Chuyện nghề luật sư

Chuyện nghề luật sư

(ĐTCK) “Không được lợi dụng sự sơ hở của pháp luật”, nên ranh giới an toàn cho các luật sư là không có.

Chuyện nghề luật sư ảnh 1

Tư vấn trong kinh doanh có độ “nguy hiểm” và “cân não” hơn tranh tụng

 

Sau 68 năm kể từ năm 1945 - khi khai sinh nghề luật sư, tổ chức luật sư trong chế độ dân chủ nhân dân, đến nay, các luật sư Việt Nam chính thức có một ngày truyền thống: ngày 10/10 hàng năm. Chỉ trong 4 năm gần đây, các luật sư đã tham gia hàng trăm nghìn vụ việc và đạt nhiều thành công trong mỗi vụ án, vụ tranh chấp, bảo vệ lợi ích của thân chủ.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp chia sẻ, khi tham gia tố tụng, nỗi khó khăn, vất vả lớn nhất của người luật sư không chỉ là tìm kiếm bằng chứng, sục sạo trong đống hồ sơ để tìm căn cứ pháp lý có lợi cho thân chủ, mà còn là khó khăn đến từ chính cơ quan tiến hành tố tụng. Năm ngoái, luật sư Cường nhận lời bảo vệ cho thân chủ Vàng Mí Xì ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Luật sư Cường lên Hà Giang làm việc với TAND huyện Mèo Vạc để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, trong 3 ngày luật sư làm việc tại Hà Giang thì các lãnh đạo của TAND huyện Mèo Vạc và thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án trên đều “công tác đột xuất”, không có mặt tại trụ sở.

Không những thế, sau khi nộp đủ hồ sơ cho Tòa án, nửa tháng trôi qua mà không thấy phía Tòa án có động tĩnh gì về việc cấp giấy cho luật sư. Liên tục gọi điện đến Tòa án thì luật sư nhận được câu trả lời rằng, người trực điện thoại không biết gì về nội dung vụ việc, cũng không hiểu biết gì về pháp luật, nên đừng hỏi họ. Thực tế, người này không phải là Thư ký Tòa án, hay bất kỳ một cán bộ, công chức nào của Tòa, mà là một nhân viên tạp vụ! Phải đến khi luật sư Cường khiếu nại lên Ủy ban Dân tộc, TAND Tối cao, TAND Hà Giang, thì việc cấp giấy cho luật sư mới được thực hiện.

Những chuyện như trên không phải là hiếm gặp đối với các luật sư. Nhiều phản ánh từ phía luật sư cho thấy, dù Bộ luật Tố tụng dân sự, hay Bộ luật Tố tụng hình sự đã có quy định cụ thể về thời hạn cấp giấy cho luật sư, nhưng thực tế thời hạn này trong nhiều trường hợp bị trì hoãn. Pháp luật quy định, với trường hợp một người bị bắt giữ, thời hạn cấp giấy là 24h, đối với trường hợp khác là 3 ngày. Tuy nhiên, có không ít lý do “hợp lý” cho việc chậm trễ cấp giấy và điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp của luật sư, mà còn ảnh hưởng đến quyền của đương sự. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều vụ án mà công lý đã được thực thi và các luật sư tự hào khi góp sức mình để bảo vệ công lý đó.

Không chỉ tham gia tố tụng, giải quyết tranh chấp, các luật sư còn thực hiện các công việc tư vấn, đặc biệt là tư vấn cho DN. Luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết, ông vừa thực hiện một vụ tư vấn khá đặc biệt. Khách hàng là một phụ nữ giàu lên nhờ buôn bán bất động sản và có cho chủ một nhà máy giấy vay khoản tiền lớn, tài sản thế chấp là toàn bộ nhà máy. Sau đó, chủ nhà máy không trả được nợ, để lại cho bà nhà máy đó, trong khi bà không có kinh nghiệm gì về điều hành nhà máy. Luật sư Hướng đã tư vấn cho khách hàng tổ chức lại và quản lý nhà máy từ khâu tổ chức, quản lý kỹ thuật, tài chính, thị trường, nguyên liệu và đến nay sau 3 - 4 tháng, nhà máy đã hoạt động tốt, đem lại lợi nhuận mỗi tháng gần 1 tỷ đồng, một kết quả rất đáng kích lệ đối với các DN vừa và nhỏ trong bối cảnh hiện nay.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, tư vấn trong kinh doanh có độ “nguy hiểm” và “cân não” hơn tranh tụng. Không phủ nhận qua mỗi một vụ việc, luật sư đều có sự trưởng thành khi phải suy nghĩ và cân nhắc các phương án mà bên kia có khả năng đưa ra, để có đối sách phù hợp. Thực tế, khi tham gia tư vấn một giao dịch, luật sư biết rõ rủi ro và hậu quả pháp lý, nhất là đối với các giao dịch lớn. Tuy nhiên, đối với DN, việc giao kết hợp đồng và có doanh thu, lợi nhuận là vấn đề sống còn. Do đó, khi phải cân nhắc nếu giao dịch này không thành công như mong đợi, đi sau rủi ro kinh doanh là rủi ro pháp lý, thì DN tìm đến luật sư với câu hỏi cơ bản là giao dịch có thực hiện được không và có giải pháp nào khắc phục để có thể thực hiện được giao dịch?

Nếu chỉ đơn giản trả lời không thì luật sư chẳng khác nào “kỳ đà cản mũi” và khách hàng sẽ không bao giờ quay trở lại, nhưng nếu bảo có thì vô đạo đức, trái lương tâm. Do đó, thách thức với luật sư tư vấn là phải dẫn dắt khách hàng vượt qua rủi ro pháp lý, tạo cơ sở bảo vệ vững hơn, từ sai nhiều đến sai ít, sai không có giải trình đến sai có giải trình, từ đó các bên thương thảo, chấp nhận rủi ro ở mức độ phù hợp và cùng thực hiện giao dịch. Như vậy, các luật sư phải có sự dũng cảm, vì ở Việt Nam , các thẩm phán xem việc “lợi dụng sự sơ hở của pháp luật” là vi phạm, nên ranh giới an toàn cho các luật sư là không có.