Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/12 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/12

BCC: Khuyến nghị mua trung và dài hạn

CTCK BIDV (BSC)

Ngày 14/11/2014, CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC – sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ quý III/2014. Theo đó, Doanh thu thuần 3 quý đạt 3.118,5 tỷ đồng (+15,69% so với cùng kỳ năm ngoái); biên lợi nhuận gộp 3 quý đạt 20,42% tăng đáng kể so với mức 19,56% của cùng kỳ 2013; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 51,11 tỷ đồng, gấp 2,21 lần so với mức lợi nhuận sau thuế của 3 quý 2013. Có thể nói câu chuyện tỷ giá như chúng tôi đã từng đề cập trong các bản tin ngày trước đây đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và phần nào làm nổi bật lên hiệu quả kinh doanh thực sự. Cụ thể như sau:

Gốc vay dài hạn EUR đang được trả theo đúng hạn, khoản vay nợ EUR dài hạn của BCC có thời gian trả vào tháng 3 và tháng 9 hằng năm, với số tiền phải trả là 9 triệu EUR cho mỗi kỳ trả nợ. Trong tháng 9 vừa qua BCC đã trả 9 triệu EUR và hiện vay nợ ngoại tệ dài hạn của BCC còn khoảng 55,61 triệu EUR. Chúng tôi đánh giá với diễn biến tỷ giá EUR đang trong xu hướng giảm và lãi suất EURIBOR thấp, chi phí tài chính của BCC sẽ được tiết giảm đáng kể. Theo chúng tôi ước tính, gốc vay EUR sẽ được trả hết trong tháng 3 năm 2018.

Gánh nặng chi phí tài chính được giảm bớt, Công ty cho biết đã thực hiện tạm đánh giá lại chênh lệch tỷ giá khoảng 1.000 đồng so với tỷ giá 28.860 VNĐ/EUR chốt ngày 31/12/2013(1), do đó lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện 9 tháng đạt 53,95 tỷ đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng phân bổ khoản lỗ tỷ giá trong giai đoạn đầu tư dây chuyền mới (BCC đã phân bổ 73,92 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và 49,56 tỷ đồng trong quý III). Chúng tôi nhận thấy BCC đã hoàn thành kế hoạch phân bổ lỗ tỷ giá 147 tỷ đồng của năm 2014 và hiện còn khoảng 24,37 tỷ đồng phải hoàn thành phân bổ trước 30/06/2015, nếu tình hình tỷ giá tiếp tục diễn biến có lợi như hiện nay, BCC có thể sẽ phân bổ toàn bộ 24,37 tỷ đồng này trong năm nay.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi cải thiện đáng kể, Công ty cho biết tình hình sản xuất và tiêu thụ năm nay được cải thiện hơn so với 2013, sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker 9 tháng đạt hơn 3,3 triệu tấn, ngoài ra, chính sách bán hàng được cải thiện theo từng tháng giúp tăng lượng tiêu thụ. Đáng chú ý, trong quý 3 này công ty con xi măng miền Trung đã lần đầu tiên có lãi kể từ khi hợp nhất năm 2013 và đạt 5,44 tỷ đồng, sản lượng nghiền xi măng của trạm nghiền Đại Việt đạt khoảng 30.000 tấn trong tháng 9 và khoảng 24.000 tấn trong tháng 10, hiện công suất vận hành trung bình cả năm tại đây mới chỉ đạt trên 60% công suất thiết kế, cùng với thị trường mới triển khai trong năm nay, cho thấy khu vực này còn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, chi phí bán hàng trong kỳ lại tăng 67,81%yoy, đạt 190,96 tỷ đồng trong 9 tháng, nguyên nhân chủ yếu do chi phí vận tải phát sinh. Chúng tôi đánh giá chi phí này sẽ được tiết giảm đáng kể trong thời gian tới và năm 2015 với diễn biến theo đà giảm của giá xăng dầu như hiện nay.

Nếu loại bỏ các yếu tố tỷ giá của khoản nợ vay dài hạn EUR tác động đến kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 3 quý 2014 sẽ đạt khoảng 125,09 tỷ đồng, cao gấp 2,46 lần mức lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trong BCTC và gấp 1,85 lần mức lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 3 quý 2013 (đạt khoảng 67,56 tỷ đồng nếu yếu tố tỷ giá cũng được loại bỏ).

Sản lượng tiêu thụ xi măng của cả Ngành vẫn tiếp tục khả quan: Lũy kế 10 tháng đầu năm 2014, tổng lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt 41,54 triệu tấn (+11% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó khối Tổng Công ty Vicem đạt sản lượng tiêu thụ 14,61 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ, chiếm 35% thị phần cả nước. Bên cạnh đó, sản lượng xi măng và clinker xuất khẩu của cả ngành cũng tăng 34% so với cùng kỳ 2013, đạt 16,94 triệu tấn.

Khuyến nghị đầu tư: Chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị Mua trung và dài hạn cổ phiếu BCC với mức giá mục tiêu 18.035 đồng/cp như trong báo cáo phân tích ngày 10/09/2014.

