Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/11

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/11 của các công ty chứng khoán.

QBS: Khuyến nghị mua

CTCK FPT (FPTS)

Chúng tôi dự phóng trong năm 2014, Công ty đạt 3.000 tỷ đồng doanh thu thuần và đạt 80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức EPS(F) là 2.500 đồng/cp so với mức P/E trung bình của các công ty cùng ngành là 7,9 lần, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với QBS với giá mục tiêu 19.750 đồng/cp cao hơn 23,4% so với giá tham chiếu của ngày niêm yết đầu tiên.

Vị thế ngành. QBS hiện chiếm khoảng 60% thị phần xuất khẩu phân DAP và khoảng 20% thị phần xuất khẩu các loại phân bón còn lại của cả nước. Đối với mảng kinh doanh hóa chất, QBS đứng thứ vị trí thứ 2 trong cả nước về phân phối lưu huỳnh và axit sulfuric với khoảng 50% thị phần nhập khẩu – phân phối lưu huỳnh và 40% thị phần nhập khẩu – phân phối axit sulfuric tại Việt Nam.

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2014 của QBS đạt 1.557 tỷ đồng, tương đương 80,3% mức thực hiện cả năm 2013, lợi nhuận sau thuế đạt 60,2 tỷ đồng bằng 2,83 lần mức thực hiện cả năm 2013 với sự cải thiện rõ rệt về biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế, với kết quả tương ứng EPS đạt 2.773 đồng/cp. Sự cải thiện này đến từ: (1). Bắt đầu 2014, QBS ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các mảng kinh doanh mới như NPK, kho ngoại quan. (2). QBS ký kết thêm được nhiều hợp đồng lớn cung cấp lưu huỳnh và axit sunfuric. (3). QBS thay đổi chính sách bán hàng khi trong năm 2013, khi hầu hết các lô hàng lớn về đạm được công ty mua trong nước mà không thực hiện nhập từ Trung Quốc và các lô hàng này đều được xuất thẳng đi từ nhà máy của nhà cung cấp thay vì về kho của công ty.

Triển vọng từ năm 2014 trở đi. Từ năm 2014 trở đi, QBS sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực chính là phân bón và hoàn thiện chuỗi sản xuất kinh doanh với các kế hoạch: (1). Tập trung tối ưu hóa hoạt động nhà máy NPK giai đoạn 1 và triển khai đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất phân bón NPK sang giai đoạn 2 lên 100.000 tấn/năm, xây dựng dây chuyền sản xuất lân với diện tích 3.500m2; (2). Dự kiến trong giai đoạn từ nửa cuối năm 2014 đến hết năm 2015, Công ty sẽ mở 5 cửa hàng miễn thuế tại: Chalo (Quảng Bình), Tả Lủng (Cao Bằng), Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn và 1 kho ngoại quan tại Lào Cai.

CTCP Xuất Nhập Khẩu Quảng Bình (QBS) hoạt động về lĩnh vực sản xuất và cung ứng vật tư nông nghiệp (phân bón, hóa chất), xuất nhập khẩu các sản phẩm nông sản và các hoạt động dịch vụ hậu cần. Công ty có vị thế lớn đối với lĩnh vực xuất khẩu phân DAP và nhập khẩu – phân phối các mặt hàng hóa chất trong cả nước. Chúng tôi dự phóng trong năm 2014, công ty đạt 3.000 tỷ đồng doanh thu thuần và đạt 80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức EPS(F) là 2.500 VNĐ/cp so với mức P/E trung bình của các công ty phân bón trong khu vực là 7.9 lần, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA với QBS với giá mục tiêu 19.750 đồng/cp.

HDM: Khuyến nghị mua vào

CTCK APEC (APS)

Chúng tôi định giá mỗi cổ phiếu của HDM ở mức 53,300 đồng. Giá hiện tại của HDM trên sàn giao dịch là 37,000 đồng. Do đó chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu này với lợi nhuận kỳ vọng 44% tầm nhìn đầu tư 1 năm.

