Chứng khoán tuần mới: Tiếp tục tích lũy

(ĐTCK) Hầu hết các CTCK đều nhận định khá thận trọng trong tuần giao dịch tới. Việc công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 của các doanh nghiệp cùng thông tin ĐHCĐ thường niên khiến thị trường tiếp tục phân hóa mạnh.
Chứng khoán tuần mới: Tiếp tục tích lũy

Mặc dù chỉ số trên hai sàn đều tăng nhưng điều khiến giới đầu tư quan ngại chính là dòng tiền vào thị trường tiếp tục thận trọng, thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện.

Trong tuần giao dịch từ ngày 7-11/4, trên sàn HOSE, thị trường được chia làm 2 nửa với 2 phiên đầu tuần tăng điểm và giảm trở lại trong 2 phiên cuối tuần, cùng 1 phiên nghỉ giao dịch giữa tuần.

Với sự dẫn dẵn của các trụ cột lớn như GAS, MSN, VNM, thị trường đã đón nhận 2 phiên đầu tuần tăng điểm mạnh, chỉ số VN-Index dễ dàng vượt qua 600 điểm và có thời điểm gần chạm mốc 609 điểm. Tuy nhiên, đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index quay lại bằng điểm số trong phiên đầu tuần và đứng ở mức 600,57 điểm với mức tăng tính chung cả tuần đạt 7,53 điểm, tương ứng 1,27%.

Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 116,07 triệu đơn vị/phiên, giảm 12,67% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.359,44 đồng/phiên, giảm 6,54% so với tuần trước đó.

Giao dịch trên HOSE trong tuần qua

Ngày

VN-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

11/4/2014

600,57

-0,76(-0,13%)

106,926,180

2,204,180

10/4/2014

601,33

-1,92(-0,32%)

114,247,627

2,386,230

8/4/2014

603,25

+2,68(+0,45%)

127,466,174

2,462,590

7/4/2014

600,57

+7,53(+1,27%)

115,651,254

2,384,770

Tổng

+7,53(+1,27%)

464,291,235

9,437,770

Ấn tượng nhất chính là phiên giao dịch đầu tuần. Tuy thanh khoản vẫn thấp, dòng tiền vào thị trường thận trọng, nhưng nỗ lực kéo của các bluechip đã giúp VN-Index chinh phục lại mốc 600 điểm.

Tương tự, sàn HNX cũng có 2 phiên tăng điểm đầu tuần và 2 phiên cuối tuần. Chỉ số HNX-Index giao động trong khoảng hẹp hơn và chỉ xoay quanh mốc 87 điểm. Trong tuần, HNX-Index tăng 0,73 điểm, tương đương tăng 0,84%, đứng ở mức 87,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 89,06 triệu đơn vị/phiên, giảm 24,5% so với tuần trước và tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 1.028,72 tỷ đồng/phiên, giảm 25,5% so với tuần trước.

Giao dịch trên HNX trong tuần qua

Ngày

HNX-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

11/4/2014

87,49

-0,16(-0,18%)

81,753,002

948,110

10/4/2014

87,64

-0,18(-0,20%)

58,807,031

785,270

8/4/2014

87,82

+0,51(+0,58%)

73,822,089

896,930

7/4/2014

87,32

+0,56(+0,64%)

72,793,187

801,470

Tổng

+0,73(+0,84%)

287,175,309

3,431,780

Tuần qua từ ngày 7-11/4, thị trường tiếp tục chứng kiến xu hướng bán ròng với những phiên trên 100 tỷ của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhận định của một số đại diện CTCK, đây không phải là hiện tượng rút vốn mà là hoạt động tái cơ cấu của các quỹ. Tính chung trong tuần, khối ngoại bán ròng 5,92 triệu đơn vị và tổng giá trị tương ứng 502,34 tỷ đồng. Trong khi tuần trước, khối này mua ròng gần 35,72 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng tương ứng 1.744,44 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần (đơn vị: tr.đồng)

