Chứng khoán tuần mới: Rủi ro vẫn ở mức cao

(ĐTCK) Sau những điều chỉnh vừa xảy ra, hầu hết các CTCK đều thận định khá thận trọng về thị trường trong tuần mới.
Chứng khoán tuần mới: Rủi ro vẫn ở mức cao

Trong tuần giao dịch từ ngày 17-21/2. Trên sàn HOSE có 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm điểm.

Chỉ số VN-Index đã có thời điểm gần chạm mốc 585 điểm, tuy nhiên, ngưỡng kháng cự 570 điểm còn khá mạnh khiến chỉ số này lùi dần trong hai phiên giao dịch cuối tuần.

Tuy nhiên, thanh khoản mới là điều nhắc tới nhiều nhất trong 2 tuần gần đây. Nếu tuần trước, những cái mốc gần 3.000 tỷ đồng đang xây dựng mức kỷ lục, thì tuần này thanh khoản đã vượt 4.000 tỷ đồng trên sàn HOSE. Con số này được đánh giá là một mốc son mới về thanh khoản.

Kết thúc tuần, VN-Index giảm 1,65 điểm, tương đương giảm 0,27%, chốt tuần đứng ở mức 570,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 173,5 triệu đơn vị/phiên, tăng 23,71% so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.708,13 tỷ đồng/phiên, tăng 17,09% so với phiên trước đó.

Đáng chú ý nhất trong tuần là phiên giao dịch ngày 20/2. Thị trường đã chứng khiến đợt xả hàng mạnh, nhưng lực mua chờ thời cũng rất lớn, giúp thị trường dù giảm khá sâu, nhưng thanh khoản đạt mức kỷ lục.

Ngoài phiên lịch sử này, phiên cuối tuần cũng rất hấp dẫn khi thị trường đang chìm sâu, thì bất ngờ thông tin nới room được đưa ra, giúp thị trường dần hồi phục.

Tổng hợp giao dịch trên HOSE trong tuần từ 17-21/2

Ngày

VN-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

21/02

570,57

-0,47(-0,08%)

124,763,395

1,981,890

20/02

571,04

-7,08(-1,22%)

259,679,130

4,031,640

19/02

578,12

+3,56(+0,62%)

159,097,280

2,551,950

18/02

574,56

+4,36(+0,76%)

160,281,020

2,463,670

17/02

570,20

-2,02(-0,35%)

163,684,720

2,511,500

Tổng

-1,65(-0,27%)

867,505,545

13,540,650

Trong khi đó trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đã có 4 phiên tăng điểm và một phiên giảm điểm duy nhất ngày 20/2. Kết thúc tuần, HNX-Index tăng 1,42 điểm, tương đương tăng 1,87%, đứng ở mức 80,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 105,27 triệu đơn vị/phiên, tăng 23,72% so với tuần trước và tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 1.049,11 tỷ đồng/phiên, tăng 39,1% so với tuần trước.

Trong khi sàn HOSE, chỉ số VN-Index không thể chinh phục được ngưỡng 580 điểm, thì HNX-Index sau khi rung lắc mạnh cũng đã lấy lại đà tăng nhẹ và vượt ngưỡng 80 điểm. Cùng với điểm tích cực về thanh khoản tăng mạnh giúp sàn HNX có một tuần nổi bật.

Phiên giao dịch ngày 20/2 cũng đã đánh dấu mốc kỷ lục mới trên sàn HNX khi khối lượng khớp lệnh lên đến trên 148,78 triệu đơn vị và tổng giá trị vượt 1.448 tỷ đồng.

