Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/9

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/9 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu OIL

CTCK Dầu khí (PSI)

Hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (OIL) năm 2020 chịu ảnh hưởng do những tác động tiêu cực của giá dầu giảm và dịch Covid-19. Ngoài ra, doanh thu cũng sẽ bị tác động do BSR bảo trì 55 ngày, cũng với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới.

Kết thúc 6 tháng năm 2020, OIL thu về 29.339 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ 2019, hoàn thành 56,2% kế hoạch năm. Doanh thu sụt giảm do tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu. Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4 đã tác động mạnh đến sản lượng kinh doanh xăng dầu của PVOIL, do nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa giảm mạnh.

Dự báo khó khăn vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới do: (1); BSR bảo dưỡng 55 ngày trong quý III (2) Dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong nước, một số tỉnh thành đã phải thực hiện cách ly toàn xã hội vào tháng 8/2020.

PVOIL ghi nhận 74,2 tỷ đồng từ việc hoàn tất thoái toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC (PTL).

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu OIL trong dài hạn nhờ kế hoạch thoái vốn của nhà nước và sự tham gia của cổ đông chiến lược trong thời gian tới.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị theo dõi DPM với giá mục tiêu 24.762 đồng/CP

CTCK Dầu khí (PSI)

Kết quả kinh doanh quý II/2020 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM) ghi nhận lãi ròng 308,3 tỷ đồng, cao gấp 8,4 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong kỳ đạt 302,9 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DPM đạt 3.876 tỷ đồng doanh thu, tăng 10,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 415 tỷ đồng, cao gấp 4,6 lần so với nửa đầu năm 2019. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, DPM hoàn thành 42% mục tiêu về doanh thu và 96% mục tiêu về lợi nhuận.

Nguyên nhân đến từ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ, cải thiện biên lợi nhuận nhờ giá khí giảm và giảm chi phí lãi vay.

Cổ tức tiền mặt năm 2019 được phê duyệt ở mức 12% mệnh giá (so với kế hoạch ban đầu 10%). Công ty tạm ứng cổ tức 5% trên mệnh giá vào tháng 5/2020. DPM tiến hành chi trả cổ tức đợt cuối năm 2019 (7% trên mệnh giá, tương đương 4,7% tỷ suất cổ tức) với ngày đăng ký cuối cùng là 6/8/2020.

Chúng tôi điều chỉnh dự phóng kết quả kinh doanh các năm tiếp theo trên cơ sở thận trọng, trong bối cảnh thị trường phân bón tiếp tục dư cung, chi phí khí đầu vào bị chi phối bởi giá dầu (có khả năng hồi phục trong thời gian tới).

Theo đó, ước tính doanh thu 2020 đạt 9.140 tỷ đồng (tương đương kế hoạch 2020), lợi nhuận trước thuế đạt 745 tỷ đồng (tăng 45% so với kế hoạch 2020).

Phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF: Với phương pháp này, chúng tôi dự phóng dòng tiền trong các năm tới của doanh nghiệp, sử dụng FCFF để tiến hành chiết khấu dòng tiền về hiện tại. Giá mục tiêu là 24.762 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DPM.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị khả quan BSR với giá mục tiêu 8.200 đồng/CP

CTCK Dầu khí (PSI)

Quý II của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) ghi nhận doanh thu 13.737 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái là 27.845 tỷ đồng. Nguyên nhân chính vẫn là giá dầu giảm mạnh so với cùng kỳ và dịch bệnh ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, đặc biệt là ngành hàng không.

Tháng 4/2020 giá dầu thô Brent có giá thấp nhất, giảm từ 31,8 USD/thùng bình quân tháng 3 xuống 18,4 USD/thùng bình quân tháng 4 (giảm 13,3 USD/thùng). Giá dầu bắt đầu phục hồi từ tháng 5, hoạt động kinh doanh của BSR tháng 6 đã có lãi, tuy nhiên do 2 tháng đầu trong quý vẫn âm.

Kết quả 6 tháng đầu năm, doanh thu BSR ghi nhận 31.727 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ lũy kế 2 quý liên tiếp 4.255 tỷ đồng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất bắt đầu bảo dưỡng tổng thể từ 12.08.2020 và dự kiến kéo dài trong 51 ngày. Tiến độ bảo dưỡng phụ thuộc vào tình hình dịch do ảnh hưởng bởi yêu cầu cách ly phòng dịch đối với các chuyên gia nước ngoài đến từ vùng dịch.

Tháng 6, BSR đã kinh doanh tốt và bắt đầu có lãi, chấm dứt tình trạng lỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu. Dòng tiền hoạt động kinh doanh của BSR từ âm trong quý I đã thặng dư 882 tỷ đồng trong quý II. Bên cạnh đó, hoạt động giao thông vận tải, sản xuất đã từng bước được bình thường giúp nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng, dầu trong nước đang hồi phục.

Chúng tôi sử dụng phương pháp bình quân ngành (P/B), so sánh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực với BSR trong thị trường châu Á mới nổi. BVPS của BSR tính đến cuối quý II/2020 đạt 9.985 đồng/CP, giá cổ phiếu mục tiêu của BSR là 8.200 đồng/CP và khuyến nghị khả quan.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị nắm giữ đối với BMP với giá mục tiêu 59.600 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) ghi nhận 1.251 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2020, tăng nhẹ 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ (i) sản lượng bán hàng tăng 3% lên 29.760 tấn – mức tiêu thụ quý cao nhất, và (ii) giá bán bình quân tăng 2,8% lên 42,2 triệu/tấn.

Biên lợi nhuận gộp tiếp tục cải thiện, đạt 28,2%, cao hơn mức 23,2% trong quý II/2019 trong bối cảnh giá PVC duy trì ở mức thấp, trong đó giảm đáng kể trong tháng 4/2020, từ 850 USD/tấn xuống còn khoảng 650 USD/tấn.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất/sản phẩm cũng giảm đáng kể nhờ doanh nghiệp tăng cường tự động hóa dây chuyền sản xuất, giúp lợi nhuận sau thuế quý II đạt 155 tỷ đồng, cao hơn 32% so với mức lợi nhuận 117 tỷ đồng năm ngoái, tương ứng với biên lợi nhuận ròng tăng từ 9,9% lên 12,4%.

Cần lưu ý rằng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh 38,6% so với cùng kỳ khi doanh nghiệp tăng chiết khấu cho hệ thống phân phối nhằm gia tăng thị phần và đẩy mạnh doanh thu.

Lũy kế 6 tháng năm 2020, doanh thu tăng 7,7% lên 2.271 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 23,4% lên 257 tỷ đồng, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh, bù đắp phần tăng chi phí chiết khấu cho các hệ thống phân phối. Sản lượng tiêu thụ trong nửa đầu năm 2020 đạt 54.000 tấn, tăng 6,3%, trong đó sản lượng ống PVC chiếm 92%.

Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và 55% kế hoạch lợi nhuận đưa ra đầu năm.

Chúng tôi nhận thấy rằng, giá PVC đã và đang hồi phục kể từ sau dịch trong bối cảnh nguồn cung thấp và nhu cầu cao. Mặc dù BMP đã chủ động tích trữ nguyên vật liệu giá rẻ nhiều hơn so với mức bình thường là 1,5 – 2 tháng, theo chia sẻ từ đại diện doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng tác động từ giá đầu vào thấp sẽ suy yếu 1 phần trong 6 tháng cuối năm.

Giai đoạn 2021 – 2025, lợi nhuận ròng dự phóng đạt 513 tỷ đồng/năm. Chúng tôi dự phóng doanh thu tăng bình quân 5,4%/năm chủ yếu từ sự gia tăng 7%/năm của sản lượng tiêu thụ.

Phân khúc xây dựng dân dụng, theo CBRE, được dự báo sẽ chững lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chính sách siết chặt tín dụng đối với ngành bất động sản.

Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong thị trường ống nhựa xây dựng ngày càng cao với sự tham gia của các đối thủ lớn Hoa Sen và Tân Đại Thành từ 2017. Vì vậy, với quy mô thị phần lớn như BMP, chúng tôi cho rằng sản lượng tiêu thụ khó có khả năng bứt phá và chỉ tăng trưởng theo mức chung của ngành.

Biên lợi nhuận gộp giảm từ 24% trong 2021 về mức 22,6% trong 2025. Các hợp đồng tương lai thể hiện giá dầu Brent trong xu hướng tăng nhẹ từ mức 45 USD/thùng (2021) lên mức 55 USD/thùng (2025). Tương ứng với sự cải thiện của giá dầu, chúng tôi cho rằng giá PVC cũng dịch chuyển từ 900 USD/tấn lên mức 940 USD/tấn trong cùng giai đoạn.

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 59.600 đồng/cổ phiếu. Dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh và dòng tiền ổn định với 43% thị phần tại miền Nam và 28% thị phần trên cả nước trong phân khúc sản xuất ống nhựa xây dựng, chúng tôi dự phóng BMP có khả năng duy trì tỷ suất cổ tức 9%/năm với tỷ lệ chia cổ tức/lợi nhuận ròng đạt 77%.

Mục tiêu chốt lãi của ANV nằm tại mức 21

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt đang ở trong trạng thái tăng giá trở lại từ đầu tháng 8 đến nay sau khi đã có giai đoạn giảm khá mạnh vào tháng 6 và 7. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của ANV. Tuy vậy, chỉ báo RSI đang ở trong vùng quá mua nên cổ phiếu có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong những phiên tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của ANV nằm tại khu vực xung quanh 18.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 21, cắt lỗ nếu ngưỡng 17.5 bị xuyên thủng.

Tin bài liên quan