Công ty chứng khoán yếu kém sắp bị giải thể

Công ty chứng khoán yếu kém sắp bị giải thể

Giấy phép thành lập công ty chứng khoán là thứ hàng hóa hết thời, không còn sức hấp dẫn. Ngày giải thể của những công ty chứng khoán yếu kém đang rất gần.

Công ty chứng khoán VnDirect đã phải tạm ngưng ký mới các hợp đồng giao dịch ký quỹ trong hai tháng theo quyết định của Ủy ban chứng khoán Nhà nướcdo những vi phạm liên quan đến giao dịch loại này.

 

VnDirect đã phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ đầu tư FNM Vietnam thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng, về bản chất công ty FNM không chỉ cung cấp dịch vụ ký quỹ, mà có thể cả bán khống nếu họ có kho hàng.

 

Các đợt thanh tra gần đây của Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã phát hiện ra vô số những cách lách luật tinh vi mà một số công ty chứng khoán tiến hành nhằm gia tăng doanh thu, thị phần.

 

Họ sẵn sàng cho vay ký quỹ đối với những cổ phiếu không nằm trong danh sách được hai Sở HNX và HOSE phê duyệt, nghĩa là những cổ phiếu không đủ tiêu chuẩn. Hoặc họ cho vay ký quỹ cao hơn tỷ lệ quy định. Họ biết những rủi ro có thể xảy ra, nhưng áp lực cạnh tranh để giữ và giành giật khách hàng đang ngày một gay gắt.

 

Giám đốc môi giới khách hàng cá nhân của một công ty cho biết: “Chúng tôi vẫn biết bán khống là trái quy định, nhưng nếu không làm thì khách hàng bỏ đi. Khách hàng thậm chí còn nói các công ty X, Y, Z... làm thế, sao các anh không làm?”.

 

Chưa bao giờ thị trường giảm sâu và kéo dài như vậy, và cũng chưa bao giờ các công ty chứng khoán khó khăn đến vậy. Một số công ty đã sử dụng cả tiền, cổ phiếu của nhà đầu tư trong tài khoản và đến khi bị phát hiện, họ đã không có cả cổ phiếu lẫn tiền để trả. Thực trạng này buộc cơ quan quản lý phải có biện pháp can thiệp rốt ráo để tránh những hệ lụy lan rộng ra cả thị trường.

 

Trước mắt những công ty vi phạm, ngoài việc phạt tiền, sẽ bị áp dụng các biện pháp như tạm dừng một số nghiệp vụ. Những công ty không đáp ứng được chi tiêu an toàn tài chính sẽ bị đặt ngay vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Sau bốn tháng kiểm soát đặc biệt mà không khắc phục được, công ty chứng khoán sẽ bị đình chỉ hoạt động.

 

Đình chỉ trong bao lâu là vấn đề được mổ xẻ trong hầu hết các cuộc họp của cơ quan quản lý với các công ty và bộ phận liên quan trong tuần qua. Đã có những ý kiến nên đình chì sáu tháng. Có quan điểm ủng hộ đình chỉ vĩnh viễn.

 

Nhiều khả năng sau thời gian kiểm soát đặc biệt, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ có thông báo chính thức ra công luận với nội dung chuẩn bị rút giấy phép hoạt động những công ty vi phạm, đề nghị họ tất toán tài khoản với nhà đầu tư và họp đại hội đồng cố đông để giải thể. Nhưng thông báo như trên sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

 

Hiện trạng bê bối của không ít công ty chứng khoán, về một mặt nào đó, đang tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh lộ trình tái cấu trúc khối này. Mùa công bố kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm chưa kết thúc, nhưng đã có hơn 40 trong tổng số 105 công ty chứng khoán có lợi nhuận âm quý III.

 

Một số đơn vị đã âm hơn nửa vốn chủ sở hữu. Có công ty doanh thu môi giới cả một quí chỉ đạt 60 triệu đồng. Trong số những công ty có lợi nhuận, khoảng một nửa có mức lời chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Chỉ cần chi phí dao động một chút, họ sẽ từ lời chuyển sang lỗ.

 

Tình hình bấp bênh ấy sẽ khó được cải thiện trong quý IV khi thị phần môi giới tập trung hơn vào 10 đơn vị đứng đầu. Những công ty xếp thứ hạng từ 50 trở xuống sẽ phải chật vật để tìm một cơ hội tồn tại trong các nghiệp vụ như tư vấn tài chính hoặc tự doanh.

 

Ngay cả một vài công ty vốn được đánh giá là mạnh, có lãi trong sáu tháng đầu năm, đã bất ngờ báo lỗ trong quý III do hoạt động tự doanh như Kim Long, SHS (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội), BSI (Công ty Chứng khoán BIDV). Thị trường đang ngày một khó “chơi” và nó có thể gặm nhấm vốn tự có của bất cứ doanh nghiệp nào. Những công ty thận trọng, dành vốn gửi ngân hàng và kết hợp với ngân hàng để cung cấp dịch vụ cầm cố cổ phiếu, cũng cảm thấy lợi nhuận teo tóp khi nhà đầu tư không còn mặn mà sử dụng tiền vay để đầu cơ.

 

Hiện nay nhiều công ty cứ hoạt động là lỗ vì chi phí cao hơn doanh thu và cách tốt nhất để bảo toàn vốn là tạm ngưng hoạt động, cắt giảm nhân viên và giảm lương người lao động còn lại. Điều đó chẳng khác nào đóng cửa không chính thức.

 

Họ chờ đợi gì? Thị trường phục hồi và cơ hội kinh doanh mới nảy sinh. Chuyển nhượng lại giấy phép cho đối tác có nhu cầu. Vế thứ hai tỏ ra hiện thực hơn bởi thời điểm thị trường con gấu kết thúc không thể dự đoán.

 

Nhưng tổ chức, cá nhân nào có thể mua giấy phép và kinh doanh công ty chứng khoán bây giờ? Giấy phép thành lập công ty chứng khoán là thứ hàng hóa hết thời, không còn sức hấp dẫn.

 

Nếu có thể đặt tên cho tình trạng công ty chứng khoán giai đoạn hiện hành, có thể chăng gọi nó là “dọn dẹp”? Để một cơ thể năng động, gọn nhẹ, dẻo dai, quá trình dọn dẹp sẽ làm mất đi một số bộ phận thừa không cần thiết. Ngày giải thể của những công ty chứng khoán yếu kém đang rất gần.