Các công ty châu Á tăng tốc
Theo dữ liệu mới nhất từ BitcoinTreasuries.net, tổng lượng Bitcoin do các công ty niêm yết công khai nắm giữ đã vượt con số 746.300 BTC, tương đương khoảng 70 tỷ USD theo giá hiện tại. Đây là khoảng 3,5% tổng cung Bitcoin lưu hành, một con số đáng kinh ngạc khi xét đến việc phần lớn số Bitcoin này được tích lũy chỉ trong vòng 3 năm qua.
Trong đó, Micro Strategy (mã MSTR) của Michael Saylor sở hữu 538.200 Bitcoin (tương đương 51,7 tỷ USD). Công ty này thực hiện chiến lược mua liên tục, với lần mua gần nhất là 6.556 Bitcoin trong tháng 4/2025, với giá trị khoảng 555,8 triệu USD. Kể từ khi bắt đầu chiến lược mua gom Bitcoin vào năm 2020, giá cổ phiếu MSTR đã tăng hơn 3.000%, giúp Saylor trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.
Đáng chú ý, gần đây có sự gia nhập của các công ty châu Á vào cuộc chơi Bitcoin.
Chẳng hạn, Metaplanet (Nhật Bản) vừa mua thêm 145 Bitcoin với giá 13,4 triệu USD, nâng tổng số nắm giữ lên 5.000 Bitcoin. Simon Gerovich, Giám đốc điều hành Metaplanet tuyên bố, họ đã đạt được 50% mục tiêu ban đầu là tích lũy 10.000 Bitcoin vào cuối năm 2025 và đặt mục tiêu đạt 21.000 Bitcoin vào cuối năm 2026.
HK Asia Holdings (Hồng Kông) đang lên kế hoạch huy động 8,35 triệu USD thông qua việc phát hành cổ phiếu mới và trái phiếu chuyển đổi. Mặc dù không trực tiếp công bố mục đích, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng, số tiền huy động sẽ được dùng để mua thêm Bitcoin, nhất là sau khi việc mua Bitcoin đầu tiên vào tháng 2/2025 đã giúp giá cổ phiếu của Công ty tăng gấp đôi chỉ trong một ngày.
Bank of Singapore và Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Czech cũng đã thông báo xem xét kế hoạch tích lũy Bitcoin như một phần trong kho dự trữ ngoại hối.
Nếu như trước đây, hầu hết đều nói về “phòng ngừa lạm phát” hay “đa dạng hóa ngân quỹ” khi lên kế hoạch mua Bitcoin, thì giờ đây, nhiều công ty công khai nói về việc Bitcoin là “tài sản số khan hiếm có giá trị lâu dài”, thậm chí là “nền tảng cho hệ thống tài chính tương lai”.
Sự xuất hiện của các “ông trùm” mới
Sự xuất hiện của các công ty mới trong cuộc đua tích lũy Bitcoin, đặc biệt là Twenty One - liên doanh giữa SoftBank, Tether và Cantor Fitzgerald, đang tạo ra một thế cục hoàn toàn mới trên thị trường.
Twenty One dự kiến sẽ ra mắt với khoảng 42.000 Bitcoin (gần 4 tỷ USD) ngay từ ngày đầu, dự kiến trở thành tổ chức nắm giữ Bitcoin lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Strategy và Chính phủ Mỹ (từ các vụ tịch thu). Điều này cho thấy mức độ nghiêm túc chưa từng có của các tổ chức tài chính truyền thống đối với Bitcoin.
Sự tham gia của SoftBank - một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, Tether - công ty phát hành stablecoin (một loại tiền điện tử có giá trị được gắn với một tài sản khác, chẳng hạn USD) lớn nhất và Cantor Fitzgerald - một trong những ngân hàng đầu tư lâu đời nhất Phố Wall, cho thấy Bitcoin đã được “thể chế hóa”.
Điều khác biệt trong chiến lược của các công ty mới như Metaplanet và Twenty One là cách họ huy động vốn. Metaplanet không chỉ phát hành trái phiếu và cổ phiếu như Strategy, mà còn sử dụng các chiến lược thu nhập từ Bitcoin như bán quyền chọn bán Bitcoin có đảm bảo bằng tiền mặt. Twenty One còn đi xa hơn khi được cấu trúc như một “quỹ đầu tư Bitcoin thuần túy”, với mục tiêu duy nhất là nắm giữ Bitcoin như hoạt động kinh doanh chính. Đây là bước tiến so với Strategy, vốn vẫn là một công ty phần mềm có chiến lược ngân quỹ Bitcoin.
Tác động của những “ông trùm” mới này đến thị trường Bitcoin có thể rất sâu rộng.
Thứ nhất, về nguồn cung Bitcoin. Với tốc độ tích lũy hiện tại, ước tính các tổ chức sẽ nắm giữ hơn 10% tổng cung Bitcoin trong 2 - 3 năm tới. Trong bối cảnh Bitcoin có tổng cung cố định 21 triệu đơn vị và tốc độ đào mới ngày càng giảm (chỉ còn khoảng 450 Bitcoin mới mỗi ngày), áp lực lên giá là không nhỏ.
Thứ hai, về tính chính danh. Khi các tên tuổi lớn như SoftBank và Cantor Fitzgerald tham gia, điều này tạo ra hiệu ứng domino khiến các tổ chức khác cũng phải xem xét Bitcoin nghiêm túc hơn. Theo một khảo sát gần đây của PwC, 76% các tổ chức tài chính lớn đang cân nhắc đưa Bitcoin vào danh mục đầu tư trong vòng 18 tháng tới.
Thứ ba, về môi trường pháp lý. Sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức lớn đang tạo áp lực lên các cơ quan quản lý để có khung pháp lý rõ ràng hơn cho Bitcoin. Đặc biệt, tại châu Á, Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc) đang dẫn đầu với các chính sách thân thiện với tiền mã hóa, trong khi Singapore đã ban hành hướng dẫn dành riêng cho các tổ chức muốn đầu tư vào Bitcoin.
(Theo báo chí nước ngoài)