Ông Nguyễn Trọng Tuấn

Ông Nguyễn Trọng Tuấn

CTCK tiếp tục thời "tam quốc"

Năm 2009, dù nhiều CTCK lớn lên tiếng phủ nhận trực tiếp cạnh tranh đối đầu, song dư luận vẫn ồn ào về những cuộc "tranh hùng, xưng bá".

Năm 2010, dưới góc nhìn của ông Nguyễn Trọng Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Quốc tế Hoàng Gia (IRS), thị trường sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt và các CTCK nhỏ buộc phải tìm cho được lối đi của riêng mình. TTCK tác động từ diễn biến đó, vì thế NĐT càng cần rèn và tuân thủ "kỷ luật sắt".

Ông nhìn nhận ra sao về mức độ cạnh tranh giữa các CTCK trong năm 2010?

Chúng tôi nhìn nhận, năm nay sẽ tiếp tục là năm "tam quốc" giữa các CTCK, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn cả trên phương diện tài chính, tư vấn, nhận định thị trường, cơ chế thu nhập cho người lao động… Thực tế cho thấy, ở hoạt động chính của các CTCK là môi giới, năm 2009, mô hình broker có vẻ được nhiều CTCK vận dụng, nhưng về lâu dài, nếu không chấn chỉnh hoạt động này, tôi cho rằng, rất khó tạo cho thị trường sự phát triển bền vững và thành công. Sẽ không có chuyện khách hàng mãi "chạy theo" môi giới và mỗi lần môi giới chuyển việc là khách hàng "ruột" chuyển tài khoản sang CTCK khác. Những hành động thu lợi trên lưng NĐT (bất chấp NĐT thua lỗ, miễn sao họ giao dịch nhiều) đến lúc nào đó sẽ bị "tẩy chay". NĐT sẽ lựa chọn CTCK có dịch vụ phù hợp để giao dịch, thay vì bị "môi giới" dẫn dắt hoạt động đầu tư của mình.

 

 Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh "tam quốc" như vậy, sẽ ngày càng nhiều CTCK không cạnh tranh được và dẫn tới đóng cửa?

Không hẳn như vậy. Hoạt động cốt lõi của các CTCK là môi giới, song nhiều công ty được thành lập với nhiều mục đích và cách thức tồn tại khác nhau. Có công ty chuyên về tự doanh, có công ty lại chú trọng đến tư vấn. Hay công ty nhỏ như chúng tôi thì xác định làm dịch vụ là chính, tỷ trọng tự doanh rất thấp. Thị trường vẫn có những ngách và phân khúc để mỗi CTCK tìm được lối đi của riêng mình.

 

Ngay từ đầu năm 2010, nhiều NĐT đã kỳ vọng về sản phẩm, phương thức giao dịch mới trên thị trường. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Hiện nay, UBCK bị sức ép về việc sớm đưa ra sản phẩm mới ra thị trường. Tôi cho rằng, đây là việc cần thiết, nhưng nên thận trọng và không nên áp dụng các sản phẩm mới bằng mọi giá. Cho phép bán khống, giao dịch ký quỹ trong khi nhận thức và kiến thức, trình độ NĐT chưa phù hợp thì có thể gián tiếp ảnh hưởng tới họ. Giữ lợi ích chung thị trường, bảo vệ NĐT nhỏ lẻ theo tôi là tiêu chí quan trọng nhất mà cơ quan quản lý cần tính đến khi cho phép thực hiện các sản phẩm mới.

 

 Với các nhà đầu tư cá nhân, trong năm 2010 nên chú ý tới những yếu tố gì, thưa ông?

Tôi cho rằng, NĐT không nên vận dụng một cách thái quá phân tích kỹ thuật, mà nên tìm hiểu và nhận diện được sự vận động thực tế của nền kinh tế vĩ mô và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Công cụ kỹ thuật là yếu tố bổ trợ, hỗ trợ, chứ không là công cụ chỉ báo.

Về kinh tế vĩ mô, chúng tôi cho rằng, chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ có ảnh hưởng tích cực với TTCK hơn là chính sách tập trung cho tăng trưởng. Gần đây, điều hành của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, đặc biệt  những động thái như giảm dự trữ bắt buộc đồng USD được đánh giá rất cao. Tôi tin, tới đây, nếu nút thắt ngân hàng như cho vay thỏa thuận, huy động thỏa thuận ở một số lĩnh vực được khơi thông thì hoạt động ngân hàng sẽ ổn định, tạo bệ đỡ cho các ngành khác. Còn về lãi suất cơ bản, hiện nhiều NĐT lo lắng nếu như nó được điều chỉnh tăng. Tuy vậy, khác với năm 2008, tăng lãi suất cơ bản là xấu, thì năm 2010 này, việc điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ sẽ tạo ảnh hưởng tốt cho nền kinh tế. Với hoạt động doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá cao những công ty mở rộng được thị phần, tăng doanh thu ổn định, mặc dù lợi nhuận có thể kém hơn một chút so với năm 2009. Trong các nhóm ngành, tôi quan tâm tới vật liệu xây dựng và ngân hàng.    

Năm 2010, thị trường sẽ bước sang tuổi thứ 10, càng ngày NĐT càng khó chơi chứng khoán nếu "đơn thương độc mã". Với chiến lược đặt trọng tâm vào cung cấp dịch vụ, chúng tôi sẽ cố gắng đồng hành cùng các NĐT, để có chiến thuật, kế hoạch đầu tư phù hợp, có tổ chức và có thể mang lại lợi nhuận chấp nhận được. Tôi quan niệm, NĐT nào cũng là VIP, quan trọng là lối chơi, cách chơi và biết điểm dừng khi đã đạt lợi nhuận kỳ vọng.