Công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam có tổng giá trị thị trường gần 3 tỷ USD

Công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam có tổng giá trị thị trường gần 3 tỷ USD

(ĐTCK) Hàng tiêu dùng được xem là một trong hai lĩnh vực chủ chốt hình thành xương sống cho Masan Consumer nói riêng và Tập đoàn Masan nói chung, góp phần đưa Masan trở thành công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam.

 

Thị trường triển vọng

Thống kê của Euromonitor, Global Insight, Bain Analysis cho thấy, thị trường hàng tiêu dùng có triển vọng rất lớn tại Việt Nam, với tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020. Công ty Business Monitor International (BMI) dự báo trong Báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam quý I/2013, tốc độ tăng trưởng kép của tiêu thụ thực phẩm tại Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017 là 9,43%. Một yếu tố nữa thúc đẩy sự đầu tư ngày càng nhiều của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào ngành tiêu dùng nhanh là tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7,2% vào năm 2017, theo Economist Intelligence Unit tại Báo cáo Vietnam Country Report tháng 4/2013.

Đáng chú ý, theo Bain Analysis và Global Insights, tốc độ tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng ở Việt Nam luôn cao hơn các nước khác trong khu vực ASEAN, với con số tăng trưởng trung bình tích lũy khoảng 8% trong giai đoạn 2001 - 2011, trong khi của Malaysia là 7%, Indonesia là 6%, các nước còn lại là 4%.

Công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam có tổng giá trị thị trường gần 3 tỷ USD ảnh 1

Mức chi tiêu dùng hộ gia đình tại Việt Nam bằng 63% GDP

Cũng theo nghiên cứu của Bain và Global Insights, Việt Nam sẽ duy trì vị trí “không có đối thủ” trong khu vực ASEAN giai đoạn 2011 - 2020 về tốc độ phát triển chi tiêu tiêu dùng với mức 8%, vượt xa nhóm thứ nhì là Indonesia và Malaysia (5%) và các nước còn lại là 4%.

Xu hướng bùng nổ ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam được coi là tất yếu. Một thống kê của Ngân hàng Thế giới chỉ ra mức chi tiêu dùng hộ gia đình tại Việt Nam bằng 63% GDP của đất nước.

 

Masan thống trị thị trường hàng tiêu dùng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Masan là một trong những DN nắm thị phần chi phối trên thị trường hàng tiêu dùng nội địa. Masan đang củng cố những ngành hàng hiện tại bao gồm nước chấm, mì ăn liền, cà phê hòa tan và tiếp tục mở rộng thị phần.

Không dừng lại ở đó, mục tiêu của Masan là mở rộng danh mục sản phẩm và hướng tới dẫn đầu thị phần trong ngành hàng rộng hơn là gia vị, thực phẩm tiện lợi và đồ uống. Đồng thời, Masan Consumer tiếp tục tìm cơ hội trong những ngành hàng mới, có nhiều tiềm năng, tận dụng mạng lưới phân phối rộng lớn hiện có.

Một trong những nhân tố then chốt đóng vai trò quyết định đến vị thế đứng đầu của Masan trên lĩnh vực hàng tiêu dùng chính là chiến lược quản lý và tung sản phẩm hợp lý theo mô hình xuyên suốt từ trên xuống, với dải sản phẩm phủ rộng từ cao cấp sang trung bình đến bình dân, trong đó sản phẩm cao cấp đóng vai trò “tiên phong”, hay theo cách gọi của Masan Consumer là áp dụng chiến lược “thương hiệu mẹ”.

Theo đó, Masan Consumer sẽ quản lý danh mục thương hiệu theo từng loại sản phẩm và theo từng thị trường mục tiêu trong mỗi loại sản phẩm. Ví dụ, trong lĩnh vực nước chấm, Chin-su được sử dụng như một thương hiệu mẹ cho những sản phẩm cao cấp trong lĩnh vực gia vị (nước mắm, nước tương, tương ớt).

Công ty tin rằng, “thương hiệu mẹ” có thể giúp sản phẩm phát huy tối đa giá trị thương hiệu và tạo uy tín hơn về chất lượng. Sử dụng cùng một nhãn hiệu mẹ cho hàng cao cấp cũng giúp hưởng lợi từ khía cạnh kinh tế, xét về quảng cáo và khuyến mại.

Hiện nay, những sản phẩm chính trong ngành hàng của Masan gồm gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê hòa tan, đều có thương hiệu cao cấp và bình dân nhằm tăng tối đa nền tảng khách hàng tiềm năng. Sản phẩm nước chấm được tung ra dưới thương hiệu cao cấp là Chin-su, mì ăn liền là nhãn hiệu Omachi và cà phê là Vinacafe. Tận dụng được những giá trị đã xây dựng từ thương hiệu cao cấp, Masan mới tung những sản phẩm đại chúng theo hướng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Các chuyên gia phân tích thương hiệu nhận xét, đây là bước đi “khôn ngoan”, vì phân khúc cao cấp luôn đòi hỏi các yếu tố khắt khe nhất về mặt chất lượng, tiêu chuẩn cho đến thiết kế trình bày và chọn lựa tên gọi, khi đã thành công và tạo được ấn tượng với người tiêu dùng thì việc tung ra “thương hiệu con” nhằm đa dạng hóa nhu cầu sẽ dễ thành công.

 

Tiến chắc, thắng chắc!

Tiến chắc, thắng chắc là tiêu chí xây dựng và tung sản phẩm của Masan Consumer. Sau khi đã nắm thị phần chi phối ở thị trường mì gói, mới đây Masan ra mắt sản phẩm cháo ăn liền. Với mục tiêu nắm thị phần chi phối trong lĩnh vực thực phẩm tiện lợi, việc tung ra sản phẩm cháo là bước đầu tiên để Masan thâm nhập vào những món ăn Việt Nam có nguồn gốc từ gạo và mở rộng danh mục sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm tiện lợi.

Lý do để Masan tiến vào phân khúc này là: (1) Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vì vậy, những nguyên liệu thô luôn sẵn có; (2) các món ăn có nguồn gốc từ gạo quen thuộc với người Việt Nam và cây lúa, hạt gạo đã gắn bó với người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, nên rất dễ tiếp cận người tiêu dùng; (3) mở rộng danh mục sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm tiện lợi; (4) mang lại cho người tiêu dùng sự tiện lợi với những sản phẩm đủ dinh dưỡng.

Củng cố vị thế thống trị trên lĩnh vực hàng tiêu dùng, Masan có ý định tái cấu trúc hàng tiêu dùng thành hai mảng chính, đặt dưới một pháp nhân với tên gọi Masan Consumer Holdings (MCH). Một mảng sẽ bao gồm lĩnh vực truyền thống của Masan Consumer là các loại gia vị và thực phẩm tiện lợi; cùng lĩnh vực mới được tích hợp vào Masan Consumer trong thời gian gần đây đó là đồ uống (thông qua việc mua lại Vinacafé Biên Hòa và Nước khoáng Vĩnh Hảo). Như vậy, Masan Consumer sẽ chỉ tập trung vào các ngành cốt lõi, truyền thống là thực phẩm và đồ uống.

Mảng còn lại sẽ mang tên Masan Consumer Ventures (MCV). Đây sẽ được xem là nhân tố mới kỳ vọng tạo ra sự bứt phá mới của Masan . Trước mắt, MCV sẽ bao gồm 51% của Masan Agriculture (công ty hiện đang sở hữu 40% Proconco) và công ty bia. MCV sẽ mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến thị trường tiêu dùng, nơi mà thương hiệu và phân phối đóng vai trò cốt yếu. Kế hoạch này sẽ giúp Masan tiến chắc, thắng chắc trên thị trường hàng tiêu dùng.

 

Công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam có tổng giá trị thị trường gần 3 tỷ USD ảnh 2

Khai thác và chế biến khoáng sản là lĩnh vực chủ chốt thứ hai của Masan sau thương vụ mua lại Dự án Mỏ đa kim Núi Pháo

 

Không chỉ có hàng tiêu dùng

Ở góc độ vĩ mô, Masan Group không còn thuần túy là Tập đoàn hàng tiêu dùng. Sau thương vụ mua lại Dự án Mỏ đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên), Masan Group đã “đi bằng hai chân”, một là hàng tiêu dùng, hai là khai thác và chế biến khoáng sản.

Ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, Masan Consumer - công ty con của Masan Group - cũng đã khẳng định vị trí vững chắc. Theo báo cáo thường niên 2012 của Masan, thị phần nước tương, nước mắm, mì ăn liền cao cấp của Công ty tại thị trường Việt Nam trong năm 2012 lần lượt là 78%, 76% và 48%. Công ty này cũng lấn sân sang một số lĩnh vực mới thông qua M&A như cà phê (chiếm 44% thị phần cà phê hòa tan) bằng việc mua lại Vinacafé Biên Hòa và nước khoáng bằng việc mua lại Nước khoáng Vĩnh Hảo. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Kantar năm 2012, có tới 98% hộ gia đình Việt Nam có một sản phẩm của Masan trong nhà.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực khai thác và chế biến tài nguyên, công ty con của Masan là Masan Resources đã phát triển thành công Dự án Mỏ đa kim Núi Pháo, đưa mỏ này vào khai thác từ giữa quý II năm nay, biến Masan trở thành Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu trong cả lĩnh vực chế biến sâu khoáng sản và tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Có thể nói, Masan Group đã định vị vững chắc là một doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực phát triển tự thân và khả năng mở rộng qua M&A, có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp hàng đầu ở Việt Nam, có các doanh nghiệp con hoạt động hiệu quả và dòng tiền dồi dào. Theo báo cáo thường niên của Masan, doanh thu năm 2012 của Masan đạt 10.575 tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2007 và lợi nhuận sau thuế đạt 1.962 tỷ đồng, gấp 20 lần năm 2007. Tổng giá trị thị trường của Công ty hiện đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. Masan hiện là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam và đứng thứ ba trong các doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất TTCK, sau Tổng công ty Khí Việt Nam và Vinamilk.