Điều quan trọng nhất của thị trường hiện nay là tính thanh khoản

Điều quan trọng nhất của thị trường hiện nay là tính thanh khoản

Chứng khoán: “Sóng” vẫn xa bờ

Nhận định về thị trường trong tháng 7, nhiều chuyên gia đều khẳng định, điều quan trọng lúc này chính là thanh khoản. Nếu thanh khoản quay trở lại mức 30 triệu cổ phiếu/1 phiên giao dịch thì dù thị trường đi xuống hay đi lên đều mở ra cơ hội sinh lợi. Trong khi đó nếu thanh khoản sụt giảm và thị trường tiếp tục đi ngang thì đó chính là thảm họa.

 

Lo ngại dòng vốn chảy ngược

 

Thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào tâm lý của NĐT. Bằng chứng là trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6, thị trường lại tiếp tục rơi vào cảnh chợ chiều với những phiên giao dịch đi ngang và thanh khoản sụt giảm mạnh.

 

Có thể nói tâm lý NĐT đang tập trung vào hai vấn đề. Đó là dự thảo Thông tư quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng thay thế cho Thông tư 13/19, trong đó có Điều 16 quy định về giới hạn cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Nhiều thông tin cho rằng với quy định mới, tỷ lệ dòng vốn vào TTCK qua kênh tín dụng sẽ sụt giảm mạnh.

 

Vấn đề này khiến nhiều NĐT thêm bi quan. Theo số liệu thống kê, hiện nay dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước khoảng 2,5% vốn tự có, của NHTM cổ phần khoảng 4,5% vốn tự có, của chi nhánh NH nước ngoài khoảng 1,9% vốn tự có và tổng dư nợ cho vay khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

 

Tới cuối năm 2011, tổ chức tín dụng phải đảm bảo có đủ mức vốn pháp định mới, trong đó đối với NHTM phải có tối thiểu 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Khi đó, mức vốn tự có của các NHTM sẽ tăng cao hơn. Với tỷ lệ giới hạn quy định tại Điều 16 là 3% vào năm 2012 sẽ không cắt giảm quá nhiều tín dụng đối với TTCK.

 

Trong thời gian qua, một loạt các công ty chứng khoán có tỷ lệ đòn bẩy cao đã đồng loạt hạn chế và cắt giảm tỷ lệ cho vay chứng khoán như SBS, Apec, Thăng Long, Phú Hưng, An Bình, Công Thương, SHS, Artex...

 

Đặc biệt, SBS đã dừng hẳn hoạt động cho vay chứng khoán hơn 1 tháng qua (SBS là một trong 3 công ty tài trợ vốn lớn nhất trên TTCK niêm yết). Xu hướng này cho thấy dòng vốn vào TTCK trong thời gian qua chủ yếu là tiền thật của giới đầu tư.

 

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng, thị trường chỉ có thể phát triển bền vững hơn nếu dòng tiền đầu tư vào thị trường là dòng tiền nhàn rỗi.

 

Dòng tiền đầu cơ bị “kẹp”

 

Trên thực tế, thời gian qua, sự tăng giảm của thị trường không quá phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp (DN), mà do yếu tố dòng tiền đầu cơ chi phối. Hiện nay, nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư, nhưng những cổ phiếu có kết quả kinh doanh thua lỗ lại là điểm đến của dòng tiền đầu cơ.

 

Tất nhiên, trong dài hạn, ai cũng biết rằng giá trị cơ bản sẽ phản ánh giá trị DN và việc giá biến động mạnh trong ngắn hạn không phải điều quá bất ngờ nhưng cũng vì thế mà có thể nói rằng ảnh hưởng kết quả kinh doanh trong quý II và trong 6 tháng đầu năm của các DN đối với thị trường sẽ không đáng kể.

 

Nguyên nhân là các DN vốn hóa lớn sẽ ít chịu ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ. Kết quả kinh doanh sẽ vẫn duy trì ở mức tốt nhưng giá ở mức khá cao và phụ thuộc nhiều vào sức cầu khối ngoại trong khi NĐT ngoại khá thờ ơ với nhóm cổ phiếu này.

 

Theo nhận định của Công ty SME, nhóm cổ phiếu xuất khẩu nông sản, thủy sản, cao su tự nhiên... sẽ là nhóm duy trì kết quả kinh doanh tốt do hưởng lợi từ giá xuất khẩu tăng cao trong thời gian vừa qua.

 

Thế nhưng phần lớn cổ phiếu trong nhóm này trong hơn 1 năm trở lại đây rơi vào trạng thái kiệt quệ thanh khoản khi nhà đầu cơ không quan tâm và cổ phiếu thì đa phần do nhóm tổ chức lớn nắm giữ. Cũng có một vài cổ phiếu cá biệt trong nhóm này có hiện tượng đầu cơ nhưng không đủ sức tạo ra xu hướng thị trường.

 

Đối với nhóm cổ phiếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào nhưng kiểm soát tốt chi phí như ngành nhựa hay nhóm cổ phiếu ngành mía đường, ngành thép, cũng được dự báo là có kết quả kinh doanh khả quan. Trong nhóm ngành này có lẽ chỉ có ngành thép có khả năng tạo sóng đầu cơ của thị trường nhưng gần đây dòng tiền đầu cơ vào nhóm ngành này cũng đã yếu dần.

 

SME nhận định, nhóm cổ phiếu có khả năng dẫn dắt thị trường tăng điểm mạnh là chứng khoán và bất động sản thì khó có khả năng có kết quả kinh doanh tốt, ngoại trừ một vài công ty cá biệt.

 

Đây là hai nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất của chính sách thắt chặt tiền tệ. Vì vậy, áp lực đối với nhóm cổ phiếu này sẽ rất lớn và nếu sự điều chỉnh của nhóm này xảy ra, thị trường sẽ rơi vào trạng thái giảm điểm.

 

Cuối cùng là nhóm vốn hóa nhỏ và siêu nhỏ sẽ có kết quả kinh doanh không tốt. Bức tranh lợi nhuận sẽ có sự phân hóa lớn chứ không sụt giảm đồng loạt như năm 2008 nhưng khả năng tạo sóng của thị trường sẽ là một dấu hỏi lớn khi nhóm ngành có khả năng dẫn dắt sẽ không có kết quả kinh doanh tốt.

 

Việc này sẽ khiến NĐT tiếp tục đứng ngoài thị trường hoặc buộc phải thay đổi phương pháp đầu tư khi tiếp cận những giá trị cơ bản hơn. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu cho rằng trong thời gian qua, nhóm đầu cơ không theo kết quả kinh doanh đang có những dao động tắt dần đều với tỷ lệ NĐT kẹp lại ngày càng lớn.