Điểm nổi bật:

- Huegatex có năng lực sản xuất mạnh so với nhiều doanh nghiệp dệt may khác. Hiện Công ty có khả năng sản xuất 12,000 tấn sợi, 1,200 tấn vải và 15 triệu sản phẩm may mặc một năm. Năng lực sản xuất này không dễ gì có được dù đầu tư 2,000 tỷ đồng. Dây chuyên sản xuất gần như khép kín giúp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Công ty sẽ được lợi lớn nếu hiệp định TPP được ký kết do đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ sợi của Mỹ.

- Huegatex có chuỗi cung ứng với độ tin cậy cao và linh hoạt. Công ty nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các đối tác nước ngoài có uy tín. Chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng cho các khách hàng luôn được Công ty đảm bảo. Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

- Huegatex rất chú trọng khâu quản trị năng lượng điện. Trong những năm qua, Công ty đã hợp tác với những đối tác khác nhau nhằm tìm ra giải pháp đầu tư tiết kiệm chi phí điện. Việc này giúp Huegatex duy trì được lợi thế cạnh tranh nhờ giá thành rẻ.

Điểm hạn chế:

- Hiện nay, Huegatex đã gần đạt năng suất tối đa của các nhà máy. Việc mở rộng sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào đầu tư mới và nâng cấp các nhà máy hiện tại. Đầu tư mới cần số vốn lớn và thời gian để lắp đặt các thiết bị.

- Mất cân đối trong sản xuất dệt nhuộm khiến Huegatex phải nhập khẩu nguyên liệu vải với số lượng lớn từ nước ngoài. Tình trạng này khiến số hợp đồng FOB Công ty ký được chưa cao.

- Huegatex hoàn toàn phải nhập khẩu nguyên liệu bông. Nếu giá bông thế giới tăng cao, chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ tăng theo, dẫn đến giảm lợi nhuận của Công ty.

CII: Khá tự tin với kế hoạch kinh doanh

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Hôm qua, chuyên viên phân tích của RongViet đã tham gia buổi làm việc với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII-HOSE) để cập nhật tình hình hoạt động của CII trong 9 tháng đầu năm cũng như kế hoạch kinh doanh của Công ty trong 2015.

Trong 3 quý đầu năm, CII ghi nhận doanh thu tăng 190% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế tăng đến 23 lần. Lợi nhuận sau thuế được cải thiện nhờ gia tăng mức cước tại các trạm thu phí còn doanh thu thuần tăng trưởng mạnh là do CII thực hiện chuyển nhượng dự án BT Cầu Sài Gòn 2 (~1.100 tỷ đồng) cho TP.Hồ Chí Minh trong quý II.

CII dự kiến sẽ đạt khoảng 280-300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2014 đồng thời cho biết có thể ghi nhận lợi nhuận từ bán đấu giá khoảng 20 triệu cổ phần của công ty con là CII Bridge & Road (LGC- HOSE) trong quý 1 năm 2015.

Theo Nghị quyết HĐQT cũng vừa được công bố hôm qua, mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CII năm 2015 lần lượt là 3.145 tỷ đồng và 452 tỷ đồng; tỷ lệ chia cổ tức là 12%. Chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển trong năm tới, CII cho biết năm 2015 sẽ là cao điểm thi công của các dự án như đoạn Quốc lộ 1A qua Ninh Thuận, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và một dự án BOT khác đang trong giai đoạn đấu thầu. Cộng với 3 dự án BĐS (152 Điện Biên Phủ, Diamond Riverside và Thủ Thiêm) và dự án nhà máy nước Tân Hiệp 2, nhu cầu cho vốn đầu tư dự kiến năm 2015 vào khoảng 4.500-5.000 tỷ đồng.

Để thu xếp nguốn vốn cho các dự án này, ngoài số dư tiền mặt hiện có và huy động từ việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu của LGC, CII còn dự kiến phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu cho một số tổ chức bảo hiểm đa quốc gia với lãi suất cố định 9-10%/năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu được NHTM đảm bảo thanh khoản cho nhà đầu tư đại chúng. Cả hai đợt phát hành trái phiếu nói trên đều được thế chấp bằng dòng tiền của các dự án hạ tầng mà CII đang kinh doanh thu phí.

