“Cuộc săn đuổi” trên đồng cỏ xanh

“Cuộc săn đuổi” trên đồng cỏ xanh

(ĐTCK-online) Lâu lâu lại có tin vài tổ chức tài chính đánh thị trường lên hay dìm thị trường xuống, rằng CTCK này “xử lý” khách hàng của CTCK kia.

Sóng gió tơi bời

Ngày trước, TTCK Việt Nam được xem là non trẻ. Biểu hiện rõ nhất của tuổi bồng bột này những phiên giao dịch chỉ toàn thấy lệnh mua hoặc lệnh bán, vì thế cũng không có sự phán xét rõ ràng của thị trường giữa các chứng khoán cực kỳ tốt và những loại tầm tầm. Có thời trước khi khủng hoảng xảy ra, dân tình ùn ùn theo phong trào chứng khoán rồi cứ nhắm mắt mua và vẫn thắng, rồi khi thị trường xấu đi thì mọi thứ nhanh chóng bị coi rẻ, bất chấp tốt xấu. Kiếm tiền trên TTCK, bạn có thể chỉ cần hưởng ứng phong trào của thị trường là đủ.

Khủng hoảng xảy ra, số người phá sản tăng lên nhanh chóng, trong khi nhiều CTCK thua lỗ nặng, phần vì khoản đầu tư cổ phiếu mất giá, phần là các khoản đầu tư bất đắc dĩ phát sinh do hoạt động repo mà khách hàng đã bỏ của chạy lấy người. Từ lúc này, sự phân hóa của từng nhóm chứng khoán ngày càng rõ ràng chứ không cá mè một lứa như trước. CTCK trong năm 2009 có phần thủ thân hơn, nói nhiều hơn, nhưng ít chân thật hơn. Đặc biệt, khái niệm lướt sóng và NĐT lướt sóng hình thành rõ ràng hơn bao giờ hết, trong khi nhiều con sóng liên tục được tạo ra, tự nhiên hay nhân tạo. Lâu lâu lại có tin vài tổ chức tài chính đánh thị trường lên hay dìm thị trường xuống, rằng CTCK này “xử lý” khách hàng của CTCK kia.

Bản chất cuộc chơi ngắn hạn là tìm cách lừa nhau”, ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc CTCP VTG - Sàn giao dịch vàng Thế giới (nguyên là Giám đốc CTCK Đại Việt, CTCK Đông Dương) nhận xét về điều đang xảy ra trên TTCK, khi mà các NĐT gần đây bị ảnh hưởng bởi các nhận định hàng ngày của CTCK, thường họ luôn theo xu hướng nói quá đà, quá lạc quan hoặc quá bi quan. Lướt sóng, NĐT thiếu may mắn sẽ dễ dàng bị nhấn nước.

 

Đồng cỏ còn xanh, hãy ăn thật nhiều!

Mở tài khoản miễn phí và trúng thưởng 200 triệu đồng, giao dịch chứng khoán trúng thưởng ôtô BMW… Năm 2009 chứng kiến sự nổi lên soán ngôi của nhiều CTCK trẻ như KimEng, Thăng Long, SBSC, HSC, VNDirect…, trong khi không ít CTCK hàng đầu trước đây bị kéo lui hoặc đẩy ra khỏi Top 10 về thị phần. Nói gì thì nói, mảng môi giới vẫn ít phải đầu tư và dễ kiếm ăn nhất, nên năm 2009 chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các CTCK ở mảng này, thay vì mảng tư vấn hay bảo lãnh phát hành như các năm trước.

Tuy các quy định liên quan đến giao dịch chứng khoán không mấy thay đổi, nhưng năm 2009 nhiều CTCK đã đi trước bằng cách cho khách hàng VIP dùng đòn bẩy tài chính lớn (cá biệt lên tới 1.000%), giao dịch khi chứng khoán chưa về tài khoản (T+2), mua chứng khoán trả chậm (T+n) hoặc mượn chứng khoán (một hình thức tương tự bán khống)…, mặc dù các hoạt động trên hiện vẫn sai luật. Kết quả là giá trị giao dịch nhảy vọt từ trên dưới 1.000 tỷ đồng lên 3.000 - 6.000 tỷ đồng/ngày trong nhiều phiên và giá nhiều chứng khoán trồi lên tụt xuống trên dưới 10%/ngày. Chẳng gì quá ngạc nhiên khi nhiều CTCK báo cáo lời khủng từ hoạt động môi giới và tự doanh.

