Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/4 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu DPR với mức giá mục tiêu là 110.000 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Sản lượng tiêu thụ 2 tháng đầu năm 2022 của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) đạt 1.363 tấn (tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái) với giá bán đạt trung bình 41,61 triệu đồng/tấn (giảm 10%) từ đó ghi nhận doanh thu mủ cao su đạt 56 tỷ đồng (tăng 17%). Lợi nhuận gộp đạt 21 tỷ đồng (tăng 125%).

Triển vọng chuyển mình trong dài hạn, giảm dần phụ thuộc vào kinh doanh cao su nhờ (1) kế hoạch phát triển khu công nghiệp và (2) thu nhập từ chuyển nhượng đất.

Bên cạnh đó, Công ty hưởng lợi từ sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu, doanh thu mủ cao su DPR tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

BSC dự báo kết quả kinh doanh của DPR trong năm 2022: doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế và cổ đông thiểu số của DPR lần lượt đạt 1.314 tỷ đồng (tăng 8,2% so với năm trước) và 445 tỷ đồng (giảm 0,8%),EPS FW2022 khoảng 10.345 đồng/CP, tương ứng với mức P/E FW2022 khoảng 9.1x, dựa trên giả định:

Doanh số mủ cao su đạt 921 tỷ đồng (tăng 7%) nhờ giá bán tăng 5%, đạt 42,8 triệu đồng/tấn và sản lượng tiêu thụ đạt 21.492 tấn (tăng 2%).

Thu nhập từ chuyển giao đất đạt 140 tỷ đồng (giảm 46%) với diện tích chuyển giao kỳ vọng đạt 140 ha (giảm 46%) do tiến độ bị trì hoãn bởi covid, giá đền bù giữ mức 1 tỷ đồng/ha.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DPR với mức giá mục tiêu là 110.000 đồng/CP được xác định bởi phương pháp định giá từng phần SOTP (DCF) các mảng thu nhập chính của DPR từ đó mức giá trị hợp lý được xác định là 110,000 VND/CP tương ứng với mức P/E mục tiêu 2022 = 10.6x – và bằng mức P/E trung bình 3 năm của cổ phiếu.

Khuyến nghị chốt lãi ELC tại ngưỡng 32.8

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu ELC của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông có một phiên tăng điểm tốt với mẫu hình nến Marubozu hoàn hảo. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng khả quan. Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20, MA50 và MA100. Đường MA20 đang ở trên MA50 và MA100. MA50 vẫn ở dưới MA100 tuy nhiên đang có xu hướng cắt lên.

Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 28.85, chốt lãi tại ngưỡng 32.8 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 27.0.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSB

CTCK Phú Hưng (PHS)

Các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Chúng tôi duy trì ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB – sàn HOSE) sẽ tích cực hơn năm 2021 với mức tăng 27%YoY.

Theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Dù vậy, nhờ tỷ lệ CASA lớn và khả năng thu hút các khoản vay nước ngoài (các khoản vay có lãi suất thấp và kỳ hạn ổn định) nhằm giảm chi phí huy động vốn, chúng tôi ước tính NIM 2022 của MSB duy trì so với năm 2021 ở mức 3,68%.

Do năm 2021, MSB chưa ghi nhận lợi nhuận bán FCCOM trên báo cáo tài chính, nên chúng tôi nâng ước tính thu nhập ngoài lãi năm 2022 lên 6.364 tỷ đồng (tăng 46% so với năm trước).

Kết thúc năm 2021, MSB có 3.038 tỷ đồng nợ tái cơ cấu. Ngân hàng cho biết đã trích thận trọng 100% với 308 tỷ đồng dự phòng cho dư nợ tái cơ cấu. Chúng tôi duy trì ước tính thận trọng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2022 sẽ tăng 63,3% so với năm trước lên 2.561 tỷ đồng.

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu MSB là 33.100 đồng/CP và khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Rủi ro nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến; (2) Rủi ro nợ xấu; (3) Rủi ro cạnh tranh; (4) Rủi ro lãi suất.

Tin bài liên quan