Thành phố Quy Nhơn đang có những bước phát triển vượt bậc.

Thành phố Quy Nhơn đang có những bước phát triển vượt bậc.

Cò đất rao bán dự án chưa hoàn thiện pháp lý tại Bình Định

0:00 / 0:00
0:00
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có hơn 30 dự án bất động sản chưa hoàn thiện pháp lý bị các sàn giao dịch bất động sản “mượn tên” rao bán rầm rộ trên các trang mạng.

Rao bán công khai

Bình Định là một trong những địa phương phát triển mạnh về du lịch và bất động sản. Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Bình Định cập nhật đến ngày 4/6, toàn tỉnh có 31/60 dự án chưa thực hiện xong các thủ tục theo quy định để mở bán bất động sản hình thành trong tương lai, chưa được đưa vào kinh doanh bởi nhiều lý do như giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa chưa xong, chưa được giao đất, chưa được cấp phép xây dựng công trình, hạ tầng kỹ thuật của dự án chưa hoàn thiện... Song, trên các trang mạng điện tử và các sàn giao dịch bất động sản đã xuất hiện việc rao bán đất một cách công khai.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Phi Long cho biết, tỉnh vừa ban hành Quyết định 1411/QĐ-UBND về kế hoạch phát triển nhà ở. Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025, Bình Định có 202 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị và khu dân cư; 30 dự án nhà ở xã hội; 95 dự án nhà ở tái định cư, với tổng vốn đầu tư dự kiến 73.891 tỷ đồng.

Cụ thể, thời gian gần đây, tại các địa phương như thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, TP. Quy Nhơn… xuất hiện tình trạng nhiều đơn vị phân phối và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản, với lời hứa hẹn chắc như đinh đóng cột là dự án đã có “pháp lý hoàn chỉnh”.

Hình thức họ đưa ra là hợp đồng góp vốn, giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí, được rao trên các trang mạng như facebook, batdongsan, sosanhnha, alonhadat… Hiện có hơn 30 dự án, gồm các loại hình nhà ở xã hội (5 dự án), nhà ở thương mại (3 dự án); khu đô thị (13 dự án khu vực TP. Quy Nhơn, 3 dự án tại thị xã An Nhơn, 2 dự án tại thị xã Hoài Nhơn, 1 dự án tại huyện Tây Sơn). Bên cạnh đó, loại hình căn hộ khách sạn gồm 3 dự án tại TP. Quy Nhơn và 1 dự án thuộc khu kinh tế tỉnh đang được các sàn giao dịch và môi giới rao bán rầm rộ.

Đối chiếu từ danh sách cập nhật các dự án bất động sản của Sở Xây dựng Bình Định thì những dự án mà các đối tượng rao chưa hoàn thiện pháp lý, chưa đủ điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai, chưa được đưa vào kinh doanh.

Siết hoạt động bất động sản

Để chấn chỉnh tình trạng trên, mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng, các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn; tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, lành mạnh.

Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, ông Trần Viết Bảo cho hay, thời gian qua, Sở đã ban hành nhiều văn bản khuyến cáo các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, yêu cầu chấp hành nghiêm túc pháp luật trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

Đồng thời, Sở đã đề nghị các chủ đầu tư gởi thông tin về Sở theo Điều 6, Luật Kinh doanh bất động sản, công khai đầy đủ thông tin dự án, cập nhật thường xuyên trên website của Sở.

Cơ quan công an cũng khuyến cáo nhà đầu tư cảnh giác tình trạng lừa đảo khi có trường hợp “cò” đất ôm hàng tỷ đồng tiền cọc bỏ trốn.

Mới đây, Công an tỉnh Bình Định đã phát thông báo yêu cầu những người bị Nguyễn Hùng Vĩ (24 tuổi, ở thôn Thanh Huy 1, xã Phước An, huyện Tuy Phước, Bình Định) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản làm đơn gửi cơ quan này để được giải quyết.

Trước đó, đơn vị này đã nhận được đơn thư của bà N.T.T. (31 tuổi, ở TP. Quy Nhơn) tố giác Nguyễn Hùng Vĩ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 6,5 tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Theo hồ sơ điều tra ban đầu, từ tháng 5 đến tháng 9/2020, Vĩ đưa ra thông tin cần tiền đặt cọc một số lô đất trên địa bàn tỉnh Bình Định để cùng bán lại chia lợi nhuận. Vĩ thỏa thuận lãi suất, lợi nhuận cao, thời hạn trả nợ ngắn để huy động tiền nhiều người. Sau đó Vĩ bỏ trốn để chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã huy động.

Tin bài liên quan