Họ Apec tiếp tục "trượt dốc" dù nhận được lực cầu mạnh mẽ

Họ Apec tiếp tục "trượt dốc" dù nhận được lực cầu mạnh mẽ

Cổ phiếu VHC thăng hoa, nỗ lực giải cứu họ APEC bất thành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường từng bước tiến nhẹ và lấy lại mốc 1.125 điểm dù thanh khoản giảm mạnh. Điểm sáng là nhóm cổ phiếu thủy sản với sự dẫn đầu của VHC giao dịch bùng nổ, trong khi họ apec giải cứu bất thành và tiếp tục nằm sàn.

Trong bối cảnh thị trường chung giao dịch khá ảm đạm và có phần đuối sức về cuối phiên sáng, thì nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản vẫn là điểm sáng với mức tăng ấn tượng, vượt trội so với các nhóm ngành khác trên thị trường. Trong đó, cổ phiếu lớn của ngành là VHC ghi nhận mức tăng tốt nhất gần 5% cùng thanh khoản sôi động.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu tiếp tục tăng mạnh giúp VHC vững vàng đi lên. Sau gần 1 giờ mở cửa, cổ phiếu VHC đã chinh phục mức giá trần với thanh khoản tăng mạnh, bất chấp dòng tiền tham gia thị trường chung không mấy khả quan.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu VHC đã giữ vững mức giá trần 69.500 đồng/CP, tiến gần mức đỉnh trong nửa đầu năm 2023 đã được xác lập vào đầu tháng 1/2023. Đặc biệt là giao dịch bùng nổ đã giúp thanh khoản VHC đạt cao nhất trong hơn 1 năm qua (kể từ phiên 13/6/2022 khớp 3,07 triệu đơn vị) và gấp hơn 4 lần so với mức giao dịch trung bình 10 phiên gần đây là 0,75 triệu đơn vị/phiên.

Ngoài VHC, các cổ phiếu khác trong nhóm chế biến thủy sản cũng nới rộng đà tăng như ACL, ANV, CMX, FMC đều đồng loạt tăng hơn 4%, IDI tăng 3,11%...

Tuy nhiên, lực đỡ chính giúp thị trường tăng tốt hơn so với thời điểm cuối phiên sáng đến từ diễn biến khởi sắc hơn ở một số mã lớn như VHM, VIC, BID, GAS. Chỉ số VN-Index đã tìm lại mốc 1.125 điểm khi kết phiên, nhưng thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh mẽ, ghi nhận mức thấp nhất trong gần 2 tháng, kể từ phiên 9/5 đạt tổng giá trị giao dịch 9.338 tỷ đồng.

Điều này cho thấy lực cầu tham gia khá thận trọng sau những phiên thị trường đảo chiều giảm, nhưng đồng thời phản ánh áp lực bán đã hạ nhiệt và thị trường có thể bước vào giai đoạn tích lũy để tiếp tục đi lên.

Đóng cửa, sàn HOSE có 253 mã tăng và 169 mã giảm, VN-Index tăng 5,32 điểm (+0,47%) lên 1.125,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 558,38 triệu đơn vị, giá trị 10.794,24 tỷ đồng, giảm 38,42% về khối lượng và 37,77% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 30/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 56,06 triệu đơn vị, giá trị 1.130,83 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch phân hóa và nhích nhẹ so với phiên sáng. Tuy nhiên, bên cạnh BID tăng tốt và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày, điểm sáng ngành thuộc về cổ phiếu SHB.

Lực cầu tăng mạnh giúp thanh khoản SHB cao nhất thị trường, đạt hơn 34,88 triệu đơn vị, đồng thời giá cổ phiếu tăng 3,6% lên mức 12.950 đồng/CP, đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất trong nửa đầu năm 2023. Còn lại các mã bank khác đều khớp lệnh chưa tới 10 triệu đơn vị.

Một trong những thông tin tiếp sức cho đà tăng mạnh mẽ của SHB là cuối tuần qua, UBCK đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18%.