Theo cảm nhận của chúng tôi, ban lãnh đạo của CII khá tự tin và cởi mở trong việc chia sẻ các kế hoạch kinh doanh cũng như các phương án tài chính của mình. Sự tự tin này xuất phát từ thực tế là CII đang sở hữu một danh mục dự án hạ tầng mà ít doanh nghiệp nào có được.

Hơn thế nữa, với đặc thù của các dự án cầu đường, dòng tiền từ hoạt động thu phí có thể ước tính được một cách tương đối chắc chắn.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân không mặn mà cổ phiếu CII có lẽ là sự năng động của doanh nghiệp trong việc liên tục đưa ra những phương án huy động vốn “sáng tạo” mà trong đó các cổ đông nhỏ lẻ thường khó nhìn thấy lợi ích của mình.

Trong giai đoạn mà nhu cầu vốn đầu tư hằng năm cho các dự án hạ tầng còn rất lớn, sự năng động này có lẽ là điều cần thiết. Về dài hạn, nếu CII có thể hiện thực hóa tiềm năng của các dự án, đó sẽ là cách tốt nhất để Công ty củng cố niềm tin đối với thị trường.

GMC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Lợi nhuận 9 tháng 2014 vượt kế hoạch năm. Kết thúc quý III/2014, GMC đạt 518 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ doanh thu xuất khẩu FOB (chiếm 97% doanh thu thuần) tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh 49% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 72 tỷ đồng nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 14% từ 12% trong quý III/2013. Cơ cấu sản phẩm thay đổi theo hướng tập trung vào sản phẩm cao cấp mang lại biên lợi nhuận cao là yếu tố chính giúp biên lợi nhuận cải thiện.

Đi cùng sự tăng trưởng của doanh thu, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng 34% yoy đạt 40 tỷ đồng chủ yếu do GMC tăng phụ cấp và thưởng hiệu quả làm việc cho nhân viên.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý III/2014 đạt 26 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có lợi nhuận cao nhất trong lịch sự hoạt động của công ty.

Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, GMC đạt 1.109 tỷ đồng doanh thu (+23,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+25,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Với kết quả đạt được, GMC đã hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm 2014.

Theo yếu tố mùa vụ, quý II và quý III hàng năm thường là thời gian cao điểm về doanh thu và lợi nhuận. Do đó chúng tôi đánh giá kết quả kinh doanh của công ty trong quý 4/2014 dự kiến sẽ kém khả quan so với quý III.

Điều này dựa trên những cơ sở sau: (1) Doanh thu giảm do các đơn hàng xuất khẩu dự kiến giảm; (2) Biên lợi nhuận gộp giảm do quý IV công ty chủ yếu sản xuất các đơn hàng xuất khẩu xuân hè (biên lợi nhuận thấp hơn sản phẩm thu đông) và hàng nội địa. Mặc dù chúng tôi cho rằng việc tập trung khai thác thị trường nội địa khi đơn hàng xuất khẩu giảm sẽ là yếu tố dẫn dắt doanh thu nội địa tăng trưởng, tuy nhiên, tỷ lệ sản phẩm sản xuất phục vụ thị trường nội địa chỉ chiểm khoảng 10% khó bù đắp phần sụt giảm từ doanh thu xuất khẩu.

Chúng tôi ước tính GMC sẽ đạt 267 tỷ đồng doanh thu (-19,5 so với cùng kỳ năm ngoái) và 4,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-40,5 so với cùng kỳ năm ngoái). Theo đó doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2014 dự kiến đạt lần lượt 1.376 tỷ đồng (+12% so với năm ngoái) và 57 tỷ đồng (+15,4% so với năm ngoái).

