CPI bình quân 5 tháng tăng 2,25%; lạm phát cơ bản tăng 1,1%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm và hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những lý do khiến CPI và lạm phát cơ bản tăng.
Ngày 23/5, giá bán lẻ xăng trong nước tăng thêm gần 700 đồng/lít, dao động ở mức trên dưới 30.000 đồng/lít.

Ngày 23/5, giá bán lẻ xăng trong nước tăng thêm gần 700 đồng/lít, dao động ở mức trên dưới 30.000 đồng/lít.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê vừa công bố chiều nay (29/5), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020;

Trung bình 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1%.

“5 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng hơn 25%. Tuy nhiên giá xăng, dầu biến động đã khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI 5 tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm ngoái”, Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết.

Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn duy trì đà phục hồi trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2%.

Về cán cân thương mại hàng hóa, tháng 5 ước tính nhập siêu 1,73 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD).

Trong tháng 5, cả nước có 13.400 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,9% về số doanh nghiệp so với tháng trước; tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 5.207 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 26% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 98.600 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 71.800 doanh nghiệp, tăng 20%, bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 11,7 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm nay ước tính đạt 7,7 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, chia sẻ tại Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022 - 2023 diễn ra sáng 12/5, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã đưa ra dự báo, lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4 - 4,5%. Bước sang năm 2023, do độ trễ của các gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tác động của kinh tế thế giới, dự báo lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, khoảng 5-5,5%.

Trong khi đó, IMF dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra. Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023.

Tin bài liên quan