Tổng hợp giao dịch trên HNX trong tuần từ 17-21/2

Ngày

HNX-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

21/02

80,17

+0,66(+0,83%)

72,319,923

708,430

20/02

79,51

-2,81(-3,42%)

148,780,034

1,448,630

19/02

82,33

+1,29(+1,59%)

107,184,155

1,081,120

18/02

81,04

+1,40(+1,76%)

94,441,826

992,500

17/02

79,64

+0,88(+1,11%)

103,606,279

1,014,890

Tổng

+1,42(+1,87%)

526,332,217

5,245,570

Tuần qua, dòng vốn ngoại tiếp tục dồn tiền vào thị trường chứng khoán Việt. Tuy nhiên, với giao dịch bán ra hơn 5 triệu cổ phiếu HAG phiên đầu tuần, nên tính giảm bớt lượng mua ròng chung của khối này trong tuần.

Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại mua vào 43,73 triệu đơn vị, trị giá 1.265,27 tỷ đồng và bán ra 34,54 triệu đơn vị, trị giá 984,9 tỷ đồng. Qua đó, khối này đã mua ròng 9,19 triệu đơn vị, trị giá 280,37 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi động hơn tuần trước. Dòng tiền đổ vào tích cực hơn với khối lượng mua ròng 9,95 triệu đơn vị, trị giá 131,62 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với tổng giá trị mua ròng tuần trước đó. Trong đó, khối ngoại mua vào 12,73 triệu đơn vị, trị giá 182,95 tỷ đồng và bán ra 2,78 triệu đơn vị, trị giá 51,33 tỷ đồng.

Tổng hợp giao dịch của NĐT nước ngoài trên TTCK từ ngày 17-21/2

Ngày

Khối lượng

Giá trị (tr.đồng)

Mua

Bán

Mua-Bán

Mua

Bán

Mua-Bán

21/02

7,582,600

6,107,760

1,474,840

191,750

147,860

43,890

20/02

15,939,670

8,731,740

7,207,930

383,180

195,810

187,370

19/02

8,658,210

6,123,322

2,534,888

273,640

206,720

66,920

18/02

13,306,060

7,526,278

5,779,782

374,320

238,810

135,510

17/02

10,972,920

8,826,508

2,146,412

225,330

247,030

-21,700

Tổng

56,459,460

37,315,608

19,143,852

1,448,220

1,036,230

411,99

Tính chung trên cả hai sàn tuần qua từ ngày 17-21/2, khối ngoại đã mua ròng 19,14 triệu đơn vị, giảm 21,1% so với tuần trước đó và tổng giá trị tương ứng 411,99 tỷ đồng, giảm hơn 28% so với phiên giao dịch trước đó.

NHẬN ĐỊNH CỦA CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

567 điểm là mức hỗ trợ gần nhất

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Phiên cuối tuần, VN-Index chỉ tạo ra một nến nhỏ ít có ý nghĩa. Mức 567 điểm tiếp tục là khu vực hỗ trợ gần nhất của VN-Index và nhà đầu tư sẽ cần xem xét đóng lại một phần danh mục trong trường hợp đường giá về dưới mức này trong tuần giao dịch tiếp theo.

Khó giảm sâu 

(CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS)

Hai chỉ số Index tăng điểm đầu tuần, điều chỉnh giảm về cuối tuần khi tiếp cận ngưỡng cản kỹ thuật (590 điểm đối với VN-Index, 84 điểm đối với HNX-Index).

Áp lực chốt lời tăng mạnh tại ngưỡng cản kỹ thuật và diễn ra rộng khắp toàn thị trường, khi chỉ số chung đã có hơn 1 tháng tăng điểm nóng. Điểm tích cực là lực cầu mua giá thấp rất mạnh, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu midcap có yếu tố cơ bản tốt. Mặt khác, việc nhà đầu tư chủ động bán ra chốt lời tại ngưỡng kháng cự giúp áp lực bán ra bắt buộc không nhiều. Tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại trong phiên cuối tuần, mức giá tăng xuất hiện ở nhiều mã cổ phiếu.

Diễn biến điều chỉnh tại ngưỡng kháng cự là bình thường trong một xu hướng tăng điểm, giúp đà tăng lành mạnh. Tâm lý nhà đầu tư không hoảng loạn và dòng tiền đổ vào thị trường ở mức cao là tín hiệu tích cực trong giai đoạn điều chỉnh. Mặt khác, khá nhiều cổ phiếu chủ chốt đã giảm xuống mức tích lũy trong khoảng 2 tuần vừa qua. Do vậy, chúng tôi cho rằng, khả năng điều chỉnh giảm sâu của thị trường dự báo không nhiều.

