Clever Group có khoản đầu tư 50 tỷ đồng vào trái phiếu của CTCP Tân Thành Long An quá hạn thanh toán. Ảnh: Khu công nghiệp Suntec- tài sản đảm bảo của lô trái phiếu đang bị phong tỏa do liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát

Clever Group có khoản đầu tư 50 tỷ đồng vào trái phiếu của CTCP Tân Thành Long An quá hạn thanh toán. Ảnh: Khu công nghiệp Suntec- tài sản đảm bảo của lô trái phiếu đang bị phong tỏa do liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát

Clever Group (ADG) “ham” đầu tư tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ quảng cáo trực tuyến, song Công ty cổ phần Clever Group (mã ADG) đang dành quá nửa tổng tài sản cho đầu tư tài chính.

148 tỷ đồng đầu tư trái phiếu

Ngày 13/9 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có Công văn nhắc nhở Clever Group về việc chậm công bố thông tin giao dịch với người có liên quan (mua biệt thự B8-12, Dự án Khu biệt thự nhà vườn và thể thao giải trí tại xã Xuân Tiến, huyện Thạch Thất, Hà Nội của ông Nguyễn Khánh Trình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, với giá trị hơn 29 tỷ đồng). Giao dịch này được thực hiện theo Nghị quyết số 09/2023/NG-HĐQT ngày 30/6/2023 của Hội đồng quản trị Clever Group, song Công ty không thực hiện công bố thông tin theo quy định (trong vòng 24 giờ).

Trên báo cáo soát xét báo cáo tài chính bán niên 2023 của Clever Group. đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ với giao dịch này. Theo đó, kiểm toán lưu ý, “với các tài liệu hiện có, chúng tôi chưa có đủ cơ sở để đưa ra nhận xét về giá trị hợp lý của giao dịch mua biệt thự nêu trên”.

Sau giao dịch, khoản mục bất động sản đầu tư của Clever Group đã tăng mạnh từ mức hơn 4,9 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 34 tỷ đồng tại cuối quý II/2023.

Ngoài khoản đầu tư bất động sản, doanh nghiệp còn dành tỷ trọng lớn tổng tài sản cho hoạt động đầu tư tài chính. Cuối năm 2019, giá trị khoản đầu tư tài chính (cả ngắn hạn và dài hạn) của Công ty là gần 89,8 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, khoản này tăng lên 187 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý II/2023, giá trị khoản mục này đạt 239,8 tỷ đồng, tương đương 50% tổng tài sản. Trong đó, hơn 91 tỷ đồng nằm ở dạng tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, với lãi suất từ 7,3 - 10,5%/năm; hơn 148 tỷ đồng là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tập trung vào trái phiếu của Công ty TNHH Saigon Glory (hơn 60,3 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, được mua qua 5 đợt phát hành từ ngày 12/6/2020 đến ngày 8/8/2022, lãi suất từ 10,869 - 12,024%/năm) và Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An (50 tỷ đồng).

Đáng chú ý, tại báo cáo soát xét bán niên 2023, kiểm toán viên cũng có ý kiến nhấn mạnh đối với các khoản đầu tư trái phiếu đã đến kỳ đáo hạn của Công ty.

“Công ty hiện đang sở hữu các lô trái phiếu của Công ty TNHH Saigon Glory từ mã SGL-2020.01 đến mã SGL-2020.04 với số dư tại thời điểm 30/6/2023 là hơn 24,5 tỷ đồng. Các mã này phát hành từ năm 2020, có thời gian đáo hạn là 18/6/2023 và 28/7/2023 và được Công ty Saigon Glory cam kết mua lại không muộn hơn ngày 12/6/2023, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn chưa thực hiện mua lại hay thanh toán lãi, gốc trái phiếu do chưa đạt được thỏa thuận điều chỉnh liên quan đến tiến độ thanh toán gốc và lãi suất trái phiếu với những người sở hữu trái phiếu.

