Lượng tiền đầu tư chực chờ có khả năng hấp thu tốt áp lực margin

Lượng tiền đầu tư chực chờ có khả năng hấp thu tốt áp lực margin

Cởi “ách” margin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nỗi lo công ty chứng khoán siết cho vay giao dịch ký quỹ (margin) nhanh chóng tan biến khi lực mua vào bằng tiền mặt gia tăng, đưa VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.420 điểm một cách “nhẹ tênh”.

Lực cầu từ rổ VN30

Trong tuần qua, VN-Index có phiên thứ Tư (27/10) bùng nổ, đóng cửa tại 1.423 điểm, lập đỉnh lịch sử mới. Đồng loạt các cổ phiếu trong VN30 có giá và thanh khoản gia tăng, giúp giá trị giao dịch vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Nhờ phiên giao dịch này, các phiên sau đó, tâm lý e ngại về những “cú đạp” khi thông tin margin “căng cứng” lan truyền trên thị trường đã được giải tỏa.

Với lực cầu mạnh ở các mã trong VN30, đồng nghĩa dòng tiền lớn tăng mua cho thấy cơ sở đi lên của thị trường khá vững chắc, nhất là khi nhóm ngân hàng trước đó đã có đợt giảm giá khá sâu.

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, lượng vay margin hiện tại tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn. Nền tảng cơ bản và thanh khoản ở nhóm này tốt nên việc xử lý dư nợ margin ít rủi ro. Giai đoạn hiện nay khác biệt giai đoạn 2016 - 2017 trở về trước khi lượng vay margin có một phần không nhỏ nằm trong các mã đầu cơ, lên xuống bất thường, tiềm ẩn rủi ro mất thanh khoản mỗi khi có hoạt động cắt giảm margin của công ty chứng khoán.

Năm 2021, nhu cầu về margin rất lớn, một số công ty chứng khoán bị quá tải trước sự bùng nổ về số lượng tham gia của nhà đầu tư. Tuy nhiên, dư nợ cho vay margin cao không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc chỉ số chứng khoán tạo đỉnh và đối diện với nguy cơ điều chỉnh, bởi nguồn tiền mới của các nhà đầu tư liên tiếp chảy vào thị trường.

Ông Minh cho rằng, nhà đầu tư lo ngại về dư nợ margin cao là có cơ sở, nhưng chưa đủ để kết luận đây là ẩn số đáng e ngại trong bối cảnh lãi suất thấp. Việc cắt giảm margin (nếu có) thường chỉ chiếm lượng nhỏ và không đồng bộ giữa các công ty chứng khoán. Vì vậy, tác động của việc cắt giảm này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chung. Nhu cầu đầu tư chứng khoán đến từ nhà đầu tư trong nước rất lớn nên mỗi khi thị trường chỉnh càng thu hút được thêm lực cầu và giúp chỉ số chứng khoán chinh phục các đỉnh cao mới

Thị trường tuần qua có 2 thái cực cảm xúc rõ ràng. Đầu tuần, với sự cảnh báo từ các môi giới về khả năng “siết” margin cuối tháng 10, sau đó sẽ mở lại từ đầu tháng 11, nên tâm lý chung của nhà đầu tư là e dè, nhưng cũng sẵn sàng chờ đón cơ hội nếu các phiên rung lắc mạnh xuất hiện. Nhờ phiên giao dịch bùng nổ ngày 27/10, đưa VN-Index vượt đỉnh thuyết phục, nên nửa cuối tuần, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư được gỡ bỏ, giúp chỉ số tiếp tục tăng điểm.

Các nhà đầu tư “lên tàu” trong tuần qua được cho là sẽ có lợi thế, vì tuần này dự kiến các công ty chứng khoán mở lại margin nên thị trường dễ có sự bùng nổ theo đà. Đó là chưa kể, thông tin trên thị trường cho biết, một số công ty chứng khoán sẽ đưa ra các gói margin với lãi suất ưu đãi.

Các nhà đầu tư mới, với đặc tính giao dịch nhiều, tốc độ luân chuyển vốn nhanh, cộng thêm chất lượng môi giới có sự cải thiện nên việc nắm bắt thông tin, bám sát diễn biến thị trường giúp họ không còn bỡ ngỡ trong những phiên cắt giảm margin của công ty chứng khoán. Đặc biệt, lượng “tiền tươi” của các nhà đầu tư mới ngày càng gia tăng, cân đối hơn với dòng tiền margin so với giai đoạn trước, giúp thị trường nhanh chóng hồi phục sau khi rung lắc.

Rủi ro margin không đáng kể

Thống kê báo cáo tài chính quý III/2021 của hơn 70 công ty chứng khoán cho thấy, tính đến 30/9/2021, tổng dư nợ đạt trên 154.000 tỷ đồng (chủ yếu là dư nợ cho vay margin, phần nhỏ là tạm ứng), tăng hơn 14.000 tỷ đồng, tương ứng tăng khoảng 10% so với cuối quý II và tăng 63.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 68% so với cuối năm 2020. Đây là mức dư nợ cao kỷ lục trong lịch sử của thị trường.