Trên cơ sở đó, HĐQT SHB đã có Nghị quyết về ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 là ngày 25/07/2023. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng nhích nhẹ, nhưng cổ phiếu giao dịch sôi động nhất ngành là SSI và VND với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 10 triệu đơn vị, đóng cửa cùng giảm nhẹ 0,4%. Các mã chứng khoán khác cũng biến động tăng giảm trong biên độ hẹp trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu thép, trong khi NKG và HSG đều đóng cửa giảm nhẹ chưa tới 0,5%, thì HPG đã đảo chiều hồi phục sắc xanh nhưng chỉ tăng 0,2% lên mức 26.200 đồng/CP và khớp lệnh 17,06 triệu đơn vị. Cổ phiếu nhỏ trong ngành là POM vẫn là điểm sáng khi đóng cửa giữ vững mức giá trần và còn dư mua trần 0,28 triệu đơn vị.

Trong khi nhóm cổ phiếu phân bón hạ nhiệt so với phiên sáng nay với DGC lùi về mốc tham chiếu, DCM và DPM cũng thu hẹp chút ít biên độ với mức tăng lần lượt đạt 3,22% và 2,59%.

Ở nhóm bất động sản, các cổ phiếu cũng thu hẹp biên độ tăng. Trong đó, cổ phiếu giao dịch sôi động nhất ngành là NVL chịu áp lực bán gia tăng và đóng cửa gần vùng giá thấp nhất ngày khi giảm 2% xuống mức 14.550 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua SHB khi khớp lệnh 30,11 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HNX có 98 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index giảm 0,72 điểm (-0,32%), xuống 226,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 74,97 triệu đơn vị, giá trị 1.039,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 45,77 triệu đơn vị, giá trị gần 114 tỷ đồng.

Đáng chú ý trên sàn HNX vẫn là bộ 3 cổ phiếu nhà apec với pha giải cứu bất thành dù nhận được lực cầu mạnh mẽ. Kết phiên, API, IDJ và APS tiếp tục có thêm phiên nằm sàn, nhưng thanh khoản tăng vọt, lần lượt đạt 11,54 triệu đơn vị, hơn 10,83 triệu đơn vị và 7,25 triệu đơn vị.

Đồng thời, các mã này cũng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái bán tháo khi kết phiên API dư bán sàn hơn 0,54 triệu đơn vị, IDJ dư bán sàn 10,38 triệu đơn vị, còn APS dư bán sàn hơn 6,78 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch khá tích cực trong phiên chiều với BVS tăng 1,3%, HBS tăng 2,4%, IVS tăng 1,2%, và SHS vẫn là điểm sáng khi đóng cửa tăng 1,5% lên mức 13.400 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 3 khi khớp hơn 10,45 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, trái với sàn niêm yết, thị trường UPCoM nhanh chóng đảo chiều giảm điểm ngày khi mở cửa phiên giao dịch chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,27%) xuống 85,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29,18 triệu đơn vị, giá trị 445,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,64 triệu đơn vị, giá trị 199,16 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có 5 mã có giao dịch trên 1 triệu đơn vị, trong đó BSR vẫn dẫn đầu với 3,77 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, đóng cửa chỉ nhích nhẹ 0,6% lên mức 17.400 đồng/CP. Các cổ phiếu còn lại đều khởi sắc hơn, ngoại trừ duy nhất SBS giảm 1,3% xuống mức 7.500 đồng/CP và khớp 2,24 triệu đơn vị.

Trong đó, cổ phiếu tăng tốt nhất là một thành viên của nhóm phân bón – DDV dù không giữ được mức giá cao nhất ngày nhưng đóng cửa tích cực khi tăng 3,9% lên mức 10.600 đồng/CP, đồng thời thanh khoản sôi động với hơn 2,81 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng và 1 hợp đồng giảm, với VN30F2307 tăng nhẹ 0,2 điểm lên 1.117,5 điểm, khớp lệnh 130.472 đơn vị, khối lượng mở 50.134 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, 2 mã giao dịch sôi động nhất đều đóng cửa trong sắc xanh. Đó là CFPT2210 đóng cửa tăng 6,3% lên 340 đồng/cq với khối lượng khớp 1,57 triệu đơn vị; và CFPT2303 đóng cửa tăng 1,9% lên 540 đồng/cq với khối lượng giao dịch đạt 1,46 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan