Chứng khoán VPS dẫn đầu thị phần môi giới quý IV và cả năm 2021 trên HOSE

Chứng khoán VPS dẫn đầu thị phần môi giới quý IV và cả năm 2021 trên HOSE

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với thị phần giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên HOSE là 17,12%, chứng khoán VPS tiếp tục đứng vị trí số 1. 

Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa công bố danh sách Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất trong năm 2021.

Theo đó, Công ty Chứng khoán VPS vươn lên chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu với thị phần 16,14%, tăng gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2020. Năm trước đó, thị phần của VPS trên HOSE là 8,22%, đứng thứ 3 trong bảng tổng sắp của HOSE.

Trong top 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất tại HOSE, TCBS và Mirae Asset Việt có sự cải thiện tốt về thị phần so với quý trước đó. Cụ thể, TCBS tăng thị phần từ 4,81% (xếp hạng thứ 6) trong quý III/2021 lên 5,28% (xếp hạng thứ 5) trong quý IV/2021, còn Mirae Asset Việt Nam từ 3,94% (vị trí thứ 8) lên 4,74% (vị trí thứ 6). Các công ty chứng khoán còn lại đều có sự giảm nhẹ vài điểm phần trăm đến hơn 1%.

Ở thị trường môi giới Trái phiếu, TCBS tiếp tục dẫn đầu nhưng thị phần giảm về mức 31,12% thay vì 34,86% như quý III/2021. Vị trí thứ 2 có sự bất ngờ khi Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vươn lên với thị phần 20,63% (quý trước chỉ 13,48% và đứng vị trí thứ 3).

Thay vào đó, chứng khoán Tiên Phong lui về vị trí thứ 3 với thị phần 16,45%, giảm so với con số 21% quý liền kề. Chứng khoán KS vẫn là ngôi sao đang lên trên bảng xếp hạng, tiếp tục tăng thị phần môi giới trái phiếu từ 11,33% lên 14,71%.

Tổng kết cả năm đối với Top 10 thị phần môi giới trên HOSE, VPS dẫn đầu thuyết phục với thị phần 16,04%. Đáng chú ý, VPS đã bứt phá một cách mạnh mẽ và vươn lên vị trí dẫn đầu kể từ hồi quý I/2021 và luôn duy trì được vị trí này trong các quý của năm 2021.

Trong Top 5 còn lại cũng có sự thay đổi về thứ hạng thị phần, trong đó SSI đứng thứ 2 với 11,05%. Đại diện SSI cho biết, tính riêng trong quý IV/2021, số lượng tài khoản mở mới tại SSI đã tăng 53% so với quý trước và tăng 379% so với cùng kỳ năm trước; số lượng tài khoản trong năm 2021 tăng trưởng 69% so với năm 2020.

Giá trị giao dịch của SSI trong kỳ cũng tăng trưởng tích cực, đạt 19% so với quý III và tăng tới 156% so với cùng kỳ. Dư nợ ký quỹ của SSI cuối quý IV/2021 tiếp tục tăng trưởng mạnh lên mức 22.500 tỷ đồng, tăng tới 4.400 tỷ đồng so với quý trước.

VND và HSC tráo đổi thứ hạng so với năm 2020, cụ thể VND vươn lên vị trí thứ 3 với thị phần 7,46%, HSC lùi xuống vị trí thứ 4 với thị phần 6,71%. Và đứng ở vị trí thứ 5 là Chứng khoán Bản Việt có thị phần 4,87%, giảm so với con số 6,94% của năm 2020.

Ở Top dưới, TCBS là gương mặt mới trong Top 10 CTCK có thị phần lớn nhất năm 2021, đạt 4,57%; trong khi Chứng khoán MBS lùi từ vị trí thứ 6 xuống thứ 8, và KIS Việt Nam thay thế BSC lọt vào Top 10 năm nay.

Tuy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chưa công bố dữ liệu thị phần môi giới cổ phiếu của các công ty chứng khoán năm 2021, nhưng giới chứng khoán đều tin rằng, VPS sẽ giữ vững ngôi vị số 1 mà công ty đã chiếm lĩnh được trong năm 2020.

Số liệu thống kê của HHX cho thấy, kết thúc quý III/2021, VPS đạt 17% thị phần môi giới cổ phiếu trên HNX, nhiều hơn tới 7 điểm phần trăm so với công ty về nhì.

Trong khi đó, với cổ phiếu UPCoM, VPS có thị phần tới gần 24% tại thời điểm cuối quý III/2021, gấp hơn 2 lần thị phần của công ty đứng thứ 2.

Ở mảng môi giới chứng khoán phái sinh, VPS vẫn duy trì được vị thế vượt trội trong 3 quý đầu năm nay, với thị phần ở mức 56,68%.

Theo VPS, sự tăng trưởng vượt bậc về thị phần mà Công ty có được là do trong những năm gần đây, Công ty đã đầu tư mạnh mẽ cho đội ngũ nhân viên tư vấn đầu tư (môi giới) cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, bên cạnh việc duy trì chế độ hoa hồng cho nhân viên môi giới ở mức cao nhất trên thị trường hiện nay.

Ngoài ra, Công ty cũng liên tục đưa ra các sản phẩm có sức hấp dẫn cao để hỗ trợ khách hàng đầu tư một cách hiệu quả, trong khi vẫn duy trì chính sách miễn phí giao dịch chứng khoán thời gian đầu cho những nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Đặc biệt, VPS là công ty chứng khoán đầu tiên tại thị trường Việt Nam cho phép nhà đầu tư mua cổ phiếu lẻ (tới phần trăm hoặc phần ngàn đơn vị) bằng lệnh FS, mở toang cánh cửa để các nhà đầu tư trẻ thuộc thế hệ gen Z - những người vừa mới gia nhập thị trường lao động - tiếp cận được thị trường chứng khoán với số vốn đầu tư ban đầu ở mức thấp.

Mới đây, VPS cũng đã thông báo tới khách hàng việc đưa vào thử nghiệm tính mới Gify - trao, nhận quà với Stockcard (thẻ quà tặng cổ phiếu) trên nền tảng VPS SmartOne do công ty phát triển. Theo đó, khách hàng của VPS có thể tặng quà cho người thân, bạn bè trong dịp Tết, sinh nhật, ngày Valentine… tiền hoặc cổ phiếu (khách hàng ủy thác cho VPS mua cổ phiếu để trao cho người nhận được chỉ định) kèm theo thiệp chúc mừng và/hoặc lời chúc có trong thư viện Gify. Được biết, tính năng này sẽ chính thức ra mắt thị trường 2 tuần trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán.

"VPS hy vọng tính năng này sẽ góp phần định hình một phong cách tặng quà thời thượng, không dùng tiền mặt, mang tới những trải nghiệm thú vị cho người dùng", đại diện VPS cho biết.

Ở thị phần trái phiếu, TCBS vẫn giữ vững vị trí số 1, nhưng thị phần giảm mạnh từ mức 68,5% năm 2020 về 38,87% năm 2021. Tiếp theo là 3 gương mặt mới với sự bứt phá về thị phần là Chứng khoán Tiên Phong 19,01%, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) 11,46% và Chứng khoán KS 9,76%.

Trong khi đó, KBSV, Chứng khoán Phú Hưng, VPS, VDSC không còn nằm trong top 10 thị phần môi giới trái phiếu năm 2021.

Trên thực tế, biến động thị phần môi giới đã xuất hiện rõ rệt hơn từ khoảng năm 2019, khi nhiều công ty chứng khoán nước ngoài với lợi thế vốn rẻ đã có sự thăng hạng thị phần đáng kể.

Trong năm 2020 và 2021, đứng trước làn sóng mở mới tài khoản và tham gia thị trường chứng khoán ào ạt của người dân, các công ty chứng khoán đã có vài đợt tăng vốn gấp đôi, gấp 3 nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu tăng thêm quá lớn của nhà đầu tư.

Tính riêng 11 tháng năm 2021, đã có hơn 1,3 triệu tài khoản do nhà đầu tư trong nước mở mới, nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên hơn 4 triệu, xấp xỉ 4% dân số, tăng hơn 47% so với cuối năm trước.

Năm 2021 tiếp tục là năm viết nên nhiều kỷ lục mới, từ số lượng tài khoản mở mới đến thanh khoản thị trường. Từ quy mô thanh khoản chỉ khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2019, đã tăng lên 7.000 đơn vị/phiên năm 2020 và đặc biệt từ quý IV/2020, với dịch vụ mở tài khoản trực tuyến định danh eKYC đã khiến tốc độ gia nhập thị trường của người dân tăng vọt tới nay.

Thanh khoản trung bình trong quý IV/2020 vào khoảng 14.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên. Còn năm 2021, mức trung bình đạt hơn 25.960 tỷ đồng/phiên, trong đó quý IV với phiên kỷ lục lên đến 56.000 tỷ đồng, và rất nhiều phiên 30.000 - 40.000 tỷ đồng/phiên.

Với xu hướng này, công cuộc cạnh tranh trong ngành chứng khoán trở nên đa sắc màu và sôi động hơn rất nhiều, khi mỗi công ty chứng khoán đều có chiến lược riêng để thu hút thêm khách hàng mới, đưa ra nhiều các chương trình, tiện ích, cũng như dịch vụ tài chính cho khách hàng.

Bên cạnh đó là sự hồi sinh của hàng loạt công ty chứng khoán gần như “bất động” nhiều năm cũng khoác lên màu áo mới, tăng vốn và có lãi tốt; nhiều tập đoàn đa ngành tích cực săn mua lại công ty chứng khoán để tiếp cận gần hơn với dòng vốn dồi dào trong dân.

Mới đây, nhiều công ty chứng khoán tiếp tục công bố sẽ tăng vốn khủng trong năm 2022, hứa hẹn nguồn margin dồi dào hơn sẽ được cung cấp ra thị trường.

Tin bài liên quan