Ngày

Khối lượng

Giá trị

Mua

Bán

Mua-Bán

Mua

Bán

Mua-Bán

11/4

6,918,690

9,385,590

-2,466,900

307,240

475,420

-168,180

10/4

11,155,197

12,100,977

-945,780

452,390

599,020

-146,630

8/4

6,266,560

7,890,920

-1,624,360

202,810

285,380

-82,570

7/4

8,384,560

9,270,610

-886,050

325,130

430,090

-104,960

Tổng

32,725,007

38,648,097

-5,923,090

1,287,570

1,789,910

-502,340

Trong đó, trên sàn HOSE, khối ngoại đã mua vào 28,02 triệu đơn vị, trị giá 1.214,42 tỷ đồng và bán ra 34,59 triệu đơn vị, trị giá 1.717,44 tỷ đồng. Như vậy, khối này bán ròng gần 6,57 triệu đơn vị và trị giá bán ròng tương ứng 503,02 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua vào 4,7 triệu đơn vị, trị giá 73,15 tỷ đồng, lần lượt giảm 23,13% về lượng và 40,76% về giá trị so với tuần trước đó. Ngược lại, khối ngoại bán ra 4,06 triệu đơn vị, trị giá 72,47 tỷ đồng, lần lượt giảm 69,7% về lượng và . Qua đó, khối này mua ròng 645.400 đơn vị, trị giá chỉ 0,68 tỷ đồng.

Nhận định của công ty chứng khoán:

VN-Index tiếp tục tích lũy quanh 600 điểm

(CTCK BIDV – BSC)

Thị trường tuần qua phân hóa mạnh và rơi vào tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” khiến việc trading cổ phiếu gặp khó khăn hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, chỉ các mã cổ phiếu có thông tin hỗ trợ tốt (chia cổ tức cao, kết quả kinh doanh quý I cải thiện) mới thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư (điển hình như các mã GAS, VNM, MSN và nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán…).

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định tuy nhiên chưa có chuyển biến mới để có thể tạo bước đột phá cho thị trường. Tốc dộ giải quyết nợ xấu và triển khai các gói tín dụng bất động sản vẫn còn chậm trong khi quyết định nới room cho NĐT nước ngoài nhiều khả sẽ chưa sớm xuất hiện trong tháng 4. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I và do đó trong thời gian sắp tới thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn thiếu thông tin.

Nhiều khả năng VNIndex sẽ vẫn tiếp tục tích lũy quanh 600 điểm trong tuần tới với thanh khoản thấp quanh 100 triệu với quá trình phân hóa vẫn tiếp tục diễn ra. Cơ hội đầu tư ngắn hạn là không lớn, NĐT nên duy trì danh mục ổn định hơn là đẩy mạnh hoạt động mua bán.

Trường hợp VN-Index bứt phá dựa vào một vài cổ phiếu chủ chốt và thanh khoản không tăng thì đây là thời điểm tốt để cơ cấu danh mục chốt lãi các cổ phiếu tăng mạnh và đầu tư lại các cổ phiếu cơ bản chưa tăng giá.

Các chỉ số tiếp tục rung lắc nhẹ

(CTCK KIS Việt Nam – KIS)

Trong tuần tới, thông tin KQKD quý I của nhiều công ty sẽ được công bố, theo đó kết quả sẽ có sự phân hóa đáng kể. Do dòng tiền đầu cơ hiện nay chưa có nhiều tín hiệu cải thiện nên chúng tôi cho rằng, các chỉ số vẫn sẽ tiếp tục rung lắc trong biên độ hẹp. Hoạt động mở rộng vị thế mua cho nhà đầu tư ngắn hạn chưa được khuyến khích.”

Thị trường sẽ phân hóa mạnh mẽ hơn

(CTCK MB – MBS)

Thị trường phiên giao dịch cuối tuần trước kết thúc giảm điểm nhẹ với cả 2 chỉ số đều giao động trong biên độ hẹp. Khối lượng giao dịch được duy trì ở mức trung bình khá cho thấy thị trường ở trạng thái khá tích cực. Với việc thời gian công bố kết quả kinh doanh của quý I/2014 đang đến gần, xu hướng chung các nhà đầu tư bán ra giảm dần tỷ trọng cổ phiếu và hạ tỷ lệ đòn bẩy thể hiện rõ khi lực mua luôn mạnh hơn lực bán và kéo thị trường xuống dưới tham chiếu. Tuy nhiên, tâm lý chung trong trung và dài hạn vẫn khá tích cực khi các dự báo kinh tế vĩ mô và chỉ số kinh tế nói chung chưa có dấu hiệu xấu đi, khiến cho không có lệnh bán ở mức giá thấp, cũng như lực mua sắn sàng khớp tại vùng giá này.

