Còn vùng lõi nghèo, Chính phủ đề nghị tiếp tục Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn vốn thực hiện 75.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trong phiên làm việc chiều 23/7

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trong phiên làm việc chiều 23/7

Báo cáo trước Quốc hội trong phiên làm việc chiều 23/7, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đồi tượng, địa bàn áp dụng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, chú trọng địa bàn còn nhiều khó khăn.

Có 5 lý do Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục Chương trình này, trong đó có các yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 hay nội dung của Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030...

Trong đó, theo Tờ trình của Chính phủ, có một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội cấp bách cần đầu tư công của quốc gia để giải quyết.

“Còn một số vấn đề mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chưa thực hiện xong. Cụ thể nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn”, Bộ trưởng báo cáo với Quốc hội. Các địa phương này được gọi là vùng “lõi nghèo”, như huyện Mường Nhé (Điện Biên) là 59,97%, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) là 51,74%, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là 42,21%, huyện Đồng Văn (Hà Giang) là 41,96%.

Bộ trưởng cho biết, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, có sinh kế, thu nhập không bền vững, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận và cạnh tranh trên thị trường lao động, việc làm.

Vì vậy, hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở, giảm nghèo về thông tin, cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo còn hạn chế.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ trình là 75.000 tỷ đồng. Mức này đã được giảm từ 90.2560 tỷ đồng theo dự toán trước đó. Trong đó, ngân sách Trung ương 48.000 tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu: 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 28.000 tỷ đồng); ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng (vốn đầu tư: 2.200 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 10.490 tỷ đồng). Số còn lại 14.310 tỷ đồng huy động từ các nguồn khác.

“Chính phủ đã có giải pháp huy động các nguồn lực khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình hiệu quả”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo với Quốc hội.

Ủy ban Xã hội đã thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình này của Chính phủ và đồng tình với kiến bố trí 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Trung uơng.

Nhưng Ủy ban Xã hội cùng đề nghị Chính phủ đối với nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, cần khẩn trương rà soát không sử dụng vốn của Chương trình để chi các hoạt động có tính chất chi thường xuyên thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc chế độ, chính sách cho đối tượng đã được quy định tại pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún; phải đúng, phải trúng các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

“Bảo đảm tính khả thi của việc bố trí vốn ngân sách trung ương trong năm 2021 cho Chương trình là 7.000 tỷ đồng để tránh gián đoạn, giảm hiệu quả thực hiện Chương trình. Cân nhắc việc bố trí tỷ trọng vốn lớn vào năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn”, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội báo cáo thẩm tra trước Quốc hội.

Về việc huy động ngân sách địa phương, Ủy ban Xã hội cho rằng, không nên huy động quá lớn khi hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn thu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Mặc dù đồng ý trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhưng Ủy ban vẫn lo ngại về sự trùng lặp của Chương trình với các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Xã hội thấy một số dự án, tiểu dự án của 3 chương trình mục tiêu quốc gia có sự trùng lặp về nội dung thực hiện tại cùng địa bàn nông thôn do, chưa làm rõ chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa nội dung hỗ trợ, đầu tư.

Việc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không đầu tư tại địa bàn đầu tư của Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững có thể làm cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, các xã thuộc huyện nghèo khó đạt chuẩn nông thôn mới và mâu thuẫn với mục tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhưng nếu tách bạch nội dung chương trình nào dùng vốn chương trình đó và một địa bàn chỉ đầu tư một chương trình sẽ dẫn đến một số nội dung đầu tư manh mún, nhỏ giọt không bảo đảm tính bền vững, kém hiệu quả, chậm đạt mục tiêu.

Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì 3 Chương trình phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động trùng lặp hoặc bỏ sót để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Một số chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giải đoạn 2021-2025

+ Phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

+ Hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500 nghìn hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.

+ Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp...

Tin bài liên quan