Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/3 của các công ty chứng khoán.

CNG: Khuyến nghị khả quan

CTCK MB (MBS)

Ở mức cổ tức 30%/năm tương đương cổ tức/thị giá là 9,4% (so với lợi suất ngân hàng là 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng) và tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cổ phần là 15%, chúng tôi cho rằng CNG của CTCP CNG Việt Nam đang giao dịch dưới giá trị đối với một công ty có lịch sử trả cổ tức ổn định, ngành nghề độc quyền, có những thay đổi giảm về rủi ro kinh doanh sau khi trở thành công ty con trực tiếp của GAS, dòng tiền mạnh và vay nợ không đáng kể.

Định giá theo phương pháp cổ tức, chúng tôi cho rằng giá hợp lý của CNG là tối thiếu là 38,000 đ/cổ phiếu tương đương tỷ suất cổ tức/thị giá là 8%. Ở mức giá hiện tại, CNG đang giao dịch thấp hơn 15% so với giá hợp lý trên.

Chúng tôi khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu CNG và nhà đầu tư trung dài hạn có độ chấp nhận rủi ro thấp có thể gia tăng mua cổ phiếu CNG khi cổ phiếu điều chỉnh bởi những yếu tố thị trường chung trong năm 2016.

IMP: Phát hành thêm cổ phiếu sẽ tác động lớn đến diễn biến giá

CTCK FPT (FPTS)

CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP  – HOSE) vừa công bố văn bản Nghị  quyết HĐQT số 02 định hướng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh trong  năm 2016 ( link tham khảo ). Trong đó, chúng tôi cho rằng có 01 thông tin trọng  yếu có thể ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu IMP trong năm 2016 là kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phiếu để tăng vốn lên 350 tỷ đồng từ  mức 289 tỷ đồng.

Trong trường hợp kế hoạch phát hành này được đại hội cổ đông thường niên của IMP thông qua vào tháng 4/2016 và phát hành riêng lẻ thành công, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu IMP nhiều khả năng sẽ chịu 3 ảnh hưởng như sau:

Tích cực: Hở room cho khối ngoại gần 3 triệu cổ phiếu (tương đương 8,5% vốn cổ phần sau phát hành). Thống kê của chúng tôi cho thấy, trong năm 2015, sau khi room khối ngoại hở ra do IMP phát hành riêng lẻ cho CTCP Dược phẩm Phano, một số quỹ đầu tư tài chính nước ngoài đã mua khớp lệnh trên sàn và là nhân tố khiến giá cổ phiếu tăng 25% chỉ trong 5 ngày. Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý về việc cơ cấu sở hữu của IMP có xu hướng ngày càng tập trung, đặc biệt là khi có sự tham gia của cổ đông mới.

Ngoài ra, chúng tôi đánh giá nguồn cung cổ phiếu IMP duy nhất cho nhu cầu mua 2.968.103 cổ phiếu của khối nhà đầu tư nước ngoài đến từ hơn 4,4 triệu cổ phiếu đang được các cá nhân và tổ chức trong nước nắm giữ. Nếu khối ngoại mua hết toàn bộ lượng cổ phiếu được phép mua nêu trên, nguồn cung cổ phiếu còn lại do các cá nhân và tổ chức trong nước nắm giữ (bao gồm cả cán bộ nhân viên không phải công bố thông tin khi mua bán) chỉ còn 1.476.313 cổ phiếu.

Về mặt tiêu cực là EPS bị pha loãng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ mới của IMP là 350 tỷ đồng, lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm là 30,5 triệu cổ phiếu (giả sử lượng cổ phiếu phát hành thêm được lưu hành từ tháng 10/2016), do đó, EPS năm 2016 sẽ bị pha loãng khoảng 5% so với trước khi phát hành.

Về mặt chưa đánh giá được là thay đổi lớn trong cấu trúc sở hữu, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu bị giảm (pha loãng). Trong đó, tỷ sở hữu của cổ đông lớn nhất là Tổng công ty dược Việt Nam sẽ giảm xuống dưới 20%, do đó, IMP không còn là công ty liên doanh liên kết của Vinapharm mà chỉ còn là một khoản đầu tư tài chính dài hạn. Ngoài ra, nếu cổ đông mới có mối liên hệ hoặc bắt tay hợp tác với Phano, nhóm cổ đông này sẽ nắm gần 25% vốn cổ phần của IMP sau phát hành và sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược, hoạt động kinh doanh của IMP trong thời gian sắp tới.

Tin bài liên quan