“Cuộc sống là dòng thác mạnh mẽ và cuộn sôi”

“Cuộc sống là dòng thác mạnh mẽ và cuộn sôi”

(ĐTCK-online) "Tư tưởng tấn công, tìm tòi, khiến cuộc sống của tôi và mọi người xung quanh đều biến thành một dòng chảy bất tận, một dòng thác mạnh mẽ và cuộn sôi", Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sông Đà - Thăng Long (STL) Nguyễn Trí Dũng truyền bầu nhiệt huyết tới người tiếp chuyện. Anh cũng chẳng ngại đối diện với những câu hỏi gai góc về cuộc hành trình còn rất dài với STL và về chính bản thân anh - vị thủ lĩnh tuổi chưa tới 40.

Nhiều người dự đoán STL sẽ là ngôi sao sáng trong "dòng họ Sông Đà", nhưng có người nói chưa biết ra sao, vì Công ty đầu tư dàn trải khắp trong Nam - ngoài Bắc. Anh nghĩ sao?

Đúng là chúng tôi làm quá nhiều, tới hơn 20 dự án, trong đó mới có thêm 4 - 5 dự án sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, không vì làm nhiều, đầu tư mạnh mà ảnh hưởng tới hiệu quả chung của Công ty. Suốt 4 năm qua, các dự án bất động sản (BĐS) của chúng tôi đều dựa trên những thế mạnh nền tảng quan trọng để từ đó kiến tạo lợi nhuận đích thực. Đó là trình độ thi công xây lắp cao, công nghệ thiết bị xây dựng hiện đại, lại có sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng hỗ trợ. Thiết nghĩ, STL đã "cháy hết mình" để chủ động phát huy nhân lực, vật lực một cách bền vững.

"Cháy hết mình" đương nhiên rất mệt. Nhưng tôi đã, đang và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tạo áp lực mới cho mình. Giả sử, làm dăm ba dự án có kết quả tạm được, lẽ ra nên đi chậm lại một nhịp, tìm cơ hội chắc thắng để ghi bàn tiếp, nhưng tôi đã không làm thế. Nói thật là cái kiểu "chắc đủ đường" không hợp với bản tính của tôi.

 

Tự tạo áp lực cho mình để một STL non trẻ mà đã sở hữu hơn chục dự án đầu tư BĐS, các nhà máy sản xuất thép, đồ nội thất, cửa nhựa cao cấp?

DN luôn cần những dự án có tính đột phá, mang lại bước phát triển tốt hơn trong tương lai. Chỉ riêng dự án Usilk City, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Công ty là 150 tỷ đồng, khó khăn là tiền thuê đóng cọc khoan nhồi đã tiêu tốn 2.000 tỷ đồng. Vì thế, chúng tôi quyết định đầu tư thiết bị công nghệ khoan tiên tiến hiện đại nhất châu Âu với số tiