Cuộc sàng lọc bắt đầu

(ĐTCK-online) Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tiêu chí thành lập ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) trong nước cho phù hợp và trong khi chưa ban hành tiêu chí mới, tạm dừng chưa cho phép thành lập NHTMCP mới. Động thái này cho thấy quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của các ngân hàng, thay vì chạy theo số lượng. Cũng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ có điều kiện và tương đối đặc thù, đối với khối các CTCK thì sao?

"Miếng bánh" không còn hấp dẫn

Theo số liệu từ website của UBCK (www.ssc.gov.vn), tính đến ngày 14/8 đã có 93 CTCK được cấp phép. Trong số đó, có khoảng 82 công ty là thành viên của HASTC và HOSE. Con số trên nói lên nhiều điều, khi thị trường tăng trưởng nóng vào cuối năm 2006, đầu năm 2007, nhiều DN thấy chứng khoán là lĩnh vực hấp dẫn nên muốn "dây lấm ăn phần"; đến cuối 2007 và đầu năm 2008, khi thị trường lao dốc (thời điểm phần lớn hồ sơ mới được cấp phép nguyên tắc) thì cũng rất ít DN từ bỏ ý định thành lập CTCK. Một phần do trót bỏ ra chi phí lớn, phần khác họ vẫn kỳ vọng vào một lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận.

Tuy nhiên, hoạt động của các CTCK thời gian qua đã vẽ lên một bức tranh không có nhiều mảng sáng. Do chỉ thực hiện nghĩa vụ báo cáo với Sở/Trung tâm mà không có nghĩa vụ công bố thông tin, nên tình hình tài chính của hầu hết CTCK trong 6 tháng đầu năm cũng ít được hé mở. Nhưng nhìn vào số liệu của một số CTCK đã niêm yết (buộc phải công bố) và một số công ty tự nguyện công bố thông tin cho thấy, lĩnh vực kinh doanh này đang chịu thử thách ghê gớm.

Theo báo cáo của CTCK Sài Gòn (SSI), 6 tháng đầu năm DN này đã lỗ 27,2 tỷ đồng do phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán tự doanh. Bên cạnh đó, doanh thu từ các mảng hoạt động khác đều giảm mạnh. Một trong những CTCK hàng đầu khác là CTCK Bảo Việt cũng công bố số lỗ hơn 324 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Trên thực tế, trên thị trường vẫn có một số CTCK có lãi. Chẳng hạn CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) trong 6 tháng đầu năm đạt tổng doanh thu hơn 37,72 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 19 tỷ đồng. Có được kết quả này là do Công ty mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2008, lúc thị trường đang điều chỉnh nên không tham gia nhiều vào hoạt động tự doanh. Điểm dễ nhận thấy là những CTCK có lãi hoặc lỗ ít đều có tỷ trọng tự doanh chứng khoán khá ít. Theo thông báo của CTCP Chứng khoán Hải Phòng (HPC), trong quý II/2008, Công ty lỗ 365,857 triệu đồng. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2008, HPC vẫn lãi 3,137 tỷ đồng. CTCK Ngân hàng Công thương cũng công bố số lỗ quý I hơn 2 tỷ đồng, nhưng quý II lãi gần 6 tỷ đồng.

Đã đến lúc ngừng thành lập CTCK?

Ông Đào Hải Nguyên, NĐT tại sàn VNDirect cho rằng, nhiều CTCK ra đời giúp NĐT có điều kiện lựa chọn dịch vụ tốt nhất. Tuy nhiên, việc thành lập ồ ạt CTCK cũng có tác động không tốt do cạnh tranh không lành mạnh, một số đơn vị không hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ mà chỉ tập trung giảm phí, câu khách…

Đại diện SHS nhận định, với việc thị trường sụt giảm mạnh như vừa qua, các CTCK có bề dầy trụ được trên thị trường đã rất khó khăn. Trong thời gian tới, cần thiết phải có những cảnh báo đối với việc thành lập mới các CTCK.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch UBCK, cơ quan này đã tạm ngừng nhận hồ sơ thành lập CTCK và xem xét nâng tiêu chí thành lập. Bà Hoa cho biết, sẽ nâng tiêu chí về vốn và chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo các CTCK hoạt động an toàn, hiệu quả, mang lại chất lượng dịch vụ cao cho NĐT.

Chưa biết bao giờ tiêu chí thành lập mới CTCK của UBCK sẽ được ban hành, nhưng thực tế đã có không ít CTCK phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp phạm vi hoạt động nhằm tiết giảm chi phí trong thời điểm khó khăn. Và một số động thái trên thị trường chuyển nhượng vừa qua cho thấy, tình cảnh "cá lớn nuốt cá bé" giữa các CTCK sẽ không còn là chuyện xa vời.     

Các chỉ số chính của một số CTCK (đơn vị: triệu đồng, làm tròn)

Cuộc sàng lọc bắt đầu ảnh 1
(*) Thuế TNDN phải nộp quý II/2008 là số thuế phải nộp của lợi tức chứng chỉ quỹ đầu tư VFMVF1 đợt 2/2007. Do vậy, mặc dù kết quả kinh doanh bị lỗ, không phải nộp thuế TNDN nhưng số thuế TNDN phải nộp là số thuế  của lợi tức chứng chỉ quỹ đầu tư VFMVF1 đợt 2/2007. BVSC dùng BCTC theo mẫu áp dụng đối với DN sản xuất, chế biến, dịch vụ. Các BCTC khác áp dụng theo mẫu dành cho DN trong lĩnh vực tài chính tín dụng