Chuyện từ những showroom vắng khách

(ĐTCK) "Mở cửa trở lại cả tháng nay mà chẳng có khách, chán quá! Chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ, hàng thì chẳng bán được, giờ chẳng biết nên tiếp tục kinh doanh tiếp hay đóng cửa anh ạ" - trầm ngâm bên chén nước chè, Hùng, chủ một showroom nội thất than thở với người viết.

Mới chỉ trước Tết Nguyên đán, showroom của Hùng tấp nập khách ra, khách vào ngắm nghía, chọn lựa các mẫu sản phẩm đồ nội thất để trang trí cho ngôi nhà của mình, thậm chí, anh còn tự tin sang năm mới có thể mở tiếp một showroom nữa khi đánh giá nhu cầu mua sắm nhà cửa vẫn đang gia tăng mạnh. Thế nhưng, chỉ sau gần 1 tháng bùng phát, dịch Covid-19 bùng phát đã đảo lộn mọi kế hoạch của không chỉ Hùng và rất nhiều showroom bán hàng khác.

Không chỉ liên tục nhận được các thông báo từ đối tác về giãn thời gian giao hàng, dừng hoạt động giao hàng kể các các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất, đồng thời hiều đơn hàng bị cắt giảm, chậm thanh toán và thậm chí là hủy đơn hàng

Dù đã gửi thông báo tới khách hàng sau khi lệnh cách ly được dỡ bỏ, thế nhưng, người mua vẫn khá ngần ngại và lấy lý do sợ lây nhiễm để từ chối lời mời từ các showroom. Dẫu vậy, theo nhiều chủ showroom, đó không phải lý do trọng yếu nhất, mà thay vào đó, quan trọng hơn cả là thu nhập sụt giảm, mọi thứ với mọi người phải trở nên tối giản hết mức có thể để tiết kiệm chi phí buộc khách hàng không còn xuề xòa với đồ nội thất nữa.

Trong thời gian cả nước cách ly, "nghiện nhà" là một trong những cộng đồng mới lập nổi tiếng nhất trên mạng xã hội Facebook thời điểm diễn ra dịch Covid-19 khi có vài chục nghìn người tham gia trong thời gian ngắn. Trên đây, rất nhiều mẫu nhà đẹp cùng thiết kế nội thất bắt mắt được những người đam mê trang trí nhà cửa chia sẻ và cùng bình luận. Dẫu vậy, từ chia sẻ đam mê tới quyết định đến các showroom nội thất để xuống tiền cho những món đồ nội thất mình mong muốn là cả vấn đề lớn của không ít người trong cộng đồng này, chí ít là vào thời điểm này.

Điều này đồng nghĩa, các showroom sẽ phải đối diện với thách thức chưa từng có khi phải xoay xở với tồn kho tăng cùng chi phí duy trì mặt bằng quá lớn. Đặc biệt, với những thương hiệu hoạt động theo chuỗi lớn cùng mặt bằng rộng như Phố Xinh, Phố VIP, PT Casa, Hùng Túy… thì càng khó khăn hơn. Chỉ tính riêng chi phí mặt bằng, số liệu được một chủ showroom cung cấp cho biết, trung bình mỗi tháng, một cửa hàng ngốn từ 30 - 50 triệu đồng, trong khi đó đối với siêu thị có diện tích từ 200m2 trở lên tối thiểu cũng phải 200 triệu đồng/tháng.

Thực tế trước đây, để bù đắp chi phí vận hành, các chuỗi thương hiệu thường phụ thuộc vào việc bán các sản phẩm nội thất cao cấp với số lượng lớn thông qua các hợp đồng phân phối độc quyền cho các dự án bất động sản. Tuy nhiên, với số lượng dự án triển khai mới ở Hà Nội và TP.HCM ngày càng ít, việc duy trì các hợp đồng này rất khó khăn.

Ghi nhận thực tế của Đầu tư Bất động sản cho thấy, với mục tiêu không đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu mà chỉ muốn đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng, tạo việc làm cho nhân viên, rất nhiều siêu thị đang áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá từ 30 - 50%. Những sản phẩm càng đắt tiền, mức giảm giá càng sâu, thậm chí bao phí vận chuyển hoặc các chương trình chăm sóc hậu mãi rất tốt để kích thích người mua nhà.

Dẫu vậy, việc kích cầu bằng các phương pháp này dường như không đạt được hiệu quả mong muốn khi số lượng khách hàng đến các showroom theo ghi nhận thực tế vẫn khá thưa thớt.

Một số giải pháp hiện nay được nhiều doanh nghiệp chia sẻ là đẩy mạnh chuyển đổi sang các nền tảng 4.0 để gia tăng mức độ tiếp cận khách hàng. Thế nhưng, ngoại trừ một số ít thương hiệu lớn có chiến lược chuyển đổi rất rõ ràng, đa phần đẩy mạnh vẫn chỉ là gia tăng thêm các tin rao vặt online qua zalo, viber, fanpage mạng xã hội…, rồi tìm kiếm đơn hàng bán lẻ theo nhu cầu để gia tăng doanh thu mà không có sự sáng tạo riêng để từ đó tạo ra nhu cầu mới cho khách hàng.

Hầu hết vẫn là gia công theo những mẫu mã cũ kỹ, lỗi thời, trong khi đó, điểm cốt lõi lớn nhất của việc chuyển đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang hình thức online đòi hỏi cần phải có những thay đổi căn bản về dòng sản phẩm, trình độ quản trị doanh nghiệp và tay nghề của người lao động, và phát triển cơ sở hạ tốt nhằm thực hiện các giao dịch online. Nói một cách khác, doanh nghiệp không thể thực hiện được hình thức bán hàng online nếu mẫu mã và thiết kế không thuộc bản quyền của mình.

Với nhu cầu tối giản hiện nay, khách hàng không chỉ đòi hỏi một sản phẩm nội thất với giá phù hợp, phải chăng, mẫu mã đẹp mà còn phải có tính thực dụng cao với đa công năng để phù hợp hơn với xu hướng diện tích ngôi nhà ngày càng nhỏ.

Và điều đó sẽ chỉ làm được khi có nguồn lực đầu tư nghiên cứu chuyển đổi sản phẩm một cách đúng đắn và bài bản.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan