Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang vận hành liên tục ở mức công suất tối đa.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang vận hành liên tục ở mức công suất tối đa.

Cổ phiếu phân bón bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá các mặt hàng phân bón tăng cao mang lại cơ hội thu lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, giúp cổ phiếu ngành này bứt phá.

Giá phân bón tăng, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất

Thống kê cho thấy, giá nguyên liệu sản xuất và giá phân bón trên thế giới trong tháng 6/2021 tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, giá urê tăng 62%, DAP tăng trên 54%, kali tăng 45%, thậm chí giá axit sulfuric và amoniac có mức tăng 3 - 4 lần.

Nhu cầu gia tăng và chi phí vận chuyển tăng vọt do dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu khiến giá phân bón tăng vọt trong những tháng đầu năm nay.

Tại Việt Nam, nền kinh tế có độ mở cao nên biến động trên thị trường thế giới lập tức tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa trong nước.

Theo phân tích của AgroMonitor, nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước trong năm 2021 ước đạt khoảng 11,1 triệu tấn, tăng 2,59% so với năm 2020. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ đối với hầu hết các loại phân bón đều tăng, dự kiến DAP tăng 5,64%, phân lân tăng 4,17%, phân NPK tăng 2,26%.

Từ trung tuần tháng 6/2021 đến nay, giá phân bón duy trì ở mức cao, giá urê dao động trong khoảng 10,2 - 10,5 triệu đồng/tấn; giá phân bón DAP Trung Quốc xanh 64% đạt hơn 16 triệu đồng/tấn; giá DAP Hàn Quốc đạt 16,5 triệu đồng/tấnl giá DAP Đình Vũ đạt 12,6 triệu đồng/tấn.

Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) nhận định: “Việc sản xuất urê tại Việt Nam chủ yếu bằng hai nguồn là than và khí, mà giá hai nguyên liệu này đều đang ở mức cao, vì vậy, giá phân bón có khả năng ở mặt bằng cao từ nay cho tới hết năm”.

Trước tháng 4/2021, nhiều doanh nghiệp duy trì mức giá ổn định cho các loại phân bón do có lượng tồn kho giá thấp, đủ cung ứng cho thị trường. Nhưng sau đó, lượng tồn kho đã cạn, các sản phẩm tung ra thị trường hầu hết đều là hàng mới, không thể tránh khỏi việc tăng giá.

Giá phân bón có khả năng ở mặt bằng cao từ nay cho tới hết năm.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khi Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán DCM) cho biết, Công ty đã giải quyết gần như toàn bộ lượng hàng tồn kho năm ngoái chỉ trong quý I/2021, sang đến quý II phải đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo nguồn cung.

“Phân bón là mặt hàng theo mùa vụ. Năm nay là năm đặc biệt trong lịch sử, vì ngoài chu kỳ tăng giá 10 năm, còn do dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu lương thực tăng cao. Lúa gạo được giá nên nông dân thường tăng thêm 10 - 20% diện tích đất trồng. Nhiều nông dân có xu hướng tích trữ phân đạm urê cho sản xuất vụ 3 nên đây cũng là yếu tố khiến giá phân bón trong nước tăng”, bà Hiền nói.

Lãnh đạo Đạm Cà Mau chia sẻ, lợi nhuận quý II/2021 sẽ nối tiếp đà tăng từ quý I. Trong năm nay, Công ty sẽ có thêm nhà máy phức hợp NPK, có thể cung cấp 300.000 tấn phân bón NPK chất lượng cao mỗi năm, với giá thành cạnh tranh.

Với nhà máy Đạm Phú Mỹ, nhà máy này đang vận hành liên tục ở mức công suất tối đa, khối lượng sản xuất mỗi ngày khoảng 2.450 tấn Đạm Phú Mỹ và gần 1.000 tấn NPK Phú Mỹ chất lượng cao.

Tính đến giữa tháng 6/2021, Đạm Cà Mau đã cung ứng ra thị trường xấp xỉ 555.000 tấn phân bón Phú Mỹ các loại và 80.000 tấn sản phẩm NPK, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, doanh thu quý II/2021 của Đạm Cà Mau có thể đạt 2.700 tỷ đồng, trong đó, doanh thu urê và NPK đóng góp lần lượt 72% và 10%; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng hơn 96% so với cùng kỳ nhờ giá bán urê tăng (giá bán trung bình tháng 4 là 8.500 đồng/kg); biên lợi nhuận gộp có thể mở rộng lên 33,7% so với mức 26,2% của quý II/2020.

Ông Nguyễn Nhật Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (ABS) - đơn vị phân phối cho các thương hiệu phân bón lớn như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Lâm Thao… đánh giá, hầu hết doanh nghiệp phân bón có triển vọng tăng trưởng mạnh về doanh số trong năm 2021.

Ước tính sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm, doanh số mặt hàng phân bón gấp 2 lần về lượng và gấp 3,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cổ phiếu phân bón tăng ấn tượng

Trên thị trường chứng khoán, kể từ đầu năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu LAS của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tăng 67,5%, từ 8.000 đồng/cổ phiếu lên 13.400 đồng/cổ phiếu (ngày 25/6); so với cùng kỳ năm ngoái, giá cổ phiếu này tăng gấp đôi.

Trong năm 2021, LAS dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 2.835 tỷ đồng, với tổng sản lượng phân bón sản xuất đạt 920.000 tấn. Trong đó, supe lân đạt 485.000 tấn, NPK các loại đạt 435.000 tấn, axit sulfuric đạt 169.000 tấn.

Tương tự, giá cổ phiếu DDV của Công ty cổ phần DAP - Vinachem tăng 70,5% trong 6 tháng qua và tăng 168% trong một năm qua. Giá cổ phiếu DDV chủ yếu bứt phá kể từ đầu tháng 3/2021, đặc biệt vào phiên 2/6 khi tăng trần 15%, khối lượng giao dịch kỷ lục với gần 7,3 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 103,7 tỷ đồng (trước đó, cổ phiếu DDV có thanh khoản thấp).

Nhiều cổ phiếu phân bón khác có mức tăng giá cao trong 6 tháng đầu năm 2021 như DGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, BFC của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, SFG của Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam, PCE của Công ty cổ phần Phân bón và hóa chất Dầu khí Miền Trung…

Với dư địa tăng trưởng, Công ty Chứng khoán FPT có khuyến nghị khả quan đối với ngành phân bón năm 2021: “Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành, có năng lực cạnh tranh và tình hình tài chính tốt (DPM), hoặc doanh nghiệp có triển vọng xuất khẩu sản phẩm ra các nước khu vực châu Á (DCM và BFC). Chính sách thuế giá trị gia tăng nếu được đề xuất và Quốc hội thông qua trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp nội địa đều được hưởng lợi (trong đó LAS được hưởng lợi lớn nhất)”.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp phân bón dự kiến tiếp tục phải đối mặt với 2 thách thức lớn. Một là, giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất urê có thể tiếp tục tăng, khiến giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia.

Hai là, giá cước vận chuyển bằng đường biển trên thế giới ở mức cao, có thể tăng thêm nếu giá dầu tăng, khiến giá cước vận chuyển phân bón tăng theo.

Doanh nghiệp phân bón còn phải chịu tác động khác từ sự điều chỉnh chính sách vĩ mô do đây là mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, ảnh hưởng lớn tới nông dân và ngành sản xuất nông nghiệp.

Lợi nhuận không phải là tất cả. Mới đây, Phân bón Cà Mau đã phải tuyên bố dừng xuất khẩu để tập trung cung ứng cho thị trường nội địa dù giá phân bón trong nước đang thấp so với giá thế giới.

Tin bài liên quan