Tâm lý thận trọng dự báo sẽ tăng vào đầu tuần tới, đặc biệt trong ngày thứ Ba, khi có một lượng cổ phiếu lớn về tài khoản. Ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật của thị trường là khoảng 560-565 điểm đối với VN-Index, lấp đầy khoảng trống đã thiết lập trong phiên tăng mạnh ngày 13/2, và khoảng 75-77 điểm đối với HNX-Index. Xu hướng thị trường tăng điểm trung hạn vẫn được đánh giá tích cực.

Tranh thủ chốt lời

(CTCK FPT - FPTS)

Hiện tại, thị trường đang ở duới áp lực chốt lời lớn sau một thời gian tăng dài, các chỉ báo kỹ thuật đều đang ở vùng quá mua. Với nhận định cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đang gặp phải ngưỡng kháng cự mạnh (585 đối với VN-Index, 84 đối với HNX-Index). Đồng thời khả năng quay lại kiểm tra thành công hai ngưỡng này không cao.

Do vậy, đối với nhà đầu tư lướt sóng đang nắm giữ cổ phiếu nên tranh thủ những phiên Bulltrap để chốt lời, giảm mạnh tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu và kiên nhẫn chờ đợi thị trường giảm điểm xuống vùng 550 có thể xem xét mua lại.

Đối với nhà đầu tư lướt sóng chưa nắm giữ cổ phiếu không nên tham gia thị trường vào thời điểm này để tránh rủi ro T+

Thị trường tiếp tục giằng co

(CTCK MB – MBS)

Chúng tôi cho rằng, thị trường thời gian tới sẽ tiếp tục giằng co giữa lực mua và bán, phiên phân phối vừa qua mang yếu tố chốt lời nhiều hơn là bán đi bằng mọi giá, nên không có hiện tượng giảm sâu. Thời gian tới, thị trường sẽ thận trọng và phân hóa mạnh hơn cùng với việc dòng tiền sẽ dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.

Thị trường bình ổn trở lại

(CTCK MaritimeBank – MSBS)

Thị trường chứng khoán đã chứng kiến một tuần giao dịch rất cảm xúc với sự tăng giảm mạnh. Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index giảm từ mốc 572,22 điểm xuống 570,57 điểm, trong khi HNX-Index tăng từ 78,76 điểm lên 80,17 điểm.

Phiên giao dịch đáng nhớ nhất chính là phiên ngày thứ Năm, 20/02, thị trường chứng khoán ghi nhận thanh khoản kỷ lục, khối lượng giao dịch trên HOSE đạt mức cao nhất trong lịch sử với gần 260 triệu đơn vị, giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.

Phiên giao dịch chấm dứt cho chuỗi tăng điểm của thị trường trong vòng 1 tháng qua với sự bán tháo ồ ạt của nhà đầu tư đối với cả cổ phiếu bluechips cũng như cổ phiếu đầu cơ. Tuy nhiên, thị trường đã ổn định trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần khi VN-Index vẫn giữ được ngưỡng 570 điểm và HNX-Index khôi phục mốc 80 điểm. Khối ngoại đã mua ròng trong phiên tháo chạy lịch sử 20/02 cũng là một tác nhân giúp thị trường bình ổn trở lại.

Sóng tăng vẫn chưa dừng lại

(CTCK Rồng Việt – VDSC)

Thông tin nới room cho NĐT nước ngoài một lần nữa được “làm nóng”. Đây có lẽ là thông tin nhiều NĐT đang chờ đợi nhất và cũng đang giúp thị trường tránh được một nhịp điều chỉnh sâu sau phiên giao dịch kỷ lục 20/2.

Chúng tôi cũng tin rằng, đây là yếu tố đang hỗ trợ tâm lý NĐT trong ngắn hạn, tuy nhiên, cứ cho là tin “nới room” được công bố thì kịch bản sau đó của thị trường sẽ là một dấu hỏi lớn.

Trước mắt, chúng tôi nhận thấy có hai khả năng: (1) dòng vốn ngoại sẽ tăng mạnh hơn và giúp VN-Index chinh phục thành công vùng 580 điểm; (2) dòng vốn ngoại chưa thể tích cực ngay được và thị trường sẽ có thêm một nhịp điều chỉnh nữa chứ không phải chỉ là một phiên như phiên giao dịch ngày 20/02.

Nhìn từ góc độ hỗ trợ của tin nới room, chúng tôi cho rằng chưa có đủ cơ sở cho để khẳng định rằng nhịp điều chỉnh đã kết thúc. Tuy nhiên, từ một góc độ khác đến từ vĩ mô, nhiều mục tiêu đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu DNNN và hỗ trợ cho thị trường bất động sản đang được bàn luận tích cực. Do đó, chúng tôi cho rằng sóng tăng điểm của thị trường trong năm 2014 sẽ chưa dừng lại, một tín hiệu để NĐT có thể chọn lọc cổ phiếu ngoài dựa trên yếu tố cơ bản là sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại trong thời gian gần đây.

Thị trường sẽ tiếp tục lình xình

(CTCK BIDV – BSC)

Thị trường có sự hồi phục nhẹ với khối lượng giảm thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang chuyển từ trạng thái hoảng loạn sang nghi ngờ. Hiện tại, thông tin hỗ trợ sẽ quyết định xu hướng tiếp theo của thị trường.

Ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 565 điểm của VN-Index đang tỏ ra khá mạnh khi chỉ số đã 2 lần chạm rồi bật lên ngay trong phiên. Trong ngắn hạn, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục lình xình vùng giá hiện tại.

Rủi ro thị trường vẫn ở mức cao

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Thị trường trải qua một tuần giao dịch đầy biến động với ba phiên giảm điểm và hai phiên tăng điểm. Đặc biệt, sau khi đạt mốc cao nhất trong vòng 4 năm qua tại mốc 584,1 điểm trong phiên ngày thứ Năm (20/02), chỉ số VnIndex đã quay đầu giảm mạnh, tạo nên một phiên thanh khoản kỷ lục của TTCK Việt Nam.

Trong phiên cuối tuần, thị trường đã tạm thời trở lại trạng thái cân bằng nhưng khối lượng giao dịch lại sụt giảm mạnh so với phiên phân phối trước đó nên chưa thể kết luận nhiều về lượng cầu sẵn sằng quay trở lại thị trường.

Theo quan sát của chúng tôi, sự điều chỉnh mạnh đi kèm khối lượng giao dịch lớn trong tuần qua phần nhiều xuất phát từ tâm lý đám đông. Mặc dù có một vài thông tin tiêu cực được công bố như hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s công bố tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam ở mức 15% (cao hơn rất nhiều so với số liệu từ NHNN là dưới 10%) nhưng chúng tôi đánh giá đây là thông tin không mới, khó có thể khiến tâm lý nhà đầu tư đảo chiều nhanh như vậy.

Áp lực chốt lời của một lượng lớn cổ phiếu đã tích lũy ở các mức giá thấp trước đây đi kèm áp lực hạ đòn bẩy tài chính của một bộ phận nhà đầu tư đã khiến đà lao dốc của chỉ số nhanh và mạnh ngoài dự đoán.

Các phiên trong tuần tới sẽ là cơ hổi để kiểm chứng lượng cầu sẵn sàng vào thị trường có thật sự lớn hay không? Tuy vậy, rủi ro thị trường trong thời điểm hiện tại được chúng tôi đánh giá ở mức cao, do vậy nhà đầu tư nên ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu quản trị rủi ro. Nhà đầu tư có thể tranh thủ các phiên thị trường bật tăng để giảm tỷ trọng cổ về mức trung bình thấp (dưới 50%).

Tin bài liên quan