Với các doanh nghiệp bảo hiểm, việc gia tăng năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ là rất quan trọng

Với các doanh nghiệp bảo hiểm, việc gia tăng năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ là rất quan trọng

Chuyện tăng vốn của doanh nghiệp bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tăng vốn điều lệ sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm gia tăng năng lực tài chính cũng như sức cạnh trên thị trường, thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng thực hiện…

Người chật vật, kẻ thảnh thơi

Hội đồng quản trị Bảo hiểm Bưu điện - PTI (mã chứng khoán PTI) dự định tiếp tục tăng vốn thêm 50% từ 1.206 tỷ đồng lên 1.809 tỷ đồng trong năm nay, sau khi vừa tăng thêm 402 tỷ đồng vốn từ phát hành thêm 40,2 triệu cổ phiếu vào cuối tháng 2/2025 (tăng vốn điều lệ từ mức 804 tỷ đồng lên 1.206 tỷ đồng), nhưng bị cổ đông chiến lược nước ngoài Hàn Quốc DB Insurance (nắm 37% vốn PTI) phủ quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên diễn ra cuối tháng 4 vừa qua.

Cần nói rõ thêm rằng, tại ĐHCĐ năm 2022 và 2024, DB Insurance đều phủ quyết các kế hoạch tăng vốn, cho dù Ban lãnh đạo PTI nhấn mạnh việc tăng vốn điều lệ là một đòi hỏi cấp thiết nhằm tăng năng lực tài chính trong hoạt động bảo hiểm, mở rộng hoạt động đầu tư tài chính, tăng sức cạnh tranh, phục vụ mục tiêu dài hạn…

Không chỉ nội dung tăng vốn, các cổ đông cũng không đồng thuận với nhiều nội dung khác như chính sách thưởng cho Ban điều hành, kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng cũng như phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Cụ thể, phương án chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 0% chỉ nhận được 54,57% số phiếu tán thành; phương án chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% còn nhận được tỷ lệ tán thành thấp hơn với 45,43%; phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng chỉ có 54,57% số phiếu tán thành; phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu đạt 59,24% phiếu thuận, nhưng chưa đủ tỷ lệ theo quy định.

Những năm gần đây, các đợt lấy ý kiến cổ đông của PTI thông qua các nội dung họp theo chương trình nghị sự với tỷ lệ biểu quyết tán thành khá thấp cho thấy sự thiếu đồng thuận từ các nhóm cổ đông. Điều này khác với trước đây, thời còn cổ đông nhà nước VNPost nắm quyền chi phối.

Sau khi VNPost thoái vốn, PTI trở thành công ty cổ phần bảo hiểm tư nhân với nhóm cổ đông lớn đều là các định chế tài chính như Công ty Quản lý quỹ IPAAM, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, DB Insurance và Công ty Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare).

Với Công ty cổ phần PVI (mã chứng khoán PVI), tăng vốn cũng là vấn đề được cổ đông quan tâm bởi từ nhiều năm nay, PVI luôn dùng gần hết lợi nhuận sau thuế để chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, thay vì giữ lại để tăng vốn.

Ông Nguyễn Tuấn Tú - Tổng giám đốc PVI cho biết, việc không tăng vốn không ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực hoạt động của Công ty, bởi đây là quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng và nhận được sự đồng thuận từ các cổ đông.

Ngoài ra, thành viên chủ lực của PVI là Bảo hiểm PVI (do PVI nắm 100% vốn) liên tục tăng vốn, giúp tăng năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế trên thị trường. Được biết, trong năm 2024, Bảo hiểm PVI đã 2 lần thực hiện tăng vốn và nâng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 3.900 tỷ đồng - dẫn đầu về quy mô vốn trong khối bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam hiện nay.

“Dẫu vậy, Ban lãnh đạo PVI cũng không loại trừ khả năng xem xét chia cổ tức bằng cổ phiếu trong tương lai để tăng vốn điều lệ, tùy thuộc vào tình hình thực tế từng giai đoạn. Tuy nhiên, năm 2025, phương án này tạm thời chưa được triển khai”, ông Tú nói.

Tại Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã chứng khoán MIG), thay vì chi trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10% bằng tiền mặt như năm ngoái, năm nay, MIC dự kiến chi trả cổ tức năm 2024 cũng với tỷ lệ 10%, nhưng 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu. Với phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, MIC sẽ phát hành thêm hơn 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nguồn vốn lấy trên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời gian dự kiến phát hành vào quý II-III năm nay.

Trong năm 2024, MIC đã hoàn tất tăng vốn điều lệ thêm 259 tỷ đồng (thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu) và tăng thêm 28,6 tỷ đồng (thông qua phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên), qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 2.000 tỷ đồng.

Một trường hợp khác, ngày 14/2/2025, Bảo hiểm OPES chính thức được Bộ Tài chính phê duyệt tăng vốn điều lệ từ 1.265 tỷ đồng lên 1.900 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 1 năm, vốn điều lệ của OPES đã tăng gần 4 lần, lọt top 4 công ty có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

Tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh

Theo quy định mới của Bộ Tài chính (dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2028), các doanh nghiệp bảo hiểm phải thay đổi cách tính vốn chủ sở hữu dựa trên cơ sở rủi ro. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp phép trước ngày 1/1/2023: Trước ngày 1/1/2028, vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định quy định tại Điều 10 - Nghị định 73/2016/NĐ-CP; từ ngày 1/1/2028, vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ tối thiểu theo quy định tại Điều 35 - Nghị định 46/2023/NĐ-CP.

Để đáp ứng quy định mới, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã lên kế hoạch tăng vốn trong những năm qua, nhất là những doanh nghiệp có năng lực về vốn còn thấp. Mặc dù vậy, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng thành công.

Tại PTI, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, Công ty đang bị đánh giá triển vọng ở mức tiêu cực (negative outlook) bởi AM Best do năng lực vốn hạn chế. Hiện vốn điều lệ của PTI đang xếp thứ 11/13 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết, trong khi doanh thu phí bảo hiểm (bảo hiểm phi nhân thọ) đứng thứ 4 toàn ngành, chỉ sau PVI, Bảo Việt và Bảo Minh.

Bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI cho hay, các dự án bảo hiểm tài sản, đặc biệt là các dự án đầu tư công, đòi hỏi số tiền bảo hiểm lớn, đặt ra yêu cầu tăng quy mô vốn cho PTI. Tuy nhiên, việc tăng vốn cần sự đồng thuận của các cổ đông và hiện tại, cổ đông nước ngoài chưa ủng hộ việc này.

Thực tế, vốn điều lệ lớn sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong hoạt động đấu thầu các gói bảo hiểm quy mô lớn. Đơn cử, nhờ năng lực vốn lớn, MIC và Bảo hiểm PVI thường “chắc chân” trong các liên danh bảo hiểm cho các công trình trọng điểm quốc gia như Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang (liên danh bảo hiểm gồm Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm BIDV - BIC, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)) với tổng mức trách nhiệm bảo hiểm lên đến 714 triệu USD. Mới nhất, giữa tháng 4/2025, MIC cùng Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt đã ký kết hợp tác triển khai chương trình bảo hiểm toàn diện cho Tổng công ty Trực thăng Việt Nam với tổng giá trị 135 triệu USD…

Điều 35 - Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định, đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng. Cụ thể, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh, vốn điều lệ tối thiểu 450 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh, vốn điều lệ tối thiểu 500 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng.

Theo quy định cũ Điều 10 - Nghị định 73/2016/NĐ-CP :

1. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c khoản này) và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng.

b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Điểm a khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng.

c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng.

2. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng.

Tin bài liên quan