Đầu tư công được đẩy mạnh sẽ dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển

Đầu tư công được đẩy mạnh sẽ dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển

Cơ hội từ các đại dự án hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Đầu tư công được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế chính của năm 2024 và mang lại triển vọng khả quan cho nhóm ngành xây dựng.

Tăng tốc

Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đầu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Thông tin này được Thủ tướng Chính phủ cho biết tại phiên họp thứ 9 diễn ra ngày 16/2 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, mà Thủ tướng là Trưởng Ban Chỉ đạo.

“Năm 2021 - 2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt, năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Cơ cấu đầu tư công được điều chỉnh theo hướng tập trung nguồn lực vào các công trình lớn, dự án giao thông trọng tâm, trọng điểm, nhất là dự án đường cao tốc.

Việc tập trung giải ngân đầu tư công với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, đường đi đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, đặc biệt là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ.

Ngay từ đầu năm 2024, các bộ, ngành đã đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tổ công tác của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải đã họp bàn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm quốc gia, đề ra nhiều việc làm cụ thể như các định mức về cấp phối vữa, định mức dự toán các công tác thi công cầu dây văng, định mức công tác đào đắp…

Riêng Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến sẽ triển khai 19 dự án giao thông trọng điểm trong năm 2024. Trong đó, có 3 dự án cao tốc gồm Dầu Giây - Tân Phú, Chợ Mới - Bắc Kạn, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Các dự án lớn khác gồm đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; dự án cải tạo mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, Vĩnh Phúc; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn; dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét; tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B; cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT…

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay, năm 2024, Bộ phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tối thiểu 97 - 98% kế hoạch được giao; tập trung triển khai khởi công đúng tiến độ các dự án trong năm 2024 theo kế hoạch và chủ động đẩy nhanh thi công các công trình, dự án đang triển khai, nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025. Một số dự án bị chậm tiến độ phải làm bù, phải quyết tâm, quyết liệt phối hợp với các địa phương, đảm bảo đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc.

Thực tế cho thấy, không khí tăng tốc đang diễn ra tại nhiều dự án. Chẳng hạn, tại dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, người lao động, kỹ sư trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Toàn dự án có 3.100 nhân sự, 1.203 máy móc, thiết bị được huy động và bố trí 45 mũi thi công toàn tuyến, sản lượng thực hiện đạt khoảng 16%, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Ngành xây dựng hưởng lợi

Hiện cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, 27 dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai TP.HCM.

Năm 2023, “cú huých” đầu tư công đã mang lại kết quả kinh doanh khả quan cho nhóm doanh nghiệp xây dựng, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (mã chứng khoán C4G) ghi nhận doanh thu hơn 2.624 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 151,6 tỷ đồng trong năm 2023, xấp xỉ mức thực hiện năm 2022. Biên lợi nhuận gộp đạt 15,2%, cải thiện so với mức 14,6% của năm 2022.

Cienco 4 thuộc liên danh trúng gói thầu số 4.6 tại dự án Sân bay Long Thành, với tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ mang lại kết quả kinh doanh tích cực trong năm nay. Ngoài ra, Công ty có một số hợp đồng thi công lớn khác như Vành đai 3 - TP.HCM (tổng giá trị 1.417 tỷ đồng), Vành đai 4 - Hà Nội (tổng giá trị 890 tỷ đồng), cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, gói thầu dự án nâng cấp Quốc lộ 14B.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán HHV), doanh thu năm 2023 đạt 2.686 tỷ đồng, tăng 28%; lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 361,8 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022; biên lợi nhuận gộp đạt hơn 40%.

Công ty cổ phần Lizen (mã chứng khoán LCG) cũng hưởng lợi từ đầu tư công khi trong năm qua đạt doanh thu hơn 2.030 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 316,8 tỷ đồng, lần lượt gấp 2 lần và 2,4 lần so với năm 2022. Các dự án XL-01 Nha Trang - Vân Phong, XL-02 Vũng Áng - Bùng, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Diễn Châu - Bãi Vọt… đã giúp Công ty có tăng trưởng doanh thu tích cực. Nhờ các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nguyên vật liệu được tháo gỡ nên biên lợi nhuận gộp năm 2023 của Lizen đạt 15%, cải thiện so với mức 12,8% năm 2022.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Lizen ghi nhận giảm gần 4% so với năm 2022, ở mức 118 tỷ đồng. Doanh nghiệp có lợi nhuận cao chỉ trong nửa cuối năm 2023 nhờ đẩy mạnh thi công các dự án cao tốc trúng thầu.

Với Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG), kết thúc năm 2023, doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 12.704 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 1.166 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp trên 9%, lợi nhuận sau thuế hơn 336 tỷ đồng.

Lãi ròng trong năm 2023 của Vinaconex giảm 64% so với năm 2022. Doanh nghiệp vẫn gánh nặng nợ khi có dư nợ hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn hơn 11.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng nợ vay và chiếm 37% nguồn vốn. Trong năm qua, Vinaconex đã chi gần 3.600 tỷ đồng trả nợ cho các trái chủ.

Năm 2024, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, với trọng tâm là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, kỳ vọng sẽ mang đến tác động tích cực cho nhóm doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, áp lực chi phí tài chính sẽ nhẹ bớt khi lãi suất vẫn đang giảm.

Tin bài liên quan