Cộng hưởng “trend” dầu khí, cổ phiếu BSR “hút” khách

Cộng hưởng “trend” dầu khí, cổ phiếu BSR “hút” khách

(ĐTCK) Sau thành công của buổi roadshow tổ chức tại TP. HCM, ngày 5/1 tới, Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phần BSR tại Hà Nội sẽ tiếp tục được tổ chức, dự kiến thu hút hơn 300 nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham dự.

Khảo sát sơ bộ tại một số CTCK là đại lý đấu giá cổ phần BSR cho thấy, đã có hàng nghìn lượt cổ đông lẻ và tập thể đăng ký mua cổ phần BSR tại các điểm đăng ký đấu giá tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…

Theo lịch, ngày 9/1/2018 là thời điểm kết thúc đăng ký và đặt cọc mua cổ phần BSR.

Theo kế hoạch, ngày 17/1/2018 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), BSR sẽ bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO) 7,79% vốn điều lệ, tương đương 242 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu. Lần IPO này sẽ thu về cho Nhà nước khoảng 4 nghìn tỷ đồng. BSR kỳ vọng năm 2018 sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược 49%, thu về cho Nhà nước gần 1 tỷ USD.

Với phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, BSR có vốn điều lệ hơn 31 nghìn tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 43% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp chiếm 0,21% vốn điều lệ; 241 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược chiếm 49% vốn điều lệ.  Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ theo quy định.

Trước đó, roadshow tổ chức ở Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ngày 20/12/2017 đã thu hút sự tham gia của gần 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng Vietbank đánh giá: “Với tỷ số lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ 14% năm 2014 lên hơn 21% năm 2017, cùng chỉ số thanh toán ngắn hạn tức thời với tỷ lệ 0,7/1 (2014) xuống 0,9/1 (2016) - tức là BSR đủ tiền mặt để trang trải các chi phí, cùng đó là các tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn đều ở mức thanh khoản cao. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của cổ phiếu BSR đối với các nhà đầu tư”.

Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, từ phân tích các chỉ số về hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiềm năng phát triển của BSR trong tương lai cùng các chỉ số phân tích tài chính khác thì giá 14.600 đồng/cổ phần là tương đối thấp. Theo đánh giá của chuyên gia này, giá hợp lý dao động trong khoảng 23.000 đồng - 25.000 đồng/cổ phần.

Còn ông Trần Thăng Long, Giám đốc Bộ phận Phân tích Công ty chứng khoán BSC cho biết, theo phương pháp so sánh P/E, giá hợp lý của cổ phiếu BSR là 14.822 đồng/CP; Còn theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, giá hợp lý của cổ phiếu là 16.260 đồng/CP.

Việc chọn giá khởi điểm phù hợp cho các đợt IPO, theo phân tích của giới chuyên gia chứng khoán, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thành công của đợt chào bán. Nếu chọn mức giá quá cao so với giá trị doanh nghiệp như trường hợp của Becamex IDC hay TCT Sông Đà gần đây, đợt đấu giá bom tấn đã trở thành “bom xịt”, doanh nghiệp ế hơn 90% lượng cổ phần chào bán.

Với trường hợp của Lọc hóa dầu Bình Sơn, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mức giá khởi điểm 14.600 đồng sẽ khuyến khích, tạo lực hút lớn với các nhà đầu tư, có tác động tích cực tới sự sôi động của thị trường chứng khoán  và tạo tác động lan tỏa tích cực cho các đợt IPO tiếp theo.

Giá khởi điểm như vậy nhưng giá trúng thầu là bao nhiêu còn phụ thuộc vào mức độ tham gia của các nhà đầu tư. Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc CTCK SHS cho biết, phải đợi đến khi có số lượng đăng ký mua cụ thể được công bố, mới có thể tính toán được mức giá hợp lý.

Thời gian qua thị trường đã chứng kiến nhiều phiên IPO rất thành công. Đơn cử,  khi Tổng công ty Viglacera thông báo đấu giá 120 triệu cổ phần hồi tháng 5/2016 với giá khởi điểm 12.300 đồng/cổ phần, đã có không ít cổ đông phản ứng vì cho rằng mức giá khởi điểm đó quá thấp so với mức giá các nhà đầu tư trúng đấu giá cổ phiếu Viglacera vào năm 2015 (12.100 đồng/cổ phần).  Nhưng nhờ có giá khởi điểm hợp lý, phiên đấu giá Viglacera đã thu hút hơn 1.000 nhà đầu tư tham gia, giá trúng thầu bình quân đạt 16.175 đồng/cổ phần.

Hơn 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác, là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược, trong đó có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%), gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi).

Bên cạnh đó, Tập đoàn Năng lượng Repsol (Tây Ban Nha), Tập đoàn PetroleumBrunei, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Indonesia (Pertamina), SRC (Singapore)… đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại BSR.

Đặc biệt, Tập đoàn Năng lượng Repsol mong muốn không chỉ sở hữu cổ phần tại BSR mà còn tham gia sâu hơn vào công tác quản trị, điều hành, thương mại, mua bán dầu thô,… của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất.

Các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Tập đoàn SK (Hàn Quốc), PTT - công ty dầu khí lớn nhất của Thái,và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Kuwait đã đánh tiếng mua cổ phần của NMLD Dung Quất.

Bên cạnh các đối tác nước ngoài, Tập đoàn Petrolimex cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của BSR, và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất.

Chiều ngày 28/12/2017, tại TP.HCM, Tập đoàn Vitol (Thụy Sĩ) đã có buổi làm việc để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư với Công ty BSR. Ông Wataru Ishiguro, Giám đốc Kinh doanh Dầu thô, giới thiệu các thế mạnh Vitol có thể hợp tác với BSR, đặc biệt là việc cung ứng các loại dầu thô cho NMLD Dung Quất và Tập đoàn Vitol cũng mong muốn hợp tác với BSR trong các lĩnh vực chế biến dầu khí.

Tin bài liên quan