Cơ hội đầu tư cổ phiếu NAB

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 8/3 vừa qua, Ngân hàng TMCP Nam A Bank đã đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HOSE. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nam A Bank nhân sự kiện này.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nam A Bank

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nam A Bank

Vì sao Nam A Bank chọn thời điểm này để niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, thưa ông?

Kế hoạch chuyển từ sàn UPCoM sang HOSE phải thực hiện đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE); đồng thời, Nam A Bank cũng cần đáp ứng các tiêu chí mềm như năng lực đáp ứng các tiêu chí về Basel III và công bố thông tin. Chúng tôi chọn ngày 8/3/2024 để niêm yết cũng đã xem xét đến nhiều yếu tố, trong đó có sự thuận lợi và thích hợp với điều kiện thị trường.

Việc chuyển sàn nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, tăng tính minh bạch và hiệu ứng truyền thông thương hiệu khi niêm yết trên sàn chứng khoán chuyên nghiệp. Hiện cổ đông tổ chức nắm 53% vốn tại Nam A Bank và 47% do nhà đầu tư cá nhân nắm giữ. Niêm yết cổ phiếu NAB, Nam A Bank mong muốn cởi mở, đa dạng hơn cơ cấu cổ đông của Ngân hàng, trong đó có cả việc mời gọi nhà đầu tư nước ngoài.

Trong môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn, năm qua, Nam A Bank vẫn vượt xa mục tiêu lợi nhuận. Nhờ đâu Ngân hàng đạt được kết quả này?

Năm 2023, ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi sức cầu vốn yếu, tín dụng tăng chậm, nhưng với nền tảng vững chắc, tiềm lực, tiềm năng được đúc kết nhiều năm qua, sự điều hành chuẩn mực, minh bạch của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, cùng sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên, Nam A Bank đã vượt qua thách thức để vươn lên, hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Ngân hàng “xanh, số” là trụ cột Nam A Bank ưu tiên xây dựng

Ngân hàng “xanh, số” là trụ cột Nam A Bank ưu tiên xây dựng

Tổng tài sản của Ngân hàng đến cuối năm 2023 đạt hơn 210.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm, gia nhập nhóm 20 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Huy động vốn đạt gần 165.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt gần 142.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm. Điểm tích cực là NIM tiếp tục ổn định ở mức trên 3,3%, trong bối cảnh biên lãi suất huy động và cho vay khách hàng thu hẹp, nhờ Ngân hàng triển khai các giải pháp tối ưu cơ cấu tài sản sinh lãi và cơ cấu huy động cùng với việc đẩy mạnh số hóa. Năng lực tài chính mạnh kết hợp với việc xử lý hiệu quả các khoản nợ đã tạo ra nguồn lực cần thiết để Nam A Bank xoá sạch khoản nợ đã bán cho VAMC trong năm 2023. Kết thúc năm 2023, tỷ lệ nợ xấu nội và ngoại bảng của Ngân hàng là 2,11% trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, việc chủ động tất toán trước hạn trái phiếu đặc biệt VAMC tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh của Nam A Bank trong năm 2024.

Chính đà tăng trưởng tích cực của các chỉ tiêu trên góp phần giúp Nam A Bank ghi nhận các khoản lãi thuần khả quan so với đầu năm 2023, như thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.600 tỷ đồng (tăng hơn 30%), lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 600 tỷ đồng (tăng 116%), lãi thuần từ hoạt động khác đạt hơn 330 tỷ đồng (tăng 10,1%)… Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Ngân hàng đạt hơn 3.300 tỷ đồng, vượt 26,92% so với kế hoạch và tăng 50% so với năm 2022. Điều này góp phần tạo đà để Nam A Bank vào Top 12 ngân hàng tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023.

Hơn thế nữa, các chỉ số về an toàn trong hoạt động vượt xa mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nam A Bank cũng đã tuân thủ các chỉ số thanh khoản, đạt được tiêu chuẩn Basel III.

Năm 2024, Ngân hàng dự kiến trình đại hội cổ đông kế hoạch kinh doanh ra sao? Ông nhận định thế nào về triển vọng của ngành?

Năm 2024, lấy tiêu chí “an toàn, bền vững” làm kim chỉ nam, Nam A Bank dự phóng giai đoạn 2024 - 2025, chỉ số CAR quanh mức 10 - 12%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%, hệ số NIM trên 3,3%. Tỷ lệ ROA và ROE lần lượt trên 1,4% và trên 19%. Chỉ tiêu lợi nhuận năm nay là 4.000 tỷ đồng trước thuế và năm sau là 5.000 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2024, tổng tài sản đạt 232.000 tỷ đồng (năm 2025 là 260.000 tỷ đồng), huy động đạt 178.000 tỷ đồng (năm 2025 là 202.000 tỷ đồng), cho vay khách hàng 181.000 tỷ đồng. Đặc biệt, để đảm bảo lợi ích cho cổ đông, Nam A Bank duy trì cổ tức ở mức 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh...

Về triển vọng của ngành năm nay, mặc dù tăng trưởng tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm 2024, song cũng là quy luật bình thường, vì nhu cầu vốn đầu năm chưa tăng cao. Tuy nhiên, cơ hội để khách hàng tiếp cận vốn tại các ngân hàng sẽ mở rộng, vì lãi suất giảm, các yếu tố vĩ mô cho thấy, tín hiệu khả quan cho sự hồi phục. Tôi cho rằng, với sự điều hành nhanh nhạy và chuẩn xác của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển vững chắc và có những vận hội mới, nhất là với những ngân hàng mạnh mẽ chuyển đổi số.

Tại Nam A Bank, mục tiêu tín dụng năm 2024 tăng trưởng từ 14,2 - 15,7%, dựa theo các chỉ số tài chính của năm 2022 và 2023, tương ứng mức tăng hơn 19.900 - 22.000 tỷ đồng. Tuy vậy, trong điều kiện thuận lợi, định hướng tăng trưởng tín dụng của Nam A Bank là 17%, tập trung cho các mảng lâm nghiệp, thủy sản, với lãi suất cho vay USD là 3 - 3,3%/năm và cho vay VND là 6 - 7%/năm. Điều này đòi hỏi Ngân hàng phải đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, tăng tiện ích cho khách hàng…, từ đó tăng CASA, tối ưu hóa chi phí vốn, giảm thêm lãi suất cho vay.

Kế hoạch tăng vốn của Nam A Bank trong những năm tới ra sao? Ngân hàng có sớm thực hiện việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài?

Cùng với việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và không ngừng nâng cao năng lực tài chính, Nam A Bank luôn nỗ lực tìm kiếm cơ hội để tăng vốn. Năm 2023, Ngân hàng đã phát hành hơn 211,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, với tỷ lệ 25%, qua đó, đưa vốn điều lệ từ mức 8.464 tỷ đồng lên 10.580 tỷ đồng. Năm nay, Nam A Bank đặt mục tiêu tăng vốn lên 13.000 tỷ đồng, thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và mục tiêu đến năm 2025, vốn điều lệ Nam A Bank sẽ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng.

Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để tìm được nhà đầu tư phù hợp. Nam A Bank sẽ sử dụng room ngoại cho phép ở mức tối đa 20% để thu hút thêm vốn ngoại. Việc niêm yết cổ phiếu NAB đánh dấu bước chuyển mình, giúp Nam A Bank thu hút nhà đầu tư trong, ngoài nước, tiếp tục khẳng định hoạt động kinh doanh minh bạch, ổn định, giúp Ngân hàng sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại cổ phần bán lẻ hàng đầu Việt Nam, mang đến những giải pháp tài chính tốt nhất cho các khách hàng.

Đâu là lợi thế cạnh tranh của Nam A Bank so với các ngân hàng niêm yết và nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì vào triển vọng cổ phiếu NAB ở tương lai, thưa ông?

Ngân hàng “xanh, số” là trụ cột Nam A Bank ưu tiên xây dựng và dồn toàn lực đưa hai trụ cột này trở thành mũi nhọn cạnh tranh ở hiện tại, tương lai, nhằm đáp ứng sự tăng trưởng kinh tế tuần hoàn và cung ứng chuỗi giá trị, sản phẩm dịch vụ tốt nhất.

Nam A Bank đang hướng tới xây dựng ngân hàng xanh, gồm: Thứ nhất, xây dựng nguồn vốn xanh, với việc bắt tay với các định chế quốc tế; thứ hai là tín dụng xanh, trong chiến lược 2024, danh mục khẩu vị rủi ro đối với phát triển xanh được ưu tiên tốc độ tăng trưởng cao nhất; thứ ba là vận hành xanh: chuẩn hóa sản phẩm dịch vụ, xây dựng mang tính chuẩn mực, tối ưu hóa phát thải các-bon. Đặc biệt, hệ sinh thái ngân hàng số của Nam A Bank liên tục được hoàn thiện, tăng cường các tính năng cho khách hàng trải nghiệm liền mạch, nhanh chóng, bảo mật và khác biệt. Việc đi đầu trong chuyển đổi số giúp số lượng khách hàng cá nhân của Nam A Bank tăng mạnh trong những năm gần đây, với hơn 90% các giao dịch đều được thực hiện qua online. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán mở rộng mạng lưới, nhưng vẫn đảm bảo tiết giảm chi phí vận hành của Ngân hàng.

Với phương châm “Một chạm mọi trải nghiệm”, khách hàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng của Nam A Bank sẽ không bị giới hạn bởi thời gian, không gian thông qua các kênh giao dịch 24/7: One Bank VTM 24h, OpenBanking. Không những thế, room ngoại tại Nam A Bank còn nguyên cũng sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện các ngân hàng niêm yết sàn HOSE chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn, xấp xỉ phân nửa vốn hóa của thị trường, nhóm cổ phiếu “vua” đã có mức tăng trưởng 20 - 30% từ đầu năm 2024 đến nay. Tuy nhiên, cổ phiếu của nhóm ngành này cũng được giới phân tích dự báo, còn nhiều triển vọng ở thời gian tới.

Mặc dù thị trường vẫn còn nhiều thách thức nhưng với nền tảng vững chắc, chúng tôi cam kết tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh để giá trị cổ phiếu NAB tăng trưởng bền vững, quyền lợi cổ đông luôn được đảm bảo, duy trì sự minh bạch, công khai, chuẩn mực trong quản trị điều hành để cổ phiếu NAB là một trong những lựa chọn chất lượng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tin bài liên quan