Công ty kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai (DLG) làm ăn ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Lilama 45.3 (mã chứng khoán L43) đã gửi đơn lên Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán DLG).
Lilama 45.3 thua lỗ gần 10 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Lilama 45.3 thua lỗ gần 10 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Nguyên nhân sâu xa của câu chuyện đi kiện này bởi DLG đang nợ Công ty Lilama 45.3 số tiền 31,4 tỷ đồng chưa thanh toán.

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên của Lilama 45.3, thì công ty này cũng có kết quả kinh doanh khá bi đát.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 của L43, trong nửa đầu năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 2,9 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm gần 10 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái và tăng gấp đôi so với báo cáo Công ty tự lập.

Nợ phải trả tính đến cuối tháng 6/2023 là 340 tỷ đồng, gấp 17 lần vốn chủ sở hữu 20,7 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân thua lỗ, theo ban lãnh đạo L43, do các hợp đồng thuộc dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM vẫn đang tạm ngừng thi công do thủ tục pháp lý về giải ngân vốn chưa được tháo gỡ. Trong quý II/2023, Công ty ký một hợp đồng xây lắp mới nhưng chưa triển khai thi công, nên doanh thu sụt giảm, trong khi các khoản chi phí không giảm, đặc biệt là chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Ngoài lỗ gấp đôi so với trước soát xét, trong báo cáo soát xét bán niên, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ.

Theo đó, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với các vấn đề không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán để khẳng định được tính chính xác của chi phí sản xuất dở dang của L43 tại thời điểm 30/6/2023 với số tiền là 161,842 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2023 là 161,096 tỷ đồng), cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đến các khoản mục khác có liên quan.

Ngoài ra, công ty kiểm toán cho biết, chưa thu thập được bằng chứng liên quan đến đánh giá của Ban Tổng giám đốc công ty về khả năng thu hồi vốn các khoản phải thu tồn đọng, quá hạn thanh toán tại ngày 30/6/2023 với tổng số tiền 84,7 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2023 là 84,6 tỷ đồng).

“Do đó, chúng tôi không thể xác định được những điều chỉnh cần thiết (nếu có) đối với báo cáo tài chính cho kỳ kế toán từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/6/2023 của Công ty”, kiểm toán nhấn mạnh.

Giải trình về ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, Công ty cổ phần Lilama 45.3 cho biết, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của Công ty tại thời điểm 1/1/2023 với tổng số tiền là 161,096 tỷ đồng và tại thời điểm 30/6/2023 với tổng số tiền là 161,842 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của một số công trình: công trình Hangar A75, phát sinh khối lượng chưa được bù giá, chưa có phương án xử lý tài chính là 60,9 tỷ đồng; Công trình Gang thép Thái Nguyên, dự án đang vướng giữa chủ đầu tư và Tổng thầu MCC Trung Quốc nên Công ty chưa quyết toán được dự án, hàng năm vẫn phát sinh các khoản chi phí lương bảo vệ và các khoản chi phí khác, do vậy chi phí sản xuất kinh doanh dở dang còn treo 26,6 tỷ đồng; hai công trình nhiệt điện Thái Bình và thủy điện Đăkre đang chờ quyết toán còn treo 14,4 tỷ đồng; dự án chống ngập TP.HCM đang tạm ngừng thi công do chưa tháo gỡ được nguồn vốn nên chi phí sản xuất kinh doanh dở dang còn 59,7 tỷ đồng.

Công ty Lilama 45.3 cho biết, trong năm 2023, cố gắng phối hợp với chủ đầu tư tháo gỡ về vốn đẩy nhanh nghiệm thu lên phiếu giá kết chuyển doanh thu và công nợ phải thu, giảm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ.

Theo Lilama 45.3, tại thời điểm 30/6/2023, Công ty đang ghi nhận một số khoản thu quá hạn thanh toán với tổng giá trị lần lượt là 87,6 tỷ đồng và 84,7 tỷ đồng, khoản nợ phải thu quá hạn này bao gồm: Công ty Gang thép Thái Nguyên 34,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai 31,4 tỷ đồng. Công ty đã làm thủ tục kiện Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lên Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, hiện nay đang chờ các thủ tục để thi hành án. Ngoài ra, Tập đoàn Zephu Trung Quốc đang nợ dự án thủy điện Bắc Mê và thủy điện Đăk Pô Cô số tiền 3,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, L43 cho biết, do chủ đầu tư và một số khách hàng chưa kịp gửi đối chiếu công nợ tại ngày 31/12/2022 và tại ngày 30/6/2023 về cho Công ty trong thời gian kiểm tra và một số đơn vị cố tình không ký xác nhận công nợ để hạn chế việc kiện tụng, nên chưa thể cung cấp đầy đủ cho công ty kiểm toán.

Tin bài liên quan