Còn nhiều dư địa để giảm thanh toán bằng tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai”, minh họa cho vấn đề Việt Nam sở hữu dư địa tăng trưởng của nền kinh tế thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), bà Winnie Wong, Giám đốc vùng của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhận định, người tiêu dùng Việt Nam đón nhận tích cực tài chính số.

Bà Winnie Wong đã minh chứng qua các con số: có 94% người tiêu dùng tăng cường sử dụng ít nhất 1 thanh toán số trong năm qua. Trong 1 năm qua, có 54% người dân đã dùng mã QR để thanh toán, 76% người dân đã dùng công nghệ xác thực bằng sinh trắc học cho ít nhất 1 thanh toán; 89% người dân người dân liên kết tài khoản ngân hàng với các nền tảng khác để thanh toán hóa đơn.

Khi tỷ lệ chấp nhận TTKDTM tăng lên, nhu cầu của người tiêu dùng về trải nghiệm thanh toán toàn diện cũng tăng theo. Ngoài sự đa dạng trong việc lựa chọn phương thức thanh toán, nghiên cứu của RFI Global phối hợp thực hiện với Mastercard còn nhấn mạnh tầm quan trọng của trải nghiệm kỹ thuật số đối với người tiêu dùng.

“Đây là khía cạnh chủ chốt thúc đẩy quyết định lựa chọn ngân hàng của người tiêu dùng, được đánh giá bởi khả năng quản lý các biện pháp bảo mật thanh toán, tài chính cá nhân hoặc thực hiện các giao dịch giữa người với người một cách nhanh chóng, dễ dàng và an toàn”, bà Winnie Wong nói.

Bà Winnie Wong, Giám đốc vùng của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào phát biểu tại sự kiện

Bà Winnie Wong, Giám đốc vùng của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào phát biểu tại sự kiện

Tuy nhiên, bà Winnie Wong nhận định, tại Việt Nam vẫn còn sự phụ thuộc nhất định vào tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày và với những đơn hàng có giá trị thấp, cả khi mua trực tuyến (46%) và tại cửa hàng (59%), đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. Một bộ phận lớn dân số vẫn chưa sử dụng dịch ngân hàng và thiếu kiến thức để chuyển đổi sang các phương thức TTKDTM như thẻ và các công cụ kỹ thuật số khác.

“Sự thiếu niềm tin vào các hệ thống này càng lớn hơn do cơ sở hạ tầng tài chính và kỹ thuật số ở khu vực nông thôn thường không đầy đủ, đóng vai trò là rào cản lớn đối với việc áp dụng và tiếp cận rộng rãi thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số”, bà Winnie Wong nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, chúng ta rất nhiều dư địa phát triển TTKDTM nói chung. Hiện nay, vẫn còn 10-11%, trong khi Chính phủ yêu cầu dưới 10%. Đây là chỉ tiêu quan trọng phấn đấu trong thời gian tới. Theo số liệu, năm 2022, thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch cá nhân của Việt Nam vẫn chiếm đến 47%, tương đương Indonesia. Rõ ràng, còn nhiều dư địa để giảm thanh toán bằng tiền mặt xuống bằng Malaysia, Ấn Độ (30%).

“Năm nay có 3 luật quan trọng Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua đều được chúng tôi tư vấn TTKDTM trong các giao dịch khi 3 luật này thực thi”, ông Lực tiết lộ.

Bà Winnie Wong cho rằng, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin để người dùng yên tâm áp dụng TTKDTM. Hoạt động giáo dục người tiêu dùng là rất cần thiết, giúp phổ cập những lợi ích của TTKDTM như sự tiện lợi và linh hoạt, khả năng bảo vệ người tiêu dùng trước rủi ro và lừa đảo. Đồng thời, tận dụng chuyên môn toàn cầu và công nghệ tiên tiến để cải thiện cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số, bao gồm cả khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam.

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đồng quan điểm và cho biết thêm, nhiệm vụ của truyền thông là làm người dân hiểu được cách bảo vệ tay hòm chìa khóa của mình. Thời gian, mục tiêu truyền thông đối với giáo dục tài chính vẫn là giới trẻ, từ tiểu học đến sinh viên. Đồng thời, hướng tới đồng bào vùng sâu vùng xa… để có kiến thức tài chính, giảm thiểu rủi ro khi dùng dịch vụ tài chính. Phối hợp với các trường đại học, hiệp hội ngành nghề, báo chí để truyền thông…

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao đổi tại sự kiện

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao đổi tại sự kiện

Bà Winnie Wong nhận định: “Không thể phủ nhận Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành nền kinh tế không tiền mặt trong tương lai gần”.

Với TTKDTM phát triển mạnh trong khu vực, các nhà phân tích dự đoán rằng, Việt Nam sẽ dẫn đầu về khối lượng giao dịch thanh toán giữa các thị trường Đông Nam Á. Khi tổng khối lượng thanh toán trên khắp Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 86%, đạt 54 nghìn tỷ USD vào năm 2027, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng 152% để đạt 21,5 nghìn tỷ USD, vượt qua cả mức 18,3 nghìn tỷ USD của Indonesia.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, về góc độ chính sách sẽ sớm kiến nghị Chính phủ phê duyệt Nghị định 101 để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường thẻ phát triển, hỗ trợ TTKDTM.

Tin bài liên quan