Ảnh Internet

Ảnh Internet

Cổ phiếu AAA: P/E 9,8 lần vẫn rẻ

(ĐTCK) Từ mức giá mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm 2017 (ngày 3/1) là 23.400 đồng/cổ phiếu, chốt phiên 16/6, cổ phiếu AAA của CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát đã tăng lên 31.200 đồng/cổ phiếu, tức tăng 33,33%. Cùng với đó, thanh khoản cổ phiếu cũng ổn định ở mức cao, đạt trung bình hơn 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên.

Theo nhìn nhận của các công ty chứng khoán, việc AAA duy trì đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động sản xuất - kinh doanh từ đầu năm tới nay đã phản ánh tích cực lên thị giá, cũng như thanh khoản cổ phiếu của Công ty.

Thực tế hoạt động của AAA phần nào chứng minh nhận định trên. Thông báo mới đây của AAA cho biết, với việc đưa các nhà máy mới vào hoạt động (bao gồm nhà máy 6A và nhà máy 7), chỉ tính riêng trong tháng 5, sản lượng sản xuất của Công ty đạt 8.662 tấn, tăng 10% so với tháng 4 (thời điểm ghi nhận mức sản lượng sản xuất kỷ lục kể từ khi AAA được thành lập là 7.882 tấn) và tiếp tục bứt phá mạnh mẽ so với mức trung bình của năm 2016 và quý I/2017 (tương ứng là 5.388 tấn và 6.521 tấn).

Theo kế hoạch trước đó, AAA đặt mục tiêu sản lượng đầu ra bao bì nhựa trong quý II/2017 đạt 18.000 tấn, trong khi kế hoạch sản lượng tiêu thụ hợp nhất đạt 24.000 tấn. Tính đến cuối năm, AAA đặt kế hoạch sản xuất 8.000 tấn bao bì nhựa/tháng với việc tất cả các nhà máy đều hoạt động hết công suất (hiện AAA có 7 nhà máy đang hoạt động và đang đầu tư xây dựng nhà máy 8). Từ đó, AAA đặt mục tiêu đạt doanh thu và lợi nhuận ròng hợp nhất 2017 lần lượt là 2.900 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, tăng tương ứng 35% và 40% so với thực hiện 2016.

Tuy nhiên, với tình hình sản xuất khả quan của 5 tháng đầu năm, cũng như dựa trên kế hoạch điều chỉnh của các nhà máy, ngày 8/6/2017, Công ty đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2017 lên 3.300 tỷ đồng doanh thu và 220 tỷ lợi nhuận sau thuế.

Tương quan với nhận định của các công ty chứng khoán, kế hoạch của AAA là khá khiêm tốn. Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, với tình hình hoạt động hiện tại của các nhà máy, AAA có thể đạt sản lượng đầu ra bao bì nhựa là 60.000 tấn trong năm 2017, tăng 29% so với thực hiện 2016, theo đó ước tính doanh thu hợp nhất đạt 3.656 tỷ đồng, tăng 70,4% và lợi nhuận ròng hợp nhất đạt 222 tỷ đồng, tăng 57%, tương ứng EPS 2017 đạt 3.459 đồng.

Năm 2018, khi nhà máy 6A, 6B và 7 hoạt động 80% công suất, SSI ước tính sản lượng đầu ra bao bì nhựa của AAA đạt 80.000 tấn, tăng 33% so với thực hiện 2017. Theo đó, doanh thu ước tính là 4.942 tỷ đồng, tăng 35%; lợi nhuận ròng là 282 tỷ đồng, tăng 27,2%, tương ứng EPS pha loãng đạt 3.143 đồng.

Theo SSI, hiện tại, AAA đang giao dịch ở mức P/E 2017 và 2018 lần lượt là 9,3 và 10,3 lần. SSI điều chỉnh tăng giá mục tiêu đối với AAA từ 28.500 đồng/cổ phiếu lên 32.400 đồng/cổ phiếu, dựa trên điều chỉnh tăng ước tính kết quả kinh doanh 2018 và PE mục tiêu tăng từ 9,5 lên 10 lần.

Tương tự, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ AAA năm 2017 đạt lần lượt 2.844 tỷ đồng và 203 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 32,56% và 43,3%; EPS là 3.200 đồng và P/E dự phóng là 9,3 lần. Trong đó, doanh thu tăng trưởng nhờ công suất hoạt động của các nhà máy 6, 7 và An Phát Yên Bái tăng lần lượt 77%, 42% và 53,5%.

Theo đó, HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu AAA là 32.500 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E dự phóng là 10 lần. Mức P/E dự phóng 9,8 lần vẫn là khá rẻ cho một doanh nghiệp đầu ngành bao bì với triển vọng tăng trưởng mạnh trong năm nay như AAA.

Bên cạnh những dự báo tích cực, cả SSI và HSC cùng lưu lý đến rủi ro cổ phiếu bị pha loãng. Trước đó, vào tháng 11/2015, AAA đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu kèm 300.000 chứng quyền (1 chứng quyền có quyền mua 100 cổ phiếu AAA), với mức giá thực hiện chứng quyền là 11.500 đồng/cổ phiếu. AAA đã 2 lần thực hiện chuyển đổi chứng quyền vào tháng 12/2016 (50.650 chứng quyền) và tháng 6/2017 (5.850 chứng quyền), theo đó 5.650.000 cổ phiếu đã được phát hành.

Nếu AAA phát hành 24,5 triệu cổ phiếu với giá 11.500 đồng/cổ phiếu vào năm 2018 để thực hiện chứng quyền, đây sẽ là yếu tố tiêu cực cho giá cổ phiếu AAA trong trung hạn. Tuy nhiên, theo thông tin công bố ngày 12/6/2017, Công ty An Phát Holdings đã đăng ký mua lại toàn bộ số chứng quyền trên với mong muốn đồng hành lâu dài cùng sự phát triển của AAA. Điều này có thể phần nào giảm thiểu rủi ro pha loãng cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu AAA.

Đồng thời, theo nhìn nhận của 2 công ty chứng khoán này, trong ngắn hạn, cụ thể là năm 2017, khi hầu hết các chứng quyền chưa đến kỳ thực hiện, với dự báo tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm, cũng như kế hoạch cổ tức tiền mặt cao (từ 25 - 30%), đây sẽ là các yếu tố tích cực hỗ trợ cho cổ phiếu AAA.   

Vào ngày 22/6 tới, 13,6 triệu cổ phiếu HII của CTCP Nhựa và khoáng sản An Phát Yên Bái, công ty liên kết của AAA với tỷ lệ sở hữu 35% vốn, sẽ chính thức giao dịch trên HOSE, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.900 đồng/CP. 

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch AAA chia sẻ, dù không còn là công ty con của AAA (trước đó AAA sở hữu 73% vốn HII), nhưng AAA cam kết hỗ trợ để kết quả kinh doanh của HII tăng trưởng ổn định 20%/năm, trả cổ tức ở mức 10-25%. Kết thúc quý I/2017, HII đạt 140,8 tỷ đồng doanh thu thuần và 10,86 tỷ đồng lãi ròng.

Tin bài liên quan