Trong khi đó, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của hơn 70 công ty chứng khoán tính đến 30/9/2021 là 111.199 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cuối năm 2020 (tăng khoảng 92.216 tỷ đồng). Với tổng vốn chủ sở hữu này, các công ty chứng khoán có khả năng cho vay hơn 222.000 tỷ đồng, cho thấy dư địa cho vay vẫn còn trên 68.100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán (lượng tiền mặt nằm sẵn trong tài khoản chứng khoán) có tốc độ tăng không kém, đạt khoảng 92.000 tỷ đồng, tăng 6.000 tỷ đồng sau 1 quý, cũng là mức cao lịch sử.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, số lượng mở tài khoản mới bùng nổ trong 9 tháng đầu năm 2021, đạt gần 1 triệu, gấp gần 3 lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020. Riêng tháng 9/2021, số lượng tài khoản mở mới duy trì ở mức cao, hơn 114.000 tài khoản. Đây là tháng có số lượng mở tài khoản cao thứ 3 trong lịch sử.

Dư địa margin vẫn còn, tiền mặt của nhà đầu tư nhiều, vậy tại sao lại có hiện tượng “căng” margin? Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam lý giải, nhiều công ty chứng khoán cho vay theo “thương vụ lớn” (deal) nên “ngốn” margin.

Ngoài ra, quy mô thị trường gấp 5 lần giai đoạn trước, trong khi tốc độ tăng nguồn vốn kể cả phát hành trái phiếu, vay ngân hàng... để cho vay của các công ty chứng khoán chỉ tăng 2 - 3 lần, nên đáp ứng không kịp và không đủ cho nhu cầu toàn thị trường.

Theo ông Phương, ước tính lượng margin trung bình trên thị trường trên dưới 140.000 tỷ đồng, tuỳ vào từng thời điểm, tỷ lệ cho vay từ 100 - 150% vốn chủ sở hữu công ty chứng khoán (mức được phép là 200%), nên rủi ro margin đối với toàn thị trường là không đáng kể.

Với số dư tiền gửi của nhà đầu tư nằm tại các công ty chứng khoán kể trên, ông Phương đánh giá, dư sức “cân” các khoản bị bán giải chấp (nếu có) trên thị trường.

Thực tế, động thái hạ margin để tăng cường quản trị rủi ro của công ty chứng khoán xảy ra khá thường xuyên từ năm 2020 đến nay, vì lượng nhà đầu tư gia nhập quá lớn, dẫn đến nhu cầu margin tăng mạnh so với tốc độ tăng khả năng đáp ứng của một số công ty. Thị trường có những phiên điều chỉnh vì yếu tố hạ margin, nhưng qua đi rất nhanh.

Vận động tự nhiên trên thị trường luôn có 3 dòng tiền dung hoà lẫn nhau là tiền mặt của nhà đầu tư, dòng tiền margin từ công ty chứng khoán và dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại có động thái bán ròng kéo dài, nhưng thị trường không giảm điểm, nhờ có lượng tiền mặt dồi dào của nhà đầu tư trong nước “cân hết”.

Điều này khác hẳn vài năm trước đó, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân bị “lép vế” nên động thái bán ra của khối ngoại, hay tăng áp lực cung từ việc xử lý margin của công ty chứng khoán có tác động lớn đến thị trường, thậm chí tạo ra tình huống bán tháo diện rộng, chỉ số giảm sâu.

Theo tính toán của ông Minh, tỷ trọng vay margin so với giá trị vốn hóa trên 3 sàn chứng khoán tính đến cuối quý III/2021 ở mức 1,9%, tăng so mức 1,7% cuối quý II/2021 và mức 1,2% cuối năm 2020. Đây là tình trạng bình thường do nhóm nhà đầu tư cá nhân tham gia mạnh mẽ và quy mô thị trường tăng lên.

Nhiều công ty chứng khoán cho vay theo “thương vụ lớn” nên “ngốn” margin. Tổng dư nợ margin hiện tại được đánh giá là bình thường, rủi ro thấp.

Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội chi nhánh TP.HCM cho hay, tổng dư nợ của các công ty chứng khoán đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD. Với tổng giá trị vốn hóa 3 sàn giao dịch hiện nay là 317 tỷ USD, tổng dư nợ margin chiếm khoảng 2,2% vốn hóa toàn thị trường và khoảng 7% vốn hóa tính trên lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-fload).

Tỷ lệ dư nợ margin so với vốn hóa toàn thị trường hiện cao hơn so với mức bình quân 2% những năm trước đó, nhưng lượng tiền đầu tư chực chờ có khả năng hấp thu tốt áp lực margin.

Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng hàng hóa trên thị trường được cải thiện nên số lượng mã chứng khoán được cấp margin mở rộng hơn. Vì vậy, margin gây ra áp lực đối với thị trường và tâm lý nhà đầu tư, nhưng chủ yếu diễn ra ở một số mã tăng nóng, chứ chưa ảnh hưởng nhiều đến tổng thể, xu hướng chung của thị trường.

Nhìn chung, margin là một yếu tố tác động đến quan hệ cung cầu trong ngắn hạn trên thị trường chứng khoán, nhưng không phải là một ẩn số đáng lo ngại.

Tin bài liên quan