Ngắn hạn, hai chỉ số sẽ nhiều khả năng tiếp tục dao động hẹp quanh vùng điểm hiện tại với VN-Index bám sát mốc điểm 600 còn HN-Index quanh vùng 85-90. Kết quả kinh doanh quý I sắp tới sẽ khiến cho thị trường phân hóa mạnh mẽ hơn khi dòng tiền sẽ nhanh chóng rời bỏ các cổ phiếu có kết quả dưới kỳ vọng và tập trung vào các cổ phiếu có kết quả tốt. Chúng tôi nhận định thị trường chung sẽ tiếp tục tăng điểm trong trung hạn, tuy nhiên sẽ có các cổ phiếu sụt giảm mạnh.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư giảm dần tỷ trọng và hạ đòn bẩy nhưng không bán hết đối với các cổ phiếu chưa có thông tin về kết quả kinh doanh quý 1, và tiếp tục nắm giữ cũng như tận dụng các sóng điều chỉnh để mua thêm vào với các cổ phiếu có thông tin tích cực.

Thị trường đi vào vùng tích lũy trong tháng 4

(CTCK Rồng Việt – VDSC)

Trở lại sau ngày nghỉ lễ, thị trường tiếp tục giao dịch trong trạng thái cầm chừng, lực cầu tại các mã chủ chốt không còn mạnh khiến các chỉ số đều phải giảm điểm. Điểm mặt các cổ phiếu lớn giúp chỉ số thị trường tăng trong vài phiên gần đây thì ngoài MSN còn tăng điểm, hầu hết các mã khác đều giảm điểm như FPT, VCB, VIC, VNM… bên cạnh GAS giữ giá tham chiếu bởi những thông tin tích cực từ các mã này đều đã phản ánh vào giá trong khi thiếu vắng những thông tin hỗ trợ cần thiết khác.

Nhịp tăng 4 phiên liên tiếp trước đó đã gãy bằng phiên giảm hôm nay và vùng 600 điểm của VN-Index đang thực sự cần kiểm định thêm nếu muốn gia tăng độ cao cho chỉ số này. Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm thị trường đi vào vùng tích lũy trong tháng 4 và các chỉ số sẽ tiếp tục biến động trong biên độ (575-610) đối với VNIndex và (83-90) đối với HNIndex.

VN-Index kiểm nghiệm thêm về sự bền vững của đáy 575 điểm

(CTCK FPT – FPTS)

Qua quan sát tâm lý thị trường đã ổn định lại đôi chút so với tuần điều chỉnh mạnh trước đó. Tuy nhiên sự phục hồi hiện tại chưa có đủ yếu tố bền vững. Trước tiên đó là thanh khoản tiếp tục xu hướng giảm so với bình quân 15 phiên. Sự hồi phục của chỉ số không phản ảnh thực chất của thị trường mà đến từ lực kéo của các bluechips. Trong kịch bản lạc quan nhất, nhà đầu tư vẫn cần có sự kiểm nghiệm thêm về sự bền vững của đáy tạm mới hình thành vừa qua tại 575 điểm để có chiến lược giải ngân phù hợp.

Giữ mốc 600 điểm

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Trong thời gian khoảng ba tuần trở lại đây, thị trường ít có các thông tin hỗ trợ. Theo quan sát của chúng tôi, tỷ lệ đòn bẩy của các nhà đầu tư đã giảm hơn so với cao điểm trước đây do họ cố gắng giảm bớt rủi ro. Hiện tại, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ có biến động tăng mạnh trước đó đang giao dịch tương đối cầm chừng. Chúng tôi cũng nhận thấy các mã trong nhóm VN30 cũng yếu hơn một cách tương đối so với thị trường chung.

Trên đồ thị, VN-Index vẫn nằm trong xu hướng tăng giá kéo dài từ tháng Chín 2013 tới hiện tại. Gần nhất, chỉ số này đang thử lại mức đỉnh 609 nhưng tạm thời chưa thành công. Khối lượng giao dịch thấp ở khu vực hiện tại có thể là một lý do khiến xung lực của thị trường không đủ mạnh. Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Thị trường tiếp tục dao động tích lũy tại ngưỡng cản kỹ thuật

(CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS)

Thị trường dự báo tiếp tục dao động tích lũy tại ngưỡng cản kỹ thuật trong một vài phiên tới. Nếu vượt qua ngưỡng cản 610 điểm, mục tiêu tiếp theo của VN-Index sẽ là quanh vùng 630 điểm. Vượt qua ngưỡng cản 89-90 điểm, mục tiêu tiếp theo của HNX-Index là +/-93 điểm. Sự phân hóa cổ phiếu dự báo tiếp tục diễn ra rõ nét, dựa trên kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I/2014 và thông tin hỗ trợ mùa ĐHCĐ.

Mức độ tăng điểm của HNX-Index dự báo kém tích cực hơn VN-Index, khi dòng tiền có chiều hướng quan tâm hơn đến nhóm cổ phiếu Bluechips.

Nhà đầu tư DUY TRÌ TRẠNG THÁI DANH MỤC. Việc gia tăng tỷ trọng đối với mục tiêu ngắn hạn chỉ nên xem xét khi chỉ số Index vượt qua vùng kháng cự đi kèm với thanh khoản tích cực.

Chưa thấy tín hiệu tăng

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Thị trường kết thúc một tuần hồi phục nhẹ sau diễn biến khá giằng co theo từng phiên. Việc đánh mất phần lớn số điểm đạt được vào đầu tuần đi kèm tổng khối lượng khớp lệnh đứng ở mức thấp cho thấy đà hồi phục chưa thực sự bền vững của hai chỉ số. Dòng tiền mang tính chọn lọc cao khi chỉ tập trung vào một số mã có triển vọng KQKD tích cực trong quý I, điển hình là nhóm ngành chứng khoán, và một số bluechips vốn hóa lớn có thông tin về tỷ lệ chia cổ tức 2014, cũng cho thấy tín hiệu không thuyết phục về độ rộng tăng giá.

Một trong những điểm nóng đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần qua là động thái bán ròng khá đột biến của khối ngoại với giá trị lên tới xấp xỉ 550 tỷ cổ phiếu khớp lệnh. Nếu như trong những phiên đầu tuần, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ thực hiện bán chủ yếu tại một số mã bluechips như DPM, VIC, HAG thì trong phiên ngày Thứ 6, hiện tượng này đã có dầu hiệu mở rộng hơn sang một số bluechips khác.

Theo phán đoán của chúng tôi, bên cạnh áp lực rút vốn khỏi các quỹ ETFs trong thời gian gần đây, một số quỹ đầu tư cũng đang có nhu cầu chốt lời và tái cơ cấu danh mục, tương ứng với rủi ro tiếp tục thu hẹp gói QE3 của FED trong thời gian tới. Bên cạnh những tín hiệu chậm lại, suy giảm của kinh tế Trung Quốc thì đây cũng là một rủi ro cần tính đến trong thời gian tới nhất là trong bối cảnh thị trường Việt Nam đã trải qua một nhịp tăng trưởng nóng trong 2 quý trước.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục duy trì vị thế trung hạn ở mức cân bằng và chờ đợi thêm các tín hiệu xác nhận trong tuần tới trước khi mở trạng thái mua phần tỷ trọng trading ngắn hạn trở lại. Trong nhịp điều chỉnh hiện tại, các chiến lược quay vòng một tỷ trọng ngắn hạn chỉ nhằm mục đích tạo ra phần bù rủi ro, trung bình giá vốn hoặc kết hợp tái cơ cấu cho các vị thế trung hạn còn đang nắm giữ bám theo xu hướng chính.

Tin bài liên quan