Khi thị trường chứng khoán tích cực, cổ phiếu ngân hàng thường là nhóm dẫn dắt

Khi thị trường chứng khoán tích cực, cổ phiếu ngân hàng thường là nhóm dẫn dắt

Cổ phiếu “vua” kỳ vọng bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ bay cao, thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường trong năm 2024, khi tăng trưởng tín dụng dự báo cải thiện dần.

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Trong những tuần đầu năm 2024, thị giá cổ phiếu ngân hàng tăng tích cực, trong đó nhiều mã tăng hơn 5% như BID, VCB, ACB, CTG, EIB, TCB, MBB, OCB..., còn nếu tính trong vòng 1 tháng qua thì mức tăng khoảng 10%. Mặc dù có sự phân hóa và tập trung ở những mã cổ phiếu đầu ngành, song nhìn chung giá cổ phiếu ngân hàng đang có sự chuyển biến nhờ một số yếu tố hỗ trợ như lợi nhuận kinh doanh năm 2023 ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và một số ngân hàng tư nhân lớn đạt mức tỷ USD.

Cụ thể, VietinBank (mã CTG) đạt hơn 24.000 tỷ đồng, BIDV (mã BID) thu về 26.750 tỷ đồng và quán quân Vietcombank (mã VCB) với 40.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm qua. MBBank (mã MBB) công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so năm 2022 và hoàn thành 100% kế hoạch năm, trong đó Ngân hàng mẹ ghi nhận 24.688 tỷ đồng, tăng 22%. Techcombank (mã TCB) cũng báo lãi 22.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm...

Kết quả trên cho thấy, những ngân hàng có nền tảng tốt vẫn đạt lợi nhuận khả quan, cho dù hoạt động tín dụng năm 2023 tăng trưởng chậm. Bước sang năm 2024, tuy còn khó khăn, song chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định, có nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ cho các cổ phiếu ngân hàng, ở trong nước đó là môi trường lãi suất thấp, kinh tế phục hồi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, doanh thu dịch vụ gia tăng..., còn với bên ngoài đó là nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ “hạ cánh mềm”, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu lãi suất đã đạt đỉnh và sớm cắt giảm trong năm nay, USD giảm giá…

Trong khi đó, ngay từ đầu năm 2024, ngành ngân hàng đã cấp hết hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng để đẩy mạnh cho vay. Đồng thời, các giải pháp gỡ khó cho thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản dần có hiệu quả, doanh nghiệp bắt đầu mạnh dạn vay vốn trở lại.

Công ty Chứng khoán SSI đặt ra kịch bản cơ sở rằng, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt khoảng 6 - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong 10 năm qua, tín dụng tăng trưởng trở lại mức khoảng 15% và Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt với cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu. Với kịch bản này, tăng trưởng lợi nhuận 2024 của các ngân hàng niêm yết tốp đầu dự kiến ở mức khoảng 15,4%. Thực tế cho thấy, đây là ngành duy nhất có lợi nhuận tăng trưởng dương liên tiếp 5 năm gần đây, trung bình 15-20%/năm.

Tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan cùng với biên lợi nhuận (NIM) được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì. Do đó, lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo tăng trưởng khả quan năm nay, dù áp lực trích lập dự phòng vẫn lớn.

Theo đánh giá của ông Michael Kokalari - Giám đốc Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, cổ phiếu ngân hàng sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng lợi nhuận, từ khoảng 7% năm 2023 lên 18% trong năm 2024 và định giá cổ phiếu ngành này tại Việt Nam hiện thấp hơn so với mức trung bình 5 năm. VinaCapital kỳ vọng, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng tín dụng trong 2024 và không chỉ cho vay với chủ đầu tư bất động sản, mà cả người mua nhà mới, phù hợp với kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường bất động sản năm nay.

Cổ phiếu “vua” sẽ bay cao

Với năm 2024, các nhận định đưa ra từ giới phân tích đều có cái nhìn lạc quan về ngành ngân hàng, lợi nhuận tăng trưởng cao so với năm 2023 nhờ bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản hệ thống dồi dào hỗ trợ tích cực về chi phí vốn cho hoạt động tín dụng. Tuy sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và kém, nhưng triển vọng của ngành được dự báo sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu “vua”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace nhận định, những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ngân hàng vừa mới đi qua một cơn sóng tăng khoảng hơn 10%. Tuy nhiên, mức tăng này còn khiêm tốn so với giai đoạn 2020 - 2022 hay “thời hoàng kim” những năm 2006 - 2007. Vì thế, dư địa tăng giá của nhóm cổ phiếu này vẫn rộng mở nếu tích lũy sớm.

Chẳng hạn, với cổ phiếu BID của BIDV, trong năm 2024, tăng trưởng tín dụng ngân hàng này được kỳ vọng đạt 13,4% nhờ hoạt động kinh tế Việt Nam được dự báo khởi sắc hơn. Thêm vào đó, nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện và lợi thế từ nguồn vốn giá rẻ, ước tính NIM của BIDV trong năm nay đạt 2,93%. Dự phóng tỷ lệ nợ xấu năm 2024 của BIDV đạt 1,59% và chi phí trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu là 29.752 tỷ đồng, tăng 20%; ước tính lợi nhuận sau thuế BIDV năm nay là 25.522 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. Không những vậy, câu chuyện phát hành riêng lẻ của BIDV đang được xúc tiến - là một trong những yếu tố hấp dẫn với cổ phiếu BID.

MBBank cũng được kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cho giai đoạn 2023 - 2024 ở quanh mức 18%. NIM có thể tiếp tục cải thiện nhẹ trong thời gian tới. Dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 29.593 tỷ đồng, tăng 16%.

Hay như ACB (mã ACB), tăng trưởng tín dụng năm 2024 trong hạn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 15%. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp và sự hồi phục kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực hiện chiếm 24% tổng dư nợ cho vay của ACB, bên cạnh các khoản vay kinh doanh cho khách hàng bán lẻ.

Những cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt như Vietcombank được ưa thích vì hoàn tất xử lý nợ xấu sớm hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành; VietinBank đã đẩy mạnh trích lập dự phòng 2 năm qua, tốc độ tăng lợi nhuận được cho là sẽ có bước ngoặt vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025; còn với Sacombank (mã STB) là câu chuyện lạc quan xoay quanh tiến độ tái cơ cấu...

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh, Công ty Chứng khoán DNSE nhận định, trong năm 2024, cổ phiếu ngân hàng sẽ hút mạnh dòng tiền, qua đó hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán. Cùng góc nhìn, ông Trần Ngọc Báu, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành WiGroup cũng cho rằng, các cổ phiếu đóng góp lượng vốn hoá lớn như ngân hàng khi tạo sóng sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, đồng thời dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của các ngân hàng sẽ khả quan.

Động lực tăng trưởng đến NIM phục hồi nhờ sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi vay, nguồn thu ngoài lãi kỳ vọng sẽ cải thiện hơn, cả với mảng bảo hiểm. Điểm đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới mức 100%, thay vì luôn ở trên mức này như trước đây. Các ngân hàng cũng không còn nhiều “của để dành” để trích lập dự phòng cũng như ưu tiên hơn cho lợi nhuận khi chỉ số này có dấu hiệu sụt giảm. Dẫu vậy, nếu Thông tư 02/2023/TT-NHNN về tái cơ cấu nợ được gia hạn, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ góp phần giảm nhẹ gánh nặng nợ xấu, do đó kỳ vọng cổ phiếu “vua” sẽ bay cao trong năm 2024 là có cơ sở.

Theo TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tư vấn đầu tư Dragon Capital, do mặt bằng định giá thấp nên nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng hơn so với các ngành khác đã tăng trước đó. Mặt khác, năm 2024, khi tín dụng tăng cao trở lại, lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ cải thiện hơn.

“Hai yếu tố sẽ dẫn dắt xu hướng biến động của cổ phiếu ngân hàng là dòng tiền của khối ngoại và kết quả kinh doanh của ngân hàng. Nếu đạt được 2 yếu tố này, thị giá cổ phiếu ‘vua’ sẽ tăng ổn định trong năm nay vì mặt bằng giá đang thấp so với thị trường chung”, ông Tuấn phân tích.

Tin bài liên quan