Cùng với Ấn Độ, Indonesia đang nổi lên là thế lực kinh tế mới

Cùng với Ấn Độ, Indonesia đang nổi lên là thế lực kinh tế mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đồng Rupee của Ấn Độ đang trở nên hấp dẫn trong cuộc đua thu hút vốn FDI ở châu Á, nền kinh tế Indonesia cũng đang theo sát ngay phía sau trong cuộc đua này.

Nhà đầu tư nổi tiếng Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ Bridgewater Associates mới đây đã ca ngợi Ấn Độ là cơ hội đầu tư tốt nhất hiện nay. Ông nhận định đất nước Nam Á sẽ có được tốc độ tăng trưởng vượt bậc giống như kinh tế Trung Quốc đã “thay da đổi thịt” trong những năm 1980.

Cách đây ít ngày, tỷ phú Elon Musk cũng vừa đưa ra nhận định tương tự về tiềm năng của Ấn Độ. Trong chuyến thăm tới Mỹ vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã gặp gỡ một số lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Sau chuyến thăm của ông Modi, một loạt doanh nghiệp Mỹ đã tuyên bố tăng đầu tư vào Ấn Độ.

Amazon thông báo từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư thêm 15 tỷ USD, trong đó có 12,7 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng điện toán đám mây nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Trong khi đó, Google có dự định mở 1 trung tâm Fintech tầm cỡ toàn cầu ở GIFT City, quê nhà của ông Modi.

Đặc biệt là sau khi vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới, Ấn Độ thu hút được rất nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 10 tỷ USD vào chứng khoán Ấn Độ trong quý này, giúp đồng rupee leo lên vị trí đầu bảng xếp hạng tiền tệ.

Alessia Berardi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô EM tại Amundi cho biết: “Xét về đồng rupee của Ấn Độ, sự ổn định tài chính vĩ mô và tỷ giá hối đoái làm đồng tiền này trở nên hấp dẫn. Nếu bạn có muốn đầu tư vào châu Á, thì đây là loại tiền tệ bạn muốn sử dụng”.

Các nhà đầu tư đang quan tâm nhiều hơn đến Ấn Độ trong bối cảnh nước này là một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Năm ngoái, GDP Ấn Độ đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 7,2%. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) cũng đã có lần thứ 2 liên tiếp quyết định giữ lãi suất repo ổn định ở mức 6,5%.

Trong khi đó, nền kinh tế Indonesia cũng đang dần nổi lên như một hiện tượng và cũng đang được kỳ vọng nền kinh tế Đông Nam Á này có thể bắt kịp Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành một “thế lực kinh tế mới” trong 5 năm tới.

Trong khi nhiều nước vẫn đang phải vật lộn tìm cách để kiềm chế lạm phát thì Tổng cục Thống kê Indonesia (BPS) lại cho biết, tỷ lệ lạm phát của nước này đã giảm xuống còn 4% trong tháng 5/2023, về trong mức mục tiêu sớm hơn dự kiến của Ngân hàng Trung ương nước này (BI).

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Indonesia đã đạt 45,6 tỷ USD trong năm 2022, mức cao nhất trong lịch sử của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này và cũng là mức tăng trưởng FDI cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, nếu so sánh, trái phiếu tiêu chuẩn kỳ hạn 10 năm của Ấn Độ hiện có lãi suất 7,07%, so với lãi suất trái phiếu của Indonesia chỉ là 6,30% với kỳ hạn tương tự, thì các nhà đầu tư vay USD để mua tài sản có thu nhập cố định bằng đồng rupiah của Indonesia đã kiếm được 4,7% trong nửa đầu năm 2023, so với chỉ 2% khi mua bằng đồng rupee của Ấn Độ.

Johnny Chen, nhà quản lý danh mục đầu tư tại William Blair Investments, cho biết: “Sự biến động thấp của đồng rupee Ấn Độ khiến nó trở nên hấp dẫn hơn trong các giao dịch mua bán hàng hóa, thương mại. Với sự tương quan tương đối cao với hoạt động xuất khẩu liên hàng hóa, đồng rupiah của Indonesia có thể biến động nhiều hơn đồng rupee”.

Tin bài liên quan