(1) Tạm so sánh với tỷ giá ngày 30/09/2014 của VietinBank là 26.842 VNĐ/EUR (ngân hàng đầu mối cho khoản vay ngoại tệ của BCC), thì mức chênh lên tới khoảng 2.000 đồng so với tỷ giá tại thời điểm 31/12/2013.

PVS: Lợi nhuận dự phóng 1.532 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

PVS công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 22,922 tỷ VNĐ, tăng 18.8 % so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt mức 1167 tỷ VNĐ, tăng 13.9% so với cùng kỳ.

Chúng tôi đánh giá cao PVS với vị thế gần như độc quyền của Công ty tại nhiều lĩnh vực dịch vụ dành cho các nhà thầu khai thác dầu khí tại Việt Nam với rào cản gia nhập ngành cao. Hiện tại, PVS đang chiếm 100% thị phần dịch vụ căn cứ cảng và logictic; 90% thị phần dịch vụ khảo sát địa chất công trình ngầm; 42% thị phần dịch vụ kho nổi sử lý và xuất khẩu dầu thô (FSO/FPSO).

Công ty có đội ngũ cán bộ công nhân viên có kỹ thuật cao và được đào tạo bài bản, chiếm lĩnh các địa điểm quan trọng tại các cảng biển. Ngành nghề lĩnh vực mà công ty hoạt động cũng đòi hỏi đầu tư rất lớn vào tài sản cố định và do đó rào cản gia nhập ngành là cao.

Chúng tôi đánh giá, kết quả kinh doanh của PTSC sẽ tiếp tục cải thiện trong các năm tói dựa trên các yếu tố sau: (1) Công ty là một công ty hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực ít đối thủ cạnh tranh; (2) đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí được dự báo sẽ vẫn ổn định; (3) PVN định hướng sẽ mở rộng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong các năm tới.

Chúng tôi dự phóng, Công ty sẽ đạt mức lợi nhuận 1532 tỷ VNĐ trong năm 2014, tương đương mức EPS là 3431 VNĐ.

FCN: P/E khá thấp, khoảng 9,2x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP kỹ thuật nền móng và công trình ngầm (FCN) công bố thông tin về kết luận thanh tra thuế năm 2012-2013 với tổng số tiền truy thu là 12,86 tỷ đồng. Đây là kết quả của đợt thanh tra thuế của Cục thuế TP Hà Nội tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Khoản này sẽ được hạch toán vào chi phí trong năm nay, do đó sẽ làm lợi nhuận hụt một khoản tương ứng. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng khoản chi phí này chỉ có ảnh hưởng trong ngắn hạn. Về dài hạn, chúng tôi tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của FCN với uy tín và kinh nghiệm ngày càng nhiều trong lĩnh vực xử lý nền móng và công trình ngầm.

Hồi đầu năm 2014, FCN đã đặt ra kế hoạch kết quả kinh doanh khá tham vọng cho năm nay với doanh thu 1.500 tỷ và lợi nhuận trước thuế 197 tỷ (kỳ vọng tăng 25% và 32% so với 2013) dựa vào nguồn dự án trúng thầu được triển khai trong năm 2014 với một số dự án lớn như Nhà máy lọc đầu Nghi sơn, Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhiệt điện Thái Bình 2, Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Mặc dù KQKD 9 tháng vừa qua kém tích cực với doanh thu ghi nhận 590,6 tỷ và lợi nhuận sau thuế 54,5 tỷ, giảm 14,5% và 20,2% so với cùng kỳ, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV/2014 sẽ cải thiện bằng việc ghi nhận doanh thu từ các dự án nêu trên và một số dự án gần đây như Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Samsung Thái Nguyên. Theo đó, chúng tôi dự báo cả năm 2014 doanh thu đạt 1.291 tỷ, tăng 7% và lợi nhuận trước thuế đạt 162 tỷ, tăng 8% so với 2013.

Với năng lực và kinh nghiệm tham gia cung cấp thi công cọc và xử lý nền móng ở nhiều công trình công nghiệp và hạ tầng, sang năm 2015 công ty có khả năng sẽ tham gia một số dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn, KCN dầu khí Long Sơn, KCN Sông Hậu, Nhà máy Samsung TPHCM. Ngoài ra, công ty định hướng mở rộng năng lực trong lĩnh vực công trình ngầm với kế hoạch tham gia các dự án xây dựng tàu điện ngầm ở TPHCM và Hà Nội. Thêm vào đó, dự án BOT đường tránh Phủ Lý (FCN góp 40% vốn), khởi công vào tháng 10/2014 vừa qua, cũng sẽ bắt đầu đóng góp một phần vào KQKD năm sau.

Nhìn chung, chúng tôi cho rằng cổ phiếu FCN phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng ở Việt Nam với cơ chế cởi mở hơn. Hoạt động trong lĩnh vực xử lý nền và công trình ngầm, FCN cũng là công ty có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các công ty niêm yết cùng ngành xây dựng. Cổ phiếu FCN giao dịch với P/E 2014 9,2x và P/E 2015 7,9x, khá thấp so với các công ty cùng ngành.

Tin bài liên quan