Cơ hội 10 năm lặp lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xét cả yếu tố lịch sử của thị trường và yếu tố kinh tế vĩ mô, có thể nói, năm 2023 là cơ hội lớn cho thị trường chứng khoán, bởi khoảng 10 năm thị trường mới xuất hiện cơ hội như thế này.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Finpeace

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Finpeace

Lịch sử lặp lại

Sau năm 2021 thăng hoa, thị trường chứng khoán Việt Nam quay đầu điều chỉnh mạnh trong năm 2022 với VN-Index giảm tới 42,84% từ mức đỉnh 2022. Tuy nhiên, đây không phải là đợt giảm mạnh nhất của thị trường, trước đó trong giai đoạn Covid (2018 - 2020), thị trường cũng có mức giảm 46,27% từ đỉnh 2018. Thậm chí, trong giai đoạn 2007 - 2009, VN-Index đã giảm tới 79,62%, cao hơn ngưỡng giảm trước đó tại sóng đỉnh cao 2001 khi thị trường giảm 77,40%.

Ở cả 3 lần suy giảm trước của thị trường (2001 - 2003, 2007 - 2009, 2018 - 2020), khu vực giảm giá mạnh đều được giải quyết trong vòng 2 năm. Trong lần suy giảm này, tính từ khu vực đỉnh 2022, thị trường đã trải qua hơn 1 năm 6 tháng điều chỉnh (Đồ thị 2: 3 lần giảm lớn trong lịch sử và đợt giảm 2022-2023). Dù đã hồi phục đáng kể từ đáy và đã vượt lên trên trung bình 200 ngày nhưng xét về nhịp điệu của điều chỉnh thì có thể nói, thị trường chưa hết nhịp điều chỉnh.

Động lực từ tăng trưởng GDP

Chỉ số VN-Index trong dài hạn đang tăng trưởng đồng điệu với mức tăng trưởng GDP. Sự tương quan trong những năm 2001 - 2007 là chưa rõ ràng, do thị trường giai đoạn đó còn non trẻ, thể hiện ở số lượng và chất lượng cổ phiếu niêm yết còn thấp. Trong những năm gần đây, mức độ tương quan VN-Index so sánh GDP là khá cao (Đồ thị hình 3: Tương quan VN-Index với tăng trưởng GDP), biểu hiện bằng định lượng từ chỉ số và định tính từ lực lượng doanh nghiệp lớn, đại diện cho nền kinh tế đều đã xuất hiện trên sàn chứng khoán.

Xét trong ngắn hạn, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là thị trường tiếp tục hồi phục trong nửa cuối năm 2023 trước khi gặp kháng cự rất mạnh ở vùng 1.300 điểm, tương đương với ngưỡng Fibonacci 61,8% của sóng giảm mạnh 2022.

Độ dốc tăng trưởng dài hạn của VN-Index trong 23 năm qua xấp xỉ 10%/năm. Độ dốc này đạt được sự đồng thuận cao từ 6 lần thị trường chạm đáy trong các chu kỳ điều chỉnh trước, các biến động trung gian và cả một vài đỉnh cao quan trọng (Đồ thị 4). Trong giai đoạn đó, GDP tăng trung bình khoảng 6 - 7%/năm và điều này được đánh giá là tương đối phù hợp trong dài hạn. Do vậy, thị trường vẫn sẽ tuân thủ theo xu hướng tăng dài hạn này cho tới khi tiềm năng tăng trưởng GDP không còn đảm bảo ở mức trung bình 6 - 7%.

Còn xét trong ngắn hạn, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là thị trường tiếp tục hồi phục trong nửa cuối năm 2023 trước khi gặp kháng cự rất mạnh ở vùng 1.300 điểm, tương đương với ngưỡng Fibonacci 61,8% của sóng giảm mạnh 2022. Sau đó, có khả năng thị trường sẽ quay lại kiểm định đường xu hướng dài hạn (tăng 10%) như đã trình bày ở trên. (Đồ thị 4).

Cơ sở của kịch bản này là: (1) Sự kích hoạt của các chính sách hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 đợt giảm lãi suất kể từ đầu năm trong bối cảnh chu kỳ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa dừng lại; (2) Xét trên bình diện thế giới, các chỉ số chứng khoán Âu, Mỹ đã trở về gần mức đỉnh lịch sử; (3) Đáy 2022 trùng với mức thấp nhất của chu kỳ giá trị doanh nghiệp (biểu hiện trên chỉ số PE các doanh nghiệp niêm yết). Khi niềm tin nhà đầu tư trở lại, các chỉ số định giá sẽ tăng tương ứng.

