TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest chia sẻ tại Talkshow. Ảnh: Chí Cường

TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest chia sẻ tại Talkshow. Ảnh: Chí Cường

Chuyên gia Chứng khoán Smart Invest lý giải về hiện trạng doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest, với tình hình tiếp cận vốn khó khăn như hiện nay thì chưa nói đến việc mở rộng, mà việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng càng bị thu hẹp lại.

---------------------

Tại Talkshow Chọn danh mục (phần 2) - kỳ 4 với chủ đề Gỡ nghẽn dòng tiền do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (18/11), khi được hỏi về áp lực thanh khoản hiện nay đối với doanh nghiệp, TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest cho biết, vấn đề này đã không còn mới, mà câu chuyện về room tín dụng và tiếp cận vốn trên thị trường mới nổi đã rất nhức nhối từ cuối quý I/2022.

Do đó, khi sự biến động trên thị trường trái phiếu diễn ra khiến cho bộ phận lớn nhà đầu tư mất niềm tin toàn bộ vào thị trường trái phiếu, dẫn đến việc rút tiền đồng loạt, càng khiến thị trường trái phiếu không thể đáp ứng được nhu cầu này trong một thời gian ngắn.

Lý giải thêm về việc tại sao việc tiếp cận vốn lại trở nên khó khăn như hiện tại, ông Tuấn cho biết thêm, do thị trường cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng nên doanh nghiệp không thể phát hành cổ phiếu để tăng thêm vốn chủ sở hữu. Hơn nữa, thị trường tín dụng từ giữa tháng 4/2022 đã xảy ra hiện tượng bị nghẽn tín dụng do sự tăng trưởng tín dụng nhanh và mạnh sau thời kỳ Covid khiến các ngân hàng cạn room tín dụng.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp thu được lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, trả tiền vay cho ngân hàng, nhưng sau đó các ngân hàng thương mại không cấp tín dụng thêm nữa vì lý do hết room khiến các doanh nghiệp không có cửa để xoay xở vốn.

Đồng quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, cả năm nay room tín dụng là khoảng 14% nhưng nếu so từng tháng của năm nay so với năm ngoái thì có những thời điểm tốc độ tăng room tín dụng đạt tới 17%. Những giai đoạn như vậy tổng cung tiền chỉ tăng 5%-6% nhưng tín dụng tăng nhanh gấp nhiều lần nên áp lực thanh khoản đối với không ít ngân hàng là rất khó khăn, đòi hỏi phải tăng lãi suất để huy động vào.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Thêm nữa, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều năm trì hoãn dần dần tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, nhưng nhiều tháng đầu năm nay, tỷ lệ tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản (cả cho nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng cá nhân vay để sửa chữa nhà hay là đầu tư thứ cấp) lại tăng nhanh hơn mức tăng trung bình của tín dụng.

Theo ông Thành, một lý do nữa khiến doanh nghiệp khó tiếp cận khoản vay là việc khi cho vay trung và dài hạn thì khoản vay có thể thu lại được theo thời gian lại giảm đi, chưa nói đến các vấn đề khó khăn, nợ xấu khi cho vay trung và dài hạn. Khi khoản cũ thu lại chậm thì cho vay cũng khó.

Theo ông Tuấn, khi các doanh nghiệp bất động sản không tiếp cận được vốn, thì không có tiền để trả cho các nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhân công, nhà thầu..., khiến các doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng theo.

Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp sản xuất khác cũng khó tiếp cận đường vốn tín dụng ngân hàng hay vốn trái phiếu. Vì vậy, chưa nói đến việc mở rộng, mà việc duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng đã là khó khăn với doanh nghiệp.

"Chúng ta cần xem xét dạng bất động sản nào nên hạn chế và dạng bất động sản nào nên thúc đẩy, bởi ngành bất động sản hiện nay rất rộng, bao gồm nhiều dạng như nhà ở, khu công nghiệp, du lịch... Chính vì chưa phân định được điều này dẫn đến việc chúng ta làm hạn chế chung cho toàn ngành bất động sản trong việc tiếp cận vốn và qua đó làm các ngành khác bị liên luỵ", ông Tuấn nêu quan điểm.

Tin bài liên quan