Cuộc bình chọn BCTN đã ra đời như thế nào?

Cuộc bình chọn BCTN đã ra đời như thế nào?

(ĐTCK) Ngày 28 tháng 02 năm 2008, Cuộc Bình chọn báo cáo thường niên (BCTN) chính thức được khởi động bằng buổi họp báo công bố tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) sau bao ngày ấp ủ, thai nghén, chuẩn bị....

Ý tưởng tổ chức Cuộc bình chọn ban đầu xuất phát từ ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital (DC) trước thực tế ý thức về sự minh bạch thông tin của các doanh nghiệp nói chung còn nhiều hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Sau đó, phía DC đã chủ động đặt vấn đề mời HOSE và Báo Đầu tư Chứng khoán cùng phối hợp tổ chức một cuộc thi nhằm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin, đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp làm tốt công tác này.

Từ ý tưởng ban đầu đó, ba bên đã cùng ngồi lại thảo luận để tìm ý tưởng thể hiện, thống nhất tên gọi, xây dựng tiêu chí, chuẩn bị các tài liệu cần thiết… Sau nhiều lần bàn thảo, cuối tháng 10/2007, bản phác thảo kế hoạch đầu tiên về Cuộc bình chọn ra đời. Tháng 11/2007, cuộc hội thảo “Làm thế nào để xây dựng một BCTN đạt hiệu quả cao” do DC kết hợp với Câu lạc bộ Các công ty niêm yết tổ chức là một phần của công tác chuẩn bị cho Cuộc bình chọn BCTN này.

Sau nhiều lần bàn thảo để thống nhất cách thức tổ chức và chấm điểm Cuộc bình chọn BCTN, ngày 28/2/2008, Sở GDCK TP. HCM, Báo Đầu tư Chứng khoán cùng nhà tài trợ độc quyền Dragon Capital đã tổ chức buổi họp báo đầu tiên, công bố kế hoạch tổ chức Cuộc bình chọn

   

Căn cứ vào các văn bản pháp lý của Bộ Tài chính hướng dẫn các DN niêm yết thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin (Thông tư 38/2007/TT-BTC, sau này là Thông tư 09/2010/TT-BTC và nay là Thông tư 52/2012/TT-BTC), Ban tổ chức đã tiến hành nghiên cứu nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp theo Thông tư của Bộ Tài chính ban hành, từ đó hình thành nên một bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BCTN chung cho các doanh nghiệp, hướng doanh nghiệp đến việc làm một BTCN chuẩn mực, minh bạch, sáng tạo và chuyên nghiệp. Cuộc bình chọn không chấm điểm việc doanh nghiệp kinh doanh tốt hay xấu, lãi hay lỗ, mà đặt trọng tâm đánh giá cách thức mà doanh nghiệp công khai và minh bạch thông tin hoạt động.

Từ sự nhất trí về chủ trương, các bên đã bắt tay vào việc tổ chức Cuộc bình chọn, với việc phân công HOSE và Báo Đầu tư Chứng khoán là hai cơ quan đồng tổ chức, trong đó HOSE đảm trách chính phần chuyên môn, Báo Đầu tư Chứng khoán lo chính phần truyền thông; Dragon Capital là nhà tài trợ độc quyền, đồng thời tư vấn về chuyên môn cho Cuộc bình chọn; các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX là những đối tượng có sản phẩm (BCTN) được xem xét, vinh danh trong cuộc bình chọn này. Để đảm bảo tính khách quan, chuyên nghiệp cao nhất cho Cuộc bình chọn, Ban tổ chức đã quyết định thành lập một Hội đồng bình chọn thực hiện công tác chấm điểm, đánh giá BCTN. Hội đồng trong năm đầu gồm 1 đại diện từ HOSE, 1 đại diện của Báo Đầu tư Chứng khoán và một số chuyên gia độc lập đại diện cho khối nghiên cứu, khối kiểm toán và ngân hàng. Từ năm thứ hai trở đi, Hội đồng có thêm đại diện của HNX.

