Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/9

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/9 của các công ty chứng khoán.

HTL: PE giao dịch ở mức 6,9 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HTL) thông báo tạm ứng cổ tức đợt 1 2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50% mệnh giá (5.000 đồng/cổ phiếu). Thời gian dự kiến thành toán vào 2 tháng cuối năm 2015. HTL lên kế hoạch trả cổ tức 100% cho năm 2015 (80 tỷ đồng), tương ứng lợi tức cổ tức 9,8%. Tính đến thời điểm cuối quý II/2015, HTL có 94 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tiền và tương đương tiền cuối quý II đạt 58 tỷ đồng (7.250 đồn/cp).

Trước đó, HTL đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015 với doanh thu tăng mạnh hơn 2,8 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 788,5 tỷ đồng. Công ty cho biết sản lượng tiêu thụ của công ty cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Ngoài ra, chúng tôi lưu ý sản lượng tiêu thụ xe HINO trong nước– mặt hàng chính của HTL – tăng 231% đạt 3.031 chiếc.

Theo đó, thị phần HINO đã tăng từ 1,7% 6 tháng đầu năm 2014 lên 2,8%. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 tăng 5,7 lần đạt 62,1 tỷ đồng. Mức tăng ấn tượng này do:

1) Lợi nhuận biên 6 tháng đầu năm 2015 của HTL tăng từ mức 6,3% của 6 tháng đầu năm 2014  lên 11%;

2) Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhưng chậm hơn doanh thu nên tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần giảm từ 5,92% trong 6 tháng đầu năm 2014 xuống còn 2,9% 6 tháng đầu năm 2015.

Với báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2015, HTL lần lượt hoàn thành 53% và 105% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015.

HTL đang được giao dịch tại P/E lũy kế là 6,9 lần, so với trung bình ngành lũy kế là 7 lần.

MAC: PE kỳ vọng ở mức 7,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 tăng 26,1% so với cùng kỳ, đạt 61,9 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mảng hoạt động sửa chữa cơ khí, vận tải đường bộ (đóng góp 84% tổng doanh thu) tăng trưởng tốt 31 so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động khai thác bãi container cũng tăng 24% so với cùng kỳ nhưng tỷ trọng doanh thu còn khiêm tốn, chỉ khoảng 5%.

Tuy nhiên, đây cũng là mảng kinh doanh có tiềm năng do MAC đang dự kiến đầu tư thêm Depot 4ha tại Đình Vũ. Nhắc lại, do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, ngành công nghiệp đóng tàu rơi vào giai đoạn khó khăn, MAC đã bắt đầu chuyển đổi HĐKD từ sửa chữa và đóng tàu sang sửa chữa cơ khí, khai thác bãi container từ năm 2012.

Nhờ vậy, kết quả kinh doanh của công ty đã được cải thiện trở lại, đặc biệt là trong 2014 (doanh thu tăng 31% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng 177% so với cùng kỳ).

Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 20,6% trong 6 tháng đầu năm 2014 lên 25% trong 6 tháng đầu năm 2015. Đáng chú ý, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh xuống còn 12,3%, so với mức 21,1% của cùng kỳ nhờ công ty không phải trích lập dự phòng nợ phải thu trong năm 2015 nữa.

Do tình hình hoạt động của một số khách hàng gặp khó khăn trong giai đoạn 2011-2014, MAC thường trích 3-4 tỷ đồng/năm cho khoản chi phí dự phòng nợ phải thu trong giai đoạn này. Việc trích lập đã được hoàn tất trong 2014.

Năm 2015, MAC kỳ vọng doanh thu tăng 24,2% so với năm ngoái, đạt 135 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gấp 3,7 lần năm 2014, lên mức 20 tỷ. Cổ tức tiền mặt dự kiến cho 2015 là 1.000 đồng/cp, tương đương với tỷ suất cổ tức 8,5%. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, MAC đã hoàn thành 45,8% và 51,6% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015.

MAC dự kiến tăng vốn điều lệ gấp đôi trong 2015 bằng hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1, với mức giá dự kiến là 10.000 đồng/cp. Tổng số tiền thu về từ đợt chào bán này ước khoảng hơn 63,3 tỷ đồng, dự kiến chủ yếu đầu tư để mở rộng hoạt động khai thác bãi container.

Ngoài ra, MAC cũng dự kiến chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 7%. Như vậy, nếu 2 đợt phát hành trên thành công, thì vốn điều lệ của MAC sẽ tăng thêm 107%, lên mức 131 tỷ đồng.

Dựa theo kế hoạch lợi nhuận của công ty, EPS 2015 điều chỉnh sau phát hành sẽ ở mức 1.569 đồng/cp, tương đương với mức PE kỳ vọng khoảng 7,5 lần. Thanh khoản của MAC khá thấp, KLGD bình quân 10 phiên gần nhất chỉ ở mức 28,5 ngàn cp/phiên.

TCM: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE:

TCM bắt đầu quá trình điều chỉnh giảm từ nửa cuối tháng 7. Đường giá di chuyển trong một kênh giá giảm rất rõ nét, kéo dài gần hai tháng qua.  

Sự cải thiện đến trong vài phiên gần đây, khi đường giá tăng mạnh, vượt thành công khỏi tầm ảnh hưởng của kênh giá giảm.

Các phiên tăng gần đây cũng giúp TCM tạo lập đỉnh liền sau cao hơn, và vượt lên trên MA trung hạn. Tất cả những điều này giúp xác nhận TCM quay trở lại xu hướng tăng ngắn hạn.  

Thanh khoản tăng mạnh trong những phiên tăng giá gần đây. Kết quả giảm lại của thanh khoản phiên hôm nay không đáng ngại do đi kèm với một sự điều chỉnh nhẹ của giá, cho thấy hoạt động chốt lời không quyết liệt.  

Chỉ báo kỹ thuật tích cực nhẹ. MACD đã thành công cắ lên trên đường tín hiệu và đang tăng rất nhanh để kiểm tra lại đường 0. Các chỉ báo khác đa phần trong vùng trung tính hoặc tích cực nhẹ.

* Chiến lược đầu tư:  NĐT có thể mua vào TCM quanh giá 36.6; Mục tiêu đầu tiên tại: 42.0 (+14,8%); Dừng lỗ tại: 33.9 (-7,4%)

TNC: Chưa có triển vọng khởi sắc

CTCK MB (MBS)

TNC công bố nghị quyết hội đồng quản trị về ước tính hoạt động kinh doanh 9 tháng và kế hoạch kinh doanh quý 4 năm 2015.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, Công ty ước đạt 106 tỷ doanh thu và 17.5 tỷ lợi nhuận trước thuế. Trong quý 4 2015, Công ty dự kiến đạt doanh thu là 18 tỷ và chịu lỗ 2.5 tỷ . Giá mủ cao su thiên nhiên vẫn duy trì ở mức thấp cộng thêm năng suất khai thác không cao khiến cho kết quả kinh doanh của TNC giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Hiện tại, Công ty tập trung vào 3 mảng hoạt động chính là khai thác mủ cao su, chế biến cao su và chế biến hạt điều nguyên liệu. Ước tính 9 tháng 2015, sản lượng khai thác mủ là 538 tấn DRC, chế biến cao su là 523.3 tấn, chế biến hạt điều 566 tấn và gia công 1720 tấn.

Công ty lên kế hoạch khai thác 538 tấn mủ DRC, chế biến 525 tấn cao su, chế biến 433 tấn và gia công 399 tấn hạt điều nguyên liệu trong quý 4 năm 2015.

Công ty cũng đã chấm dứt hoạt động nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Hưng Long sau khi đã giải quyết dứt điểm các tồn đọng về vật tư, tài sản và đơn hàng dở dang.

Nhìn chung chúng tôi đánh giá, các mảng kinh doanh của TNC chưa có triển vọng khởi sắc trong thời gian tới.

Tin bài liên quan