Công bố PAPI 2020 và PCI 2020: Gọi tên những điểm yếu nhất, nhạy cảm nhất

0:00 / 0:00
0:00
Chạm vào những điểm yếu nhất, nhạy cảm nhất của chính quyền địa phương cũng là cách người dân, doanh nghiệp kỳ vọng vào những nỗ lực cải cách tiếp theo.
Các tiêu chí thủ tục hành chính công vẫn là điểm yếu mà nhiều địa phương cần cải thiện. Ảnh: Đức Thanh

Các tiêu chí thủ tục hành chính công vẫn là điểm yếu mà nhiều địa phương cần cải thiện. Ảnh: Đức Thanh

PAPI 2020: Cuộc đua với chính mình

Không dễ để nhìn ra ngay thứ hạng nhất bét của các địa phương trên bảng Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 vừa được công bố trong tuần. Bù lại, các địa phương sẽ thấy ngay điểm số của toàn bộ 8 chỉ số thành phần của mình và các địa phương khác. Đây là chủ ý của nhóm nghiên cứu PAPI ngay từ khi bắt đầu và họ không có dự định thay đổi.

“Các cuộc thi sắc đẹp chỉ có 3 vòng đo và một vài câu hỏi. PAPI có hơn 120 chỉ số và hơn 14.000 người dân tham gia trả lời. Chúng tôi thực sự mong muốn các tỉnh nhìn sâu vào các chỉ số này, thay vì chủ nghĩa thành tích”, ông Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, thành viên Nhóm nghiên cứu PAPI chia sẻ với truyền thông khi được hỏi về vấn đề này.

Với góc nhìn này, tham nhũng, chủ nghĩa thân quen, trách nhiệm giải trình với người dân, không minh bạch trong thông tin, đặc biệt là thông tin về đất đai là điều mà ông Giang cho là điểm yếu nhất, nhạy cảm nhất của các địa phương mà người dân vẫn đang thực sự lo ngại.

Quảng Ninh - địa phương đang có tổng điểm cao nhất PAPI 2020, Chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân cũng bị giảm và ở nhóm trung bình thấp, dù là địa phương trong nhóm dẫn đầu trong chỉ tiêu đo lường mức độ hiệu quả kiểm soát một số hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức.

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội và TP.HCM nằm trong nhóm có xếp hạng thấp nhất. Hà Nội bị chấm điểm thấp nhất ở các tiêu chí thủ tục hành chính công, quản trị môi trường. TP.HCM bị đánh giá thấp ở các tiêu chí tham gia của người dân ở cấp cơ sở, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, quản trị môi trường.

Đặc biệt, ông Giang nhấn mạnh đến sự thất vọng mang tên Đà Nẵng, khi sau nhiều năm ở nhóm phía trên, thành phố này đã rơi vào nhóm địa phương cho chỉ số tổng hợp PAPI trung bình thấp, khi có tới 5 chỉ số giảm, 2 chỉ số dậm chân tại chỗ so với năm 2019.

“Khi người dân chấm điểm, báo chí lên tiếng, chính quyền địa phương hẳn sẽ thấy sức ép thay đổi, vì nếu ở nhóm dưới cũng sẽ xấu hổ”, ông Giang phân tích.

PCI 2020: Thành tựu vẫn nằm ở việc dễ

Công bố sau PAPI 1 ngày, Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 đã làm dày thêm những kỳ vọng mà người dân, doanh nghiệp muốn gửi tới các chính quyền địa phương.

“Có 3 điểm tôi muốn nhấn mạnh khi nói đến PCI năm 2020. Một là, niềm tin kinh doanh giảm tới 10 điểm so với năm ngoái. Hai là, điểm số PCI gốc 2020 so với PCI gốc năm 2019 có sự giảm điểm. Ba là, khoảng cách điểm số PCI của các tỉnh cao nhất và thấp nhất ngày càng thu hẹp. Nguyên nhân do Covid-19, nhưng cũng cho thấy dấu hiệu chững lại trong nỗ lực cải cách của nhiều chính quyền địa phương”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Điều này đồng nghĩa, những thứ hạng cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2020, gồm Quảng Ninh - lần thứ tư đứng ngôi vị cao nhất, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng… dường như có thêm nhiều sức ép khi các địa phương nhóm dưới có sự bứt phá đáng kể.

Trong phân tích các chỉ số thành phần PCI 2020, thành tựu cải cách của các địa phương đứng đầu vẫn dừng ở những lĩnh vực dễ làm, như cải cách thủ tục hành chính, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính giảm mạnh, cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả hơn, thân thiện hơn. Tỷ lệ bị thanh tra, kiểm tra giảm đáng kể cũng là tin mừng của PCI 2020.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp chưa thấy an tâm với những tồn tại lớn vẫn nằm ở hiệu lực thực thi ở cấp sở, ngành và tính minh bạch. Tỷ lệ doanh nghiệp khó tiếp cận thông tin quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công, hay phải có quan hệ với cơ quan chính quyền để có thông tin về địa phương ở mức cao, trên 50% trong số hơn 10.000 doanh nghiệp tham gia điều tra.

Về bản chất, PCI là thước đo sự hài lòng của doanh nghiệp với sự vận hành, chất lượng hành động của chính quyền địa phương. Những điểm chưa đạt được của nhiều chính quyền địa phương trong góc nhìn của doanh nghiệp không chỉ là kỳ vọng, mà là đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền địa phương trong nhiệm kỳ này.

Kỳ vọng những cải cách đẳng cấp hơn

Như thông lệ, Nhóm nghiên cứu PCI thường chọn một bức tranh làm thông điệp cho mỗi lần công bố. Lần này, bức tranh cầu thang được nhóm nghiên cứu đưa ra với hàm ý các nỗ lực cải cách phải được tiến hành liên tục, không chỉ đi xa hơn, mà phải là cao hơn.

Ngay trước thềm công bố PCI 2020, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), đại diện Nhóm nghiên cứu PCI cũng đã nhắc đến con số 11 trong 14 thành viên trong danh sách tân thành viên Chính phủ vừa được kiện toàn từng nắm trọng trách ở cấp địa phương. Thông điệp chính sách tất nhiên không chỉ dừng lại ở cấp địa phương.

Đây cũng là lý do ông Vũ Tiến Lộc nhắc đến trọng trách của nhiệm kỳ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

“PCI 5 năm qua đã cho thấy nỗ lực rất lớn của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2020, nhưng công việc rõ ràng còn rất nhiều và nặng nề khi mục tiêu 5 năm, 10 năm tới là rất cao. Hành động ngay và quyết liệt là điều mà người dân, doanh nghiệp đang thực sự kỳ vọng vào Chính phủ, chính quyền địa phương vào lúc này”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

8 chỉ số thành phần của PAPI:

Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.

10 chỉ số thành phần của PCI:

Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý.

Tin bài liên quan