Tính đến ngày ngày 30/5/2009, toàn thị trường có 103 CTCK.

Tính đến ngày ngày 30/5/2009, toàn thị trường có 103 CTCK.

CTCK đang đổi ngôi

(ĐTCK) Theo số liệu mới đây của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), thị phần môi giới của các CTCK trong thời gian qua có sự đổi ngôi, nhóm CTCK thành lập từ những ngày đầu thị trường hoạt động đang phải chia sẻ miếng bánh cho những CTCK mới (ra đời từ năm 2007 trở lại đây). Không ít CTCK "đàn em" đang vươn lên để lọt vào Top 10, thu hút đông đảo NĐT mới đến mở tài khoản nhờ "hữu xạ tự nhiên hương" và liên tục nâng cấp chất lượng dịch vụ, tiện ích cho khách hàng.

Số liệu tháng 4 cho thấy, 2 gương mặt mới đã lọt vào Top 10 CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất, vị trí đứng đầu đã có sự đổi ngôi, thị phần của nhiều CTCK mới gia tăng rõ rệt. Đã qua rồi thời CTCK kén khách hàng như hồi TTCK bùng nổ cuối năm 2006, đầu năm 2007 khi số lượng nhà môi giới còn ít ỏi, nay số CTCK nắm thị phần môi giới từ xấp xỉ 1% trở lên đã có tới 40 công ty, công nghệ giao dịch cũng cho phép NĐT không nhất thiết phải tới sàn như năm 2007. Vì thế, CTCK nào "chảnh", NĐT sẵn sàng nghỉ chơi. Cuộc đua giành mối quan tâm của NĐT đang trở lên quyết liệt.

Tính đến ngày 30/5/2009, toàn thị trường có 103 CTCK, 47 công ty quản lý quỹ, 8 ngân hàng lưu ký, 38 công ty kiểm toán được chấp thuận, 967 công ty đại chúng chưa niêm yết, 590.547 tài khoản giao dịch của NĐT, trong đó có 11.992 tài khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài.

(Nguồn UBCK)

Trong cuộc đua tranh ấy, giao dịch trực tuyến, sự hiện đại về công nghệ, chu đáo trong phong cách phục vụ cho phép mang lại nhiều tiện ích cho NĐT đang được quan tâm hơn cả ưu đãi về phí môi giới. Với mô hình lưu ký một cấp như hiện nay, NĐT quan tâm đến việc tiền và chứng khoán của họ có được quản lý tách bạch, liệu tài khoản đứng tên CTCK có loại trừ hoàn toàn việc CTCK "làm xiếc" trên tài khoản NĐT?

Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó chủ tịch HĐQT CTCK SME cho biết, khi tính thanh khoản của thị trường tăng mạnh, các ngân hàng rất muốn tiến hành việc kết nối trực tuyến với CTCK, do việc này mang đến cho ngân hàng tiềm năng huy động khá lớn và ổn định từ các khoản tiền mặt trung chuyển trên TTCK. CTCK cũng muốn đẩy nhanh việc kết nối để mở rộng hình thức giao dịch không sàn. Mô hình lý tưởng nhất hiện nay là NĐT chỉ cần đăng ký số tài khoản cá nhân tại ngân hàng sẽ dùng để mua bán chứng khoán tại CTCK. Sau đó, tất cả việc nộp, rút tiền do NĐT hoàn toàn chủ động tại các địa điểm giao dịch của ngân hàng hoặc máy ATM. Mỗi khi NĐT mua chứng khoán, số tiền tương ứng với lệnh mua sẽ được tự động phong tỏa trên tài khoản tiền của họ tại ngân hàng. NĐT vẫn có thể đồng thời thực hiện các giao dịch khác (ví dụ, rút tiền hay ủy nhiệm chi) trên số dư còn lại của tài khoản. Mỗi khi NĐT bán chứng khoán hay yêu cầu ứng trước tiền mua chứng khoán trực tuyến, số tiền tương ứng sẽ tự động chuyển vào tài khoản cá nhân của họ ngay tức thì.

Mô hình này tỏ ra rất tiện ích với khách hàng ở xa, đồng thời CTCK cũng không phải tìm đến những "cánh tay nối dài" bằng hình thức đại lý nhận lệnh (đang được UBCK yêu cầu đóng cửa). Để giao dịch, NĐT chỉ cần thực hiện 2 bước: đăng ký mở tài khoản chứng khoán với CTCK tại các địa chỉ trực tuyến thông qua website và mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng có kết nối với CTCK thông qua các phòng giao dịch, chi nhánh địa phương (khi mở tài khoản, NĐT nêu yêu cầu mở tài khoản cá nhân có khả năng giao dịch chứng khoán), sau đó thông báo số tài khoản ngân hàng cho CTCK qua điện thoại.

Mô hình kết nối trực tuyến như trên đã được SME triển khai thành công với Vietcombank và đang tiếp tục thử nghiệm với BIDV. Như vậy, tới đây CTCK có thể kết nối trực tuyến với nhiều ngân hàng, tạo ra sự lựa chọn phong phú, tiện ích cho khách hàng. Tuy nhiên, dù muốn song trong quá trình triển khai kết nối không phải hợp tác nào cũng cho kết quả suôn sẻ. Khó khăn đến từ sự khác biệt giữa hai hệ hống hạ tầng kỹ thuật của CTCK và các ngân hàng. Làm sao để đảm bảo khách hàng có thể giao dịch chứng khoán thuận lợi và nhanh chóng với cùng lúc tài khoản lưu ký ở CTCK và tài khoản tiền cá nhân ở ngân hàng là một loạt vấn đề kỹ thuật cần phải giải quyết; đặc biệt là với yêu cầu của hệ thống giao dịch trực tuyến realtime đang được nhiều CTCK áp dụng. Chỉ cần hình dung rằng, các ngân hàng Việt Nam hiện đại nhất cũng chưa ngân hàng nào cung cấp được dịch vụ giao dịch trực tuyến hoàn hảo với tài khoản cá nhân (tất cả chỉ mới dừng ở việc kiểm tra số dư tài khoản, chuyển tiền trong hệ thống, thanh toán một số loại phí) thì mới thấy được việc kết nối giao dịch trực tuyến với ngân hàng của các CTCK sẽ phức tạp như thế nào.

Chính hạn chế về công nghệ và hệ thống, dịch vụ tại nhiều CTCK đã gây thất vọng cho không ít NĐT. Có NĐT phản ánh việc mở tài khoản tại một CTCK lớn tại Hà Nội, do yêu cầu công việc anh phải vào công tác tại TP. HCM, muốn rút tiền từ tài khoản tại TP. HCM nhưng CTCK từ chối vì không xử lý được lệnh. Ngay như việc tra cứu số dư tài khoản trực tuyến cũng khó thực hiện tại một số CTCK có bề dày hoạt động nhiều năm. Thị trường đang ở giai đoạn "nhạy cảm", song tính thanh khoản, tính riêng trên sàn TP. HCM, được tin tưởng duy trì ở mức trên 1.000 tỷ đồng mỗi phiên. Trong cuộc cạnh tranh giữ khách hàng quen và có thêm khách hàng mới, không hẳn những CTCK đã có tên tuổi trên thị trường chiếm ưu thế hoàn toàn. "Năng nhặt chặt bị", sẽ có những CTCK mới tạo dựng được chỗ đứng cho mình trong cuộc chơi đầy khốc liệt khi họ luôn nỗ lực tự làm mới mình.