Vài tháng gần đây, thị trường bắt đầu mang lại niềm vui cho nhà đầu tư

Vài tháng gần đây, thị trường bắt đầu mang lại niềm vui cho nhà đầu tư

Các nhóm ngành cần quan tâm

Sau khi nhận diện được xu hướng tăng dài hạn của thị trường, bước tiếp theo là xây dựng danh mục nhóm ngành tăng trưởng. Xét về triển vọng ngành, chúng tôi đưa ra 2 nhóm ngành mà nhà đầu tư cần quan tâm.

Thứ nhất, nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công. Nguồn lực đầu tư công (đầu tư của Nhà nước) có vai trò to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chịu tác động không nhỏ từ thế giới khiến sản xuất đình trệ, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài có dấu hiệu chững lại, thì việc đẩy mạnh đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2022, tỷ lệ giải ngân đạt gần 93,5% kế hoạch và là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2023, Chính phủ giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là 711.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Ngoài ra, có thêm khoảng 147.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cộng, chi tiêu Chính phủ trong năm 2023 dự kiến sẽ được mở rộng lên tới hơn 850.000 tỷ đồng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc rốt ráo của các bộ, ngành và địa phương, giải ngân đầu tư công năm 2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn. Điều này gián tiếp giúp nhóm cổ phiếu liên quan tới đầu tư công như xây dựng, nguyên vật liệu xây dựng hưởng lợi, nhưng cơ hội không chia đều cho tất cả. Do đó, các nhà đầu tư nên lựa chọn kỹ lưỡng những mã cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ câu chuyện này. Chẳng hạn, với nhóm cổ phiếu xây dựng, nhà đầu tư nên ưu tiên các nhóm cổ phiếu có câu chuyện cụ thể như liên quan đến gói thầu sân bay Long Thành như FCN, CTD, HBC, VCG…

Với nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu xây dựng, việc thúc đẩy đầu tư công cũng giúp nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng tăng. Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), năm 2023 vẫn sẽ là năm đầy thách thức với ngành sắt, thép trong nước, tuy nhiên, hy vọng vào “lực kéo” từ đầu tư công sẽ mang lại bức tranh khởi sắc hơn cho sản xuất và tiêu thụ sắt thép trong nước. Những mã đáng chú ý của nhóm nguyên vật liệu xây dựng là HPG, HT1, BCC, KSB, VLB...

Cổ phiếu vật liệu, xây lắp đang “lộ sáng” bởi hoạt động đầu tư công

Cổ phiếu vật liệu, xây lắp đang “lộ sáng” bởi hoạt động đầu tư công

Thứ hai, nhóm cổ phiếu chứng khoán. Đây là nhóm có kết quả kinh doanh tương quan lớn nhất với biến động thị trường. Khi thị trường tích cực, thường kết quả kinh doanh của nhóm này sẽ tăng trưởng tốt và ngược lại, khi thị trường trầm lắng thì nhóm cổ phiếu này thường cho thấy sự tăng trưởng yếu kém. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nguồn lợi nhuận chính của nhóm công ty chứng khoán đến từ hoạt động giao dịch của nhà đầu tư (phí giao dịch, lãi vay margin) và kết quả hoạt động tự doanh.

Trong năm 2022, thị trường rơi vào downtrend, hoạt động giao dịch của nhà đầu tư trầm lắng khiến thanh khoản thị trường suy giảm mạnh, kết quả tự doanh của các công ty chứng khoán cũng thua lỗ trầm trọng. Sang nửa đầu năm 2023, đặc biệt là những tháng gần đây, thanh khoản thị trường bắt đầu cải thiện trở lại, thị trường cũng có một nhịp tăng giá dài, nên kết quả kinh doanh quý II của các công ty chứng khoán được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trên nền định giá thấp và nền kết quả kinh doanh thấp của năm ngoái.

Có thể thấy, khi nền kinh tế khó khăn, phần lớn các doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh suy giảm thì nhóm chứng khoán được dự báo cho kết quả kinh doanh tích cực. ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của nhóm cổ phiếu chứng khoán cho thấy sự hấp dẫn trong định giá nếu so với mặt bằng các doanh nghiệp trên thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống KRX sắp đưa vào vận hành cũng được dự báo sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của nhóm này. Nhà đầu tư cần để ý tới các mã như SSI, VCI, FTS, BSI...

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý tránh các rủi ro của các công ty chứng khoán đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, vì đây vẫn là câu chuyện còn nhiều dấu hỏi lớn liên quan đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại.

Tin bài liên quan