Chúng tôi giữ quan điểm tích cực về triển vọng kết quả kinh doanh năm 2015 của GMC dựa trên các yếu tố sau: (1) Ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng khả quan nhờ vào các hiệp định thương mại tự do, song phương và đa phương; (2) Xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục diễn ra trong năm 2015 nhờ lợi thế nhân công rẻ; (3) Là một doanh nghiệp trong ngành dệt may với kinh nghiệm và lợi thế sẵn có trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc GMC sẽ được hưởng lợi nhờ các yếu tố trên.

Ngoài ra, việc đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực kinh doanh, mở rộng tìm kiếm khách hàng mới sẽ là yếu tố dẫn dắt GMC tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn lưu ý rằng khoảng 70-80% nguyên liệu của GMC được nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan nên GMC sẽ không được hưởng lợi nhiều từ TPP nếu áp dụng điều kiện xuất xứ “từ sợi trở đi” cho nguyên vật liệu chính.

GMC đang tìm những nguồn cung cấp nguyên liệu khác từ Malaysia, Bangladesh và Ấn Độ, thế nhưng các thị trường này được đánh giá là ít cạnh tranh so với Trung Quốc cả về mẫu mã, giá cả và số lượn.

Dựa trên các giả định thận trọng, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 2015 của GMC sẽ đạt lần lượt 1.569 tỷ đồng (+14% so với năm trước) và 78 tỷ đồng (+37% so với năm trước). Theo đó, EPS và P/E dự phóng ở mức ~6.679 VND/CP và 5,09 lần với mức giá hiện tại là 34.000 VND/CP.

Với nhiều kinh nghiệm và lợi thế trong ngành may mặc cùng triển vọng tích cực của ngành dệt may, chúng tôi kỳ vọng GMC có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan trong những năm tiếp theo. Dựa trên phương pháp DCF và so sánh ngang, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu GMC là 51.500 VND/CP (cao hơn 51,5% so với mức giá hiện tại), tương ứng P/E dự phóng 2015 là 7,7 lần – khá hấp dẫn để đầu tư. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu GMC.

Bên cạnh đó, tỷ lệ cổ tức tương đối cao (20-30%/năm) đáng để nhà đầu tư xem xét thêm GMC vào danh mục đầu tư cổ tức. Tuy nhiên, NĐT cũng cần lưu ý đến tính thanh khoản thấp của cổ phiếu, với khối lượng cổ phiếu giao dịch bình quân 10 phiên khoảng 17.000 cổ phiếu/phiên.

VIS: Lợi nhuận dự phóng ở mức 30 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

VIS công bố kết quả kinh doanh quý III/2014. Theo đó, doanh thu thuần đạt hơn 897 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ với lãi ròng đạt 3.8 tỷ, tăng mạnh so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, VIS đạt doanh thu thuần 2,684 tỷ đồng, tăng 12% cùng kỳ và lãi ròng đạt 15.8 tỷ đồng, đạt 78% chỉ tiêu kế hoạch cả năm.

Sản lượng tiêu thụ của công ty có xu hướng giảm nhẹ so với quý trước, song tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay giảm cũng góp phần đưa chi phí tài chính của VIS xuống thấp hơn.

Nhà máy cán thép của VIS hiện đang hoạt động hiệu quả và huy động gần tối đa công suất. Hiện tại, nhà máy cán thép đã hết khấu hao và do đó giá thành sản xuất thép của VIS sẽ hạ xuống trong năm nay.

Sản phẩm phôi thép của VIS hiện tại chủ yếu được sử dụng cho nhu cầu nội bộ và lượng bán ra ngoài rất nhỏ. Công suất của nhà máy phôi thép là 400 nghìn tấn/năm và do đó nhà máy vẫn dư công suất. Trong năm nay, Công ty phấn đấu sẽ đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nhà máy phôi thép và nâng sản lượng lên 70% công suất. Chúng tôi đánh giá, trong những năm tới, khi nhu cầu phôi thép của thị trường gia tăng thì VIS có khả năng sẽ đẩy mạnh việc bán phôi thép ra ngoài để gia tăng hiệu quả kinh tế của nhà máy.