Chuẩn mực, minh bạch, sáng tạo và chuyên nghiệp là bốn tiêu chí chính mà Cuộc bình chọn hướng đến, nhưng việc thể hiện chúng như thế nào trên “bản chào” giới thiệu đến các doanh nghiệp trước mùa bình chọn hàng năm là công việc không dễ dàng. Trước mỗi mùa bình chọn, nhóm thực hiện đã phải ngồi lại, tìm ý tưởng mới cho Cuộc bình chọn. Cứ thế, mỗi năm mỗi chủ đề, mỗi hình ảnh biểu trưng cho Cuộc bình chọn thể hiện đầy ấn tượng và sáng tạo. Hình ảnh giọt nước nằm trên chiếc lá non xanh trên tờ giới thiệu của năm 2008 và 2009, hình hoa sen tinh khiết của năm 2010, hình cây tre xanh thẳng tắp của năm 2011 và hình bánh lái của năm 2012 là sản phẩm của những nỗ lực đó…

Thay đổi văn hóa công khai thông tin của doanh nghiệp từ “tốt khoe, xấu che” sang “tốt khoe, xấu không che” không phải là điều dễ dàng song qua từng năm, ngày càng có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng và quan tâm đầu tư cho sản phẩm BCTN là điều làm chúng tôi - những người làm công tác tổ chức, hạnh phúc nhất. Nếu như năm 2008 chỉ có 33 doanh nghiệp đăng ký tham gia và 6 đơn vị có BCTN tốt nhất được xét trao giải thì đến năm 2012, Cuộc bình chọn đã chấm điểm BCTN của hơn 700 doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở và 50 BCTN tốt nhất được xét chọn trao giải. Có doanh nghiệp gây bất ngờ với Hội đồng bình chọn khi ngay trang bìa 1 BCTN đã ghi rõ, trong năm, công ty phải ra Tòa 2 lần và đang phải đối diện với một vụ kiện phức tạp. Có doanh nghiệp đã công khai một câu chuyện buồn rằng, công ty chỉ thu được 10% phiếu biểu quyết từ cổ đông trong tổng số phiếu đã gửi. Cũng không hiếm doanh nghiệp đã công khai chuyện lương thưởng, thù lao và các khoản thu nhập của từng cá nhân trong hội đồng quản trị, điều mà trước đây chưa từng xảy ra...

Ngay từ năm 2008, vòng chấm Chung khảo BCTN đã được tổ chức tập trung tại Sở GDCK TP. HCM và cách làm này được duy trì suốt 5 năm qua

 

Nhìn lại chặng đường 05 năm Cuộc bình chọn, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đồng Trưởng Ban Tổ chức Cuộc bình chọn đúc kết: “Năm năm Cuộc bình chọn được thực hiện là 5 năm chứng kiến sự chuyển động về chất trong mối quan hệ của các doanh nghiệp với cổ đông. Từng bước, từng bước một, sự trung thực và chân thành của doanh nghiệp trong quan hệ với cổ đông dần được cải thiện rõ rệt. Qua từng năm, BTCN của từng doanh nghiệp lại thêm một bước hướng đến sự hoàn thiện, thêm những sáng tạo bất ngờ, không phải để hướng đến giải thưởng, mà cao hơn là hướng đến cổ đông, hướng đến thị trường, hướng đến những chuẩn mực chuyên nghiệp”.

Chặng đường 05 năm đầu tiên của Cuộc bình chọn BCTN đã qua. Chặng đường phía trước còn rất dài, đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực cả từ phía Ban tổ chức lẫn bản thân các doanh nghiệp. Thách thức từ việc làm thế nào để Cuộc bình chọn hấp dẫn hơn, từ việc mở rộng đối tượng bình chọn ra cả các công ty đại chúng, từ việc xây dựng thêm các tiêu chí và các chuẩn mực về phát triển bền vững gắn với môi trường và xã hội… đang là nhiệm vụ trước mắt, mà chúng tôi, các thành viên Ban tổ chức sẽ nỗ lực để thực thi.