… Công ty đang sở hữu lô trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An với số dư tại thời điểm 30/6/2023 là 50 tỷ đồng. Các lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, ngày phát hành 20/5/2021, ngày đáo hạn 20/5/2026; lãi trái phiếu định kỳ trả 6 tháng 1 lần, lãi suất không thấp hơn 10%/năm. Tuy nhiên, trong kỳ, Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An đã chậm thanh toán lãi ngày 22/5/2023 và tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này đang bị phong tỏa để điều tra do có liên quan đến vụ án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”, báo cáo viết.

Tại một báo cáo phân tích cổ phiếu ADG vào tháng 8/2022, CSI Research đánh giá, “việc Clever Group đem tiền mua trái phiếu khiến hiệu quả kinh doanh không cao, do nguồn vốn không được phân bổ vào hoạt động lõi của Công ty”.

Clever Group được ông Nguyễn Khánh Trình sáng lập vào năm 2008, với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần Quảng cáo Thông minh (CleverAds). Trong 15 năm hoạt động, doanh nghiệp đã thực hiện 8 lần tăng vốn, đưa quy mô vốn điều lệ từ 400 triệu đồng lên hơn 213,8 tỷ đồng hiện nay.

Trong khi dành nguồn vốn lớn để đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính thì trong quý II/2023, Clever Group vay vốn lưu động ngắn hạn tại Vietinbank, với hạn mức 55 tỷ đồng và vay 70 tỷ đồng tại Vietcombank.

Lợi nhuận đi xuống

Nửa đầu năm nay, Clever Group ghi nhận 180,9 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, lợi nhuận sau thuế 6 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và hơn 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Công ty báo lỗ 1,6 tỷ đồng trong quý I/2023 và đây là quý đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Theo Clever Group, tình hình kinh tế trong nước nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đang gặp khó khăn khiến các doanh nghiệp hạn chế, thậm chí thắt chặt chi phí cho hoạt động quảng cáo, ảnh hưởng tiêu cực tới mảng kinh doanh chính của Công ty. Ngoài ra, việc thay đổi các chính sách lãi suất cũng làm ảnh hưởng đến doanh thu tài chính của Công ty.

Năm 2023, Clever Group đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 570 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 56 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 6,2% và 6,3% so với mức thực hiện năm 2022. Sau nửa đầu năm, Công ty mới thực hiện được khoảng 1/10 mục tiêu lợi nhuận.

Vừa qua, Clever Group đã quyết định giải thể Công ty cổ phần Techcen - công ty liên kết (sở hữu 29,3% vốn), hoạt động chính trong lĩnh vực lập trình máy tính do công ty này hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ. Ngoài ra, Công ty TNHH ADOP Vietnam, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính, do Clever Group sở hữu 40% (tương đương hơn 2 tỷ đồng) cũng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Ngoại trừ hai doanh nghiệp trên, Clever Group đang sở hữu 11 công ty con hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ khác liên quan đến máy tính và 3 công ty liên kết (trong đó, 1 công ty cũng đang tạm dừng hoạt động).

Quảng cáo trực tuyến là thị trường có quy mô và dư địa tăng trưởng rất mạnh trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số và sự thay đổi của thói quen tiêu dùng, mua sắm. Tuy vậy, theo Clever Group, thị trường này ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp mới tham gia và việc gia tăng số lượng công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo làm tăng rủi ro cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh bằng cách giảm phí dịch vụ, khiến biên lợi nhuận gộp ngày càng mỏng đi.

Thực tế, biên lợi nhuận gộp của Clever Group từ mức 20% trong năm 2019 đã giảm xuống còn 17% vào năm 2020 và 12% trong năm 2021. Năm 2022, biên lợi nhuận gộp của Công ty được cải thiện lên 17,2%, song sang nửa đầu năm 2023, do tình hình kinh tế chung khó khăn lại giảm về còn 16,3%.

Tin bài liên quan