Chuyên gia HSC nói về nhóm cổ phiếu hồi phục nhanh nhất và định giá thị trường hấp dẫn

Chuyên gia HSC nói về nhóm cổ phiếu hồi phục nhanh nhất và định giá thị trường hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Việt Nam vẫn là một trong các thị trường có tốc độ tăng trưởng EPS cao và định giá P/E đã trở về mức hấp dẫn so với các thị trường khu vực trong dài hạn”.

Đó là nhận định của bà Bùi Hoàng Minh, Chuyên gia phân tích cao cấp khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán HSC chia sẻ trong buổi hội thảo định kỳ hàng tháng với chủ đề Chiến lược nào cho thị trường mùa hè này?

Bà Minh phân tích thêm, dòng vốn ETF thời gian vừa rồi đã bán ròng tháng thứ 8 liên tiếp nhưng tháng 4 đã chủ động mua ròng và tập trung tại nhiều cổ phiếu trong VN30. Dòng tiền dương với các quỹ đầu tư vào ETF và một số mã như FPT, MSN, PNJ nhận được hỗ trợ lớn của dòng vốn ETF.

Đến nay, dòng vốn nước ngoài quay lại khá chậm rãi do mất đi yếu tố tiền rẻ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã công bố kế hoạch và báo cáo quý I có đủ số liệu cho các quỹ tính toán, và với định giá hấp dẫn của thị trường Việt Nam hiện nay, các quỹ có thể đi huy động vốn dựa trên các ước tính về sự tăng trưởng tích cực được duy trì.

Kỳ vọng sự quay trở lại của ETF có thể là điểm tựa cho nhà đầu tư cá nhân nhìn vào đó để ở lại thị trường dài hơi hơn.

Hai câu hỏi nhiều nhà đầu tư đặt ra nhất là thị trường đã tạo đáy chưa và lựa chọn đầu tư cổ phiếu ngành nào, cổ phiếu ngành nào phục hồi tốt nhất đã được các chuyên gia của HSC tập trung phân tích trả lời sâu và cụ thể.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Giám đốc tư vấn và nhận định thị trường, Khối khách hàng cá nhân HSC cho biết, có lo ngại khi Fed tăng lãi suất thì trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ hút tiền về. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đang phản ánh các tác động của việc Fed tăng lãi suất và giảm bảng cân đối kế toán từ tháng 5 tới nhằm đối phó với rủi ro lạm phát tăng cao kéo dài.

Nhưng trên thực tế 12 giai đoạn Fed tăng lãi suất trong quá khứ, chỉ có 1 lần thị trường cổ phiếu giảm giá, còn lại 11 lần đều tăng điểm, có giai đoạn tăng đến 20%/năm. Trong những giai đoạn như vậy, các ngành phòng thủ, kháng lạm phát, các nhóm cổ phiếu trả cổ tức tiền mặt cao thì mức tăng lớn nhất như nhóm cổ phiếu công nghệ, năng lượng, bất động sản, điện nước, phân phối gas, dược phẩm, bảo hiểm.

Dựa trên thống kê đó thì HSC đưa ra một danh mục cổ phiếu cho tầm nhìn quý II và xa hơn là 2023 như công nghệ viễn thông (FPT, CTR), năng lượng (GAS, PVS, PVD), điện nước (REE, BWE).

Bất động sản khu công nghiệp là nhóm ngành có dòng tiền ổn định nên chia cổ tức cao, đồng thời lại có tiềm năng tăng trưởng tốt trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam đang khởi sắc. Trong khi nhóm ngành bảo hiểm được đánh giá sẽ hưởng lợi từ chu kỳ kinh tế mới và mặt bằng lãi suất cao hơn với cổ phiếu đáng chú ý là BVH và PVI.

Ông Nguyễn Văn Quý, Chuyên gia phân tích cao cấp Khối Khách hàng cá nhân HSC chia sẻ, một số cổ phiếu mà các quỹ rất thích như MGW, DGW, MSN, nhóm cổ phiếu điều chỉnh lớn đều hướng về MA 200, nhà đầu tư có thể tận dụng yếu tố điều chỉnh ngắn hạn để tìm điểm mua tốt cho các cổ phiếu cơ bản thay vì mua đuổi như trước đây.

Bà Minh gợi ý, khi dòng vốn ETF quay trở lại có thể mua tích lũy chứng chỉ quỹ như E1VFN30 (mô phỏng chỉ số VN30) và FUEVFVND (mô phỏng chỉ số VNDiamond). HSC bảo lưu quan điểm về sự tăng trưởng tích cực hậu Covid của Việt Nam trong 3 năm tới. Việc xảy ra xung đột địa chính trị kéo dài khiến cho thế giới mất đi nguồn cung nhiều mặt hàng xuất xứ từ Nga và Ukraina tạo điều kiện cho các quốc gia khác thay thế, trong đó có Việt Nam. Vì thế, xuất khẩu dệt may, thủy sản sẽ có cơ hội để mở rộng thêm thêm thị phần.

Nhóm cảng biển và nhóm bất động sản khu công nghiệp vẫn tiếp tục hưởng lợi trực tiếp từ sự định hình lại chuỗi cung ứng của thế giới. Quý III/2022 sẽ có điểm nhấn kết quả kinh doanh khi kết quả phục hồi kinh tế sẽ phản ánh rõ nét hơn. Ngoài ra, trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đã bắt đầu quay trở lại dần, cộng với cầu du lịch nội địa tăng trưởng cao sẽ hỗ trợ nhóm bán lẻ phục hồi tiếp khi thu nhập người dân tăng cao trở lại. Đây sẽ là điểm nhấn kéo dài sau khi chịu thiệt hại lớn của 2 năm Covid.

"Về cơ bản, trong chu kỳ kinh tế dài hạn thì các nhịp rung lắc lại là một cơ hội để tích lũy cổ phiếu cơ bản duy trì được sự tăng trưởng bền vững và lưu ý đến việc lựa chọn doanh nghiệp có dòng vốn mạnh", bà Minh nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quý cho rằng, các chỉ báo đã cho thấy cung đã cạn kiệt thì đã có thể dò đáy, nhưng phải chờ đợi cầu tăng. Quá trình tạo đáy là chuỗi phản ứng theo phiên, cần xác nhận của một vài phiên như ngày hôm nay, chờ một phiên bùng nổ theo đà xác nhận sự quay trở lại của lực cầu trên diện rộng.

Còn bà Vũ Thị Thu Thủy dự đoán, khi thị trường tạo đáy hai nhóm phục hồi mạnh nhất là nhóm giảm điểm mạnh nhất và nhóm giảm điểm ít nhất. Nhóm giảm điểm mạnh nhất như cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu chứng khoán và các cổ phiếu midcap hay small cap khác có thể sẽ hồi kỹ thuật mạnh trong ngắn hạn.

Nhìn dài hạn hơn, nhóm cổ phiếu có sức hồi phục mạnh là nhóm liên tục nhận được dòng tiền ngay cả khi thị trường giảm, có thể giảm ít hơn, thậm chí vẫn giữ sắc xanh như nhóm bán lẻ, công nghệ, ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp. Đây cũng là cách HSC lựa chọn danh mục cho nhà đầu tư vì sức cầu của nhóm này giúp kháng lại đà giảm của thị trường thì khi thị trường hồi phục sẽ còn mạnh mẽ thu hút dòng tiền hơn nữa.

Tin bài liên quan