Công ty đã chủ động giảm lượng hàng tồn kho, gia tăng dòng tiền để giảm mạnh nợ vay và do đó chi phí lãi vay đã giảm đáng kể. Sức khỏe tài chính của VIS đã được cải thiện khi mức độ đòn bẩy giảm mạnh và dòng tiền khá tốt. Chúng tôi dự phóng, Công ty có khả năng đạt được mức lợi nhuận khoảng 30 tỷ VNĐ trong năm 2014.

CTD: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng

Với doanh thu và LNST tăng 42,6% n/n và 37,8% n/n, CTD đã ghi nhận KQKD quý 3/2014 tăng trưởng cao hơn kỳ vọng của chúng tôi. Hoạt động xây dựng, với tỷ trọng 97% doanh thu toàn công ty , đã ghi nhận tăng trưởng doanh thu 43,8% n/n đạt 2.093 tỷ, là mức tăng cao hơn hẳn so với 2 quý trước. LNST tăng 37,8% n/n, thấp hơn so với tăng trưởng doanh thu do chi phí giá vốn tăng.

Trong 9T2014, doanh thu tăng trưởng tốt 32,7% n/n đạt 4.993 tỷ. Tý suất lợi nhuận có giảm so với cùng kỳ (tỷ suất LN gộp 7,5% so với 8% trong 9T2013 và tỷ suất LN ròng 4,7% so với 5,0% trong 9T2013). Đây cũng là khó khăn chung của các công ty trong ngành khi giá VLXD và chi phí nhân công tăng. Tuy vậy, nhờ doanh thu tăng cao nên LNST vẫn tăng trưởng 24,9% n/n đạt 234,5 tỷ.

CTD vẫn duy trì tình hình tài chính khá tốt với hệ số thanh toán nhanh 1,6x, không sử dụng đòn bẩy tài chính. Về các khoản công nợ, giá trị các khoản phải thu cuối quý 3/2014 là 2.064 tỷ, tăng lên so với hai quý trước. Trong 9T2014, công ty trích lập dự phòng phải thu không đáng kể, khoảng 26 tỷ, xấp xỉ cùng kỳ. Các khoản phải thu, nhất là các khoản tồn đọng từ trước vẫn tiềm ẩn rủi ro. Chúng tôi không loại trừ khả năng con số trích lập dự phòng trong quý 4/2014 sẽ tăng so với 3 quý trước như đã xảy ra trong năm 2013.

Chúng tôi dự báo doanh thu 2014 7.723 tỷ, tăng 24,8% n/n và LNST đạt 311 tỷ, tăng 21% n/n. EPS 2014 ước tính đạt 7.383 đồng/cp, theo đó P/E kỳ vọng là 8,4x. Định giá của CTD khá thấp so với các công ty cùng ngành, tuy nhiên điểm hạn chế là tính thanh khoản thấp, do đó chúng tôi duy trì khuyến nghị Nắm giữ.

PVD: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng

LNST của cổ đông công ty mẹ 9T14 tăng 37,8% n/n. PVD đã công bố KQKD 9T14 khá sát với ước tính của chúng tôi (xem báo cáo). Doanh thu hợp nhất 9T14 tăng 48,7% n/n, đạt khoảng 15.489 tỷ đồng. Tất cả các 5 giàn khoan khoan của PVD đã có hợp đồng cho thuê ổn định với giá cho thuê bình quân tăng khoảng 10% cùng kỳ.

Biên lãi gộp 9T14 thu hẹp từ 24,3% trong 9T13 xuống chỉ còn 20,7% trong 9T14 do năm nay PVD có 6 giàn khoan thuê ngoài (có biên lợi nhuận thấp) hoạt động, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013.

Chi phí tài chính ròng giảm 53,4% so với cùng kỳ chủ yếu là lãi suất giảm khiến chi phí lãi vay giảm. Chi phí hoạt động tăng nhưng chậm hơn doanh thu, tỷ lệ chi phí BH & QLDN/DT giảm nhẹ từ 5,8% trong Q3/13 xuống còn 5,4% trong Q3/14.

