào vận hành thị trường phái sinh là cần thiết, vì nhu cầu thị trường rất lớn.

 

Còn nhiều việc phải làm

Để đưa vào vận hành TTCK phái sinh, theo ông Robert Singletary, chuyên gia pháp lý Dự án Phát triển thị trường vốn Việt Nam, cơ quan quản lý cần trả lời các câu hỏi: nhu cầu đối với sản phẩm phái sinh, phát triển thị trường tập trung hay phi tập trung, các loại hàng hóa nào được lựa chọn làm cơ sở cho hàng hóa phái sinh, những công cụ gì cần có để tránh rủi ro hệ thống khi người bán, người mua mất khả năng thanh toán, những công cụ nào hạn chế việc thao túng thị trường hàng hóa cơ sở và thị trường sản phẩm phái sinh?

Ông Singletary cho rằng, Việt Nam chỉ nên cho phép giao dịch sản phẩm phái sinh đối với chứng khoán có tính thanh khoản cao, không cho phép giao dịch các sản phẩm phái sinh trên hàng hóa cơ sở không giao dịch trên sàn. Đồng thời, chỉ cho phép các CTCK có vốn lớn và trình độ nghiệp vụ tốt tham gia, các CTCK nên có yêu cầu hỗ trợ tất cả các giao dịch của khách hàng. Một trong nhiều việc Việt Nam cần làm là xây dựng quỹ đảm bảo thanh toán.

Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, việc xây dựng TTCK phái sinh tại Việt Nam phải đảm bảo nguyên tắc giảm thiểu rủi ro cho NĐT và đa dạng hóa kênh đầu tư. Hiện có ba lựa chọn cho việc xây dựng TTCK phái sinh theo các mô hình: hai Sở GDCK độc lập, mô hình Tập đoàn Sở GDCK, mô hình hợp nhất (Sở GDCK Việt Nam). Theo định hướng tái cấu trúc thị trường, mô hình Tập đoàn Sở GDCK sẽ được lựa chọn và TTCK phái sinh sẽ theo mô hình này.

Trong các chứng khoán cơ sở cho sản phẩm phái sinh như: cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số chứng khoán, sản phẩm ETF, UBCK sẽ lựa chọn chỉ số chứng khoán thực hiện thử nghiệm đầu tiên. Chứng khoán phái sinh được thí điểm là hợp đồng tương lai do dễ hiểu, dễ thực hiện. Sản phẩm quyền chọn sẽ được áp dụng sau. Phương thức thanh toán đối với thị trường phái sinh bao gồm thanh toán bằng vật chất (vào ngày đáo hạn, bên bán sẽ thực hiện chuyển giao tài sản, bên mua chuyển giao tiền), thanh toán bằng tiền (vào ngày đáo hạn, các bên sẽ thực hiện thanh toán tiền mặt khoản chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá thị trường).

Nhu cầu thị trường đã có, UBCK đã có những bước đi ban đầu, nhưng việc đưa vào vận hành TTCK phái sinh hiện vẫn có nhiều bước cản. Hiện tại, UBCK xác định lựa chọn công cụ giao dịch ban đầu là phái sinh chỉ số, do tính phổ biến của nó trên thế giới. Vậy nhưng, trong số 20 loại phái sinh chỉ số tại các thị trường phát triển không có phái sinh chỉ số toàn thị trường (như chỉ số VN-Index), mà chỉ là một nhóm ngành hoặc nhóm cổ phiếu. Cách tính toán VN-Index hiện nay cũng không phản ánh đúng diễn biến thị trường, do nhiều DN có vốn hóa lớn nhưng lại niêm yết cả lượng chứng khoán không được giao dịch. Mặt khác, chỉ số toàn thị trường cũng không ổn định khi có một DN mới thực hiện niêm yết. Do đó, UBCK sẽ phải tính toán lại chỉ số, trên cơ sở đó hình thành chứng khoán phái sinh bằng cách giới hạn DN niêm yết theo nhóm ngành hoặc theo quy mô vốn (VN-Index 30 hoặc VN-Index 50).

Một thách thức không nhỏ khi hình thành TTCK phái sinh là việc giám sát, kiểm tra các hành vi thao túng giá. Theo các chuyên gia, việc thao túng giá chéo giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh là điều có thể xảy ra. Do đó, UBCK sẽ phải đánh giá tổng thể các cổ phiếu cơ sở đang niêm yết trên thị trường để có thể lựa chọn cổ phiếu thực hiện phái sinh như có tính thanh khoản cao, có khối lượng giao dịch đủ lớn để khó làm giá. Đồng thời, giới hạn trạng thái nhằm ngăn ngừa hành vi thao túng (mỗi ngày chỉ được thực hiện một số hợp đồng tương lai nhất định, hạn mức tối đa cho một hợp đồng là bao nhiêu).

Một nguyên nhân khiến việc chậm triển khai TTCK phái sinh là trong các văn bản pháp lý hiện chưa có quy định nào về hoạt động của thị trường này.

“Đến năm 2014 có thể triển khai TTCK phái sinh”

Chứng khoán phái sinh, năm 2014 mới có? ảnh 1

Bà Tạ Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK

Qua 10 năm phát triển, TTCK chứng kiến nhiều biến động thất thường. Chẳng hạn, giai đoạn lên cao nhất là tháng 3/2007, VN-Index đạt 1.170 điểm, nhưng sau đó hơn 1 năm đã giảm xuống 234 điểm. Những biến động thất thường đó đặt ra yêu cầu có sản phẩm phái sinh để ngăn ngừa rủi ro cho NĐT.

Tuy nhiên, TTCK phái sinh lại hàm chứa rất nhiều rủi ro, nên trước khi triển khai cần có những nghiên cứu cụ thể, rõ ràng, nhất là việc thể chế hóa các quy định pháp lý. Hiện tại, Luật Chứng khoán, Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung cũng chưa có quy định gì về hoạt động của TTCK phái sinh. Vì vậy, phải đợi đến "thế hệ thứ hai" của Luật Chứng khoán mới có thể có những quy định về hoạt động của thị trường phái sinh. Trên cơ sở đó, Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ có những quy định chi tiết, cụ thể hơn. Dự kiến, đến năm 2014 có thể đưa vào giao dịch một số sản phẩm phái sinh đơn giản.

“Cần phát triển thị trường cơ sở trước”

Ông Dan Svensson, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital

Theo tôi, TTCK Việt Nam mới thực sự phát triển được 5 năm, kể từ khi gia nhập WTO. TTCK Việt Nam vẫn là thị trường trẻ so với các nước trong khu vực như Indonesia, Philipines. Đến nay vẫn chưa có các công cụ phái sinh, không có hợp đồng kỳ hạn lãi suất, hợp đồng tương lai thị trường tiền tệ, hợp đồng tương lai trái phiếu. Thách thức lớn nhất đối với việc triển khai TTCK  phái sinh tại Việt Nam là trình độ của NĐT còn hạn chế. Do đó, phải mất  một khoảng thời gian dài Việt Nam mới có thể xây dựng thị trường này.

Không chỉ riêng nhân viên giao dịch, mà chính nhà quản lý cũng cần phải ý thức được cách vận hành cũng như rủi ro cho từng giao dịch. Trong một vài năm qua, thị trường đã chứng kiến nhiều kinh nghiệm xấu về sản phẩm phái sinh. Tuy nhiên, nếu được sử dụng một cách hợp lý, sản phẩm phái sinh có thể giúp giảm rủi ro. Việt Nam muốn phát triển thị trường phái sinh phải phát triển thị trường cơ sở sao cho thanh khoản thực sự.

“Cần xây dựng khung pháp lý cho từng loại sản phẩm”

Ông Mạc Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK Thăng Long

Thị trường phái sinh là thị trường phức tạp, nên khi xây dựng đòi hỏi rất nhiều thời gian. Các sản phẩm hiện nay khá đơn giản, không còn hấp dẫn, nên việc cho phép các sản phái sinh là cần thiết. Hiện nay, nhiều CTCK thực hiện sản phẩm phái sinh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các sản phẩm phái sinh cần thiết có thể triển khai bao gồm kỳ hạn, hoán đổi, tương lai, quyền chọn. Rút kinh nghiệm từ những giao dịch quá trớn và những vụ đổ vỡ trên thế giới, thị trường phái sinh tại Việt Nam cần xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tốt, quy trình thủ tục giao dịch rõ ràng, đào tạo đầy đủ; hệ thống quản trị rủi ro có khả năng đo lường, giám sát rủi ro; hệ thống kế toán đủ mạnh, có khả năng ghi nhận đầy đủ các giao dịch.

Để phát triển thị trường phái sinh, cần hoàn thiện thị trường giao ngay. UBCK nên cho phép bán khống, cho vay chứng khoán, giao dịch ký quỹ trên thị trường này. Sau đó, xây dựng khung pháp lý cụ thể cho từng loại sản phẩm phái sinh như đưa ra định nghĩa, khái niệm và cơ chế vận hành rõ ràng, điều kiện tham gia của các CTCK, của NĐT. Chứng chỉ hành nghề đối với các môi giới giao dịch chứng khoán phái sinh là yêu cầu quan trọng như chứng chỉ đối với môi giới và quản lý quỹ đầu tư hiện nay.