Điểm đặc biệt của năm 2009 là việc các CTCK đua nhau sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật để đưa ra nhận định (hàm ý khuyến khích mua bán) trong khoảng thời gian hàng ngày (thay vì tuần, tháng, quý như trước). Khó có thể nói rằng, các phân tích “mì ăn liền” như trên là bổ béo cho NĐT, khi họ được khuyến khích rời xa chiến thuật đầu tư truyền thống (mua cổ phiếu tốt và nắm giữ trong thời gian đủ lâu) bằng chiến thuật đánh quả - vốn phát sinh nhiều chi phí giao dịch, rủi ro và khó kiểm soát. Chuyện này thật xa lại với bí quyết của tỷ phú chứng khoán Warren Buffett “thời gian nắm giữ một cổ phiếu tốt là vô hạn”. Bạn có thể hiểu tại sao các CTCK luôn nhận định thị trường là tốt trong trung và dài hạn, nhưng luôn khuyến khích bạn mua bán bằng những phân tích nhận định trong ngắn hạn?

 

Đòn bẩy hay cây gậy

Năm 2009, Thăng Long và SBSC lần đầu tiên vượt qua SSI và cạnh tranh gay gắt vị trí thị phần môi giới lớn nhất. Chất lượng phục vụ có cải thiện, nhưng tài chính mạnh mới là vũ khí chủ lực mà hai DN này sử dụng triệt để. Nhờ hậu thuẫn mạnh của Sacombank và MB, hai CTCK nói trên được tiếng là hỗ trợ khách hàng sử dụng đòn bẩy mạnh nhất. Sử dụng đòn bẩy cũng tạo nên những nguồn lực ảnh hưởng đến bản chất cán cân cung cầu chung của TTCK năm 2009, khiến cho các đợt trồi sụt diễn ra nhanh và thường xuyên hơn. Mua bán kỳ hạn cổ phiếu MB hay giao dịch vàng trên các sàn vàng cũng có thể xếp vào các hình thức sử dụng công cụ đòn bẩy kích thích máu “đánh bạc” vẫn hiện diện trong số đông NĐT, những người quay cuồng mua bán như con bạc khát nước. Kết quả là phần lớn NĐT cá nhân chơi sàn vàng, mua bán kỳ hạn cổ phiếu MB, sử dụng đòn bẩy lớn… đều đại bại. Đến lúc này thì sàn vàng sắp đóng cửa và môi giới OTC xanh mặt khi nói đến cổ phiếu MB.

Năm 2009 đánh dấu việc các CTCK đồng loạt sử dụng nhân viên môi giới theo hình thức mà các công ty bảo hiểm hoặc bán hàng đa cấp đã sử dụng. Theo đó, nhân viên môi giới có khuynh hướng chăm sóc khách hàng tận răng và cung cấp cho họ nhiều thông tin và ý kiến tư vấn. NĐT vì thế luôn trong tình trạng “tưởng rằng mình giỏi” nên mua bán thường xuyên. Nhân viên môi giới bây giờ được hưởng phần trăm hoa hồng từ doanh số giao dịch của khách hàng, hỏi thử bao nhiêu trong số đó tránh được điều cấm kỵ về đạo đức nghề nghiệp: không cố tình khuyến khích khách hàng mua bán quá mức.

 

Sự hiền hòa của sói

Muốn làm giàu nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn, con đường chân lý được chỉ ra là TTCK. Vậy nên, ngày càng có thêm nhiều NĐT mới tìm đến sàn, trong khi ai đã lỡ nghiện chứng khoán khó lòng từ bỏ, trừ khi đã thua hết. Điều đáng nói là ngoài một số NĐT có kiến thức, kinh nghiệm và từng trải, thì số đông vẫn còn tiếp cận chứng khoán ở trình độ ABC, cho nên họ thường bấu víu vào đám đông, tin đồn và các môi giới chứng khoán.

Việc ra đời của các kênh thông tin tài chính trên truyền hình trong 2 năm qua cũng như mức độ thường nhật của đề tài chứng khoán trên khắp các báo dường như chưa thỏa mãn cơn khát thông tin của NĐT. Có một thực tế rằng, nhiều cổ phiếu thường có sự tăng giá đột biến khi có tin đồn về chia thưởng cổ phiếu hay lợi nhuận cao, các dạng tin đồn ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các sàn chứng khoán, diễn đàn chứng khoán trên mạng và thậm chí còn thấy trên mặt báo. Các dấu hiệu giao dịch, tuy không chắc chắn, cũng có thể cho thấy mức độ sử dụng thông tin nội gián hoặc thông tin thân cận để giao dịch là một hiện trạng có thật trên TTCK Việt Nam. Báo chí thi thoảng cũng có phản ánh về tình trạng làm giá của một số cổ phiếu, nhưng qua đó đôi khi lại kích thích lòng tham của đám đông bằng tin đồn dạng chưa kiểm chứng. Đó là khi tin đồn đã lên được mặt báo.

Về phía các CTCK và tổ chức nước ngoài, sau năm 2008 thất bát, họ đã chuyển chiến thuật “mua và nắm giữ lâu dài” sang chiến thuật “năng nhặt chặt bị”. So sánh ở mức tương đối, CTCK và các tổ chức đầu tư nước ngoài đương nhiên lợi thế hơn về tài chính, quan hệ và cả thông tin giao dịch mà họ trực tiếp xử lý. Có thể nói, trong cuộc đấu tay đôi trong các giao dịch ngắn hạn, các NĐT cá nhân dễ dàng trở thành cừu non lọt vào bẫy tăng giá (bull trap), bẫy giảm giá (bear trap) hay những động tác rung cây dọa khỉ mà các tổ chức đầu tư dễ dàng nắm bắt hoặc tạo ra.

Năm 2009, NĐT nước ngoài đóng góp không đến 10% giá trị giao dịch của thị trường, nhưng giới phân tích vẫn đào sâu vào động thái của họ như một lời chỉ dẫn đáng tham khảo. Kỳ lạ thay, NĐT nước ngoài mà hôm nay mua ròng, mai đã bán ròng.

 

Cơ hội và thách thức

Các yếu tố cơ bản của kinh tế Việt Nam và toàn cầu ngày càng khẳng định là cơn khủng hoảng đã qua thời kỳ tồi tệ. Ý tưởng về cơ hội ngàn năm một thuở được bảo lưu nguyên vẹn. Những phiên giao dịch đầu năm 2010 cho thấy khởi đầu khá vất vả, nhưng ít nhất chứng khoán vẫn được đánh giá là cơ hội kinh doanh hấp dẫn nhất, vượt trên kênh bất động sản, vàng… Giới chuyên môn cũng không quá khiếp hãi khi dự báo mục tiêu trên 700 điểm đến 1.000 điểm của VN-Index trong năm nay.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, bản chất của TTCK Việt Nam đang có nhiều thay đổi và NĐT sẽ rất khó khăn nếu không nắm bắt điều này. Dưới đây là một số gợi ý:

Kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ sẽ là câu chuyện lớn của năm 2010. TTCK Việt Nam khởi động chật vật năm nay có nguyên nhân trực tiếp là dòng tiền siết chặt trên thị trường, rủi ro lạm phát và sự chọn lựa của Chính phủ giữa mục tiêu ổn định và tăng trưởng. Một sự thay đổi cơ bản về vĩ mô có thể làm thay đổi câu chuyện ngoài khả năng dự báo.

Sau giai đoạn 3 năm tăng trưởng về quy mô vốn và đầu tư, 2006 - 2009, diện mạo các công ty niêm yết đã khác trước rất nhiều. Bên cạnh các DN đã lột xác và đáng tin cậy như những blue-chip, ngày càng có nhiều DN kỳ lạ với dự án to vật vã (nhưng ít khả thi), tiềm năng nghe to lớn (nhưng khó kiểm chứng), vốn liếng và giá trị cổ phiếu to lớn (nhưng kém thanh khoản) và lợi nhuận kế hoạch to lớn nhưng hiện tại quá kém hiệu quả. Mặc dù chứng khoán vốn là ngành kinh doanh mà giá trị dựa trên niềm tin và hy vọng, nhưng chiếc bánh vẽ dự đoán sẽ là câu chuyện thời sự. Bởi vậy, hãy khôn ngoan chọn những DN có lãnh đạo là người thật việc thật.

Giao dịch ngày T+2, ban hành quy định về hoạt động cầm cố chứng khoán, cho phép bán khống, một NĐT mở được nhiều tài khoản…, có thể là những chính sách được áp dụng theo quy luật tất yếu của một thị trường trưởng thành hơn. Điều quan trọng là NĐT cần phải nâng cao bản lĩnh và mức độ chuyên nghiệp để tự bảo vệ mình. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cũng nhắc nhở một sự thật là dù ở thị trường  phát triển nào, những trò gian lận, lừa đảo… vẫn tồn tại trong nhiều năm mà không ai hay biết. Khủng hoảng đã từng xảy ra hoàn toàn bất ngờ. Vậy thì việc xảy ra dư chấn  sau một cơn động đất đại khủng hoảng là vẫn có khả năng.

Và nếu thuận lợi, TTCK năm 2010 tăng trưởng lành mạnh và nhiều cơ hội kiếm tiền. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, trên đồng cỏ xanh nhiều cơ hội đó luôn tồn tại những con sói chờ đợi những chú cừu non lạc đàn. Còn nếu đã là sói, hãy cảnh giác, vì chắc chắn ở miền đất “chảy sữa và mật ong” như thế, thợ săn trước sau sẽ tìm đến.