PVD ghi nhận 224 tỷ đồng LN từ liên doanh liên kết (phần lớn là từ PVD Baker Hughes), tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ 2013. LNST của cổ đông công ty mẹ 9T14 tăng 37,8% n/n, đạt hơn đạt 1.923 tỷ đồng (ước tính 1.920 tỷ đồng). Với kết quả trên, PVD đã vượt hơn 13% kế hoạch doanh thu và 16,5% kế hoạch lợi nhuận năm 2014.

Các giàn khoan do PVD sở hữu đang có hợp đồng thuê ổn định hết 2015. PVD vừa ký hợp đồng gia hạn cho thuê giàn khoan PVD I, II với các nhà thầu Cửu Long JOC và Lam Sơn JOC lần lượt đến tháng 8 2016 và hết 2015. Giàn PVD III có hợp đồng thuê dài hạn và thường được tái ký hàng năm. Giàn khoan đất liền (PVD 11) và giàn TAD (PVD V) lần lượt có hợp đồng thuê hết 2015 và 2016.

Giàn khoan tự nâng - PVD VI đang được đóng đúng tiến độ. PVD dự kiến giàn PVD VI sẽ đi vào hoạt động vào tháng 3/2015 và sẽ là chất xúc tác chính cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty trong 2015. Với thị trường khoan dầu khí đang sôi động, PVD nhiều khả năng sẽ có hợp đồng khoan ngay khi giàn khoan được bàn giao. PVD đang có kế hoạch đầu tư vào một giàn khoan tự nâng khác trong năm 2015. Nếu được tập đoàn dầu khí chấp thuận thì giàn khoan này có thể được bàn giao cho PVD vào Q3/15. Chúng tôi sẽ tính toán đóng góp của giàn khoan này vào mô hình của PVD khi công ty có thông báo chính thức.

Dự báo 2014. Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 2014 ước đạt khoảng 19.716 tỷ đồng và 2.421 tỷ đồng, lần lượt tăng khoảng 32,6%n/n và 28,6%n/n.

Khuyến nghị. Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 106.000 dựa trên P/E kỳ vọng 13,3 lần, xấp xỉ trung bình ngành khu vực.

IDI: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng

IDI ghi nhận xu hướng trung hạn là tăng kể từ đầu tháng 5 đến nay. Đường giá bước vào pha tích lũy kể từ tháng 9.

Quá trinh tích lũy có dấu hiệu chấm dứt khi IDI phản ứng tích cực tại vùng hỗ trợ 12.0 được hình thành bởi MA trung hạn và các mức đáy trước đó.

Quan trọng hơn, IDI tăng mạnh ở phiên hôm nay, lần đầu tiên thiết lập đỉnh liền sau cao hơ trong hơn một tháng qua.

Khả năng quay lại xu hướng tăng ngắn hạn vì vậy đang có xác suất khá cao.

Thanh khoản bắt đầu có cải thiện từ tháng 10 và trong phiên tạo đỉnh cao hơn hôm nay KLGD ghi nhận mức đột biến, góp phần làm gia tăng độ tin cậy của điểm bứt phá.

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. Phần lớn các chỉ báo kỹ thuật quay lại mức tích cực.

Yếu tố cơ bản: 9T/14, DT và LNST lần lượt đạt 1.615 tỷ và 87,5 tỷ, tăng 46% n/n và 184% n/n. M ức tăng nhờ mảng cá tra xuất khẩu cải thiện, chuyển nhượng dự án Lấp Vò và đóng góp mới của sản phầm dầu cá Sao Mai. Thông tin phát hành cổ phiếu (ngày chốt 24/11, tỷ lệ 6:5, giá 10k) có khả năng phản ánh tích cực lên giá cp trong ngắn hạn.

Chiến lược đầu tư: NĐT có thể xem xét mua vào IDI ở mức giá hiện tại 13.4; Mục tiêu gần nhất: 15.4 (+14.9%); Mức dừng lỗ: 12.0 (-10.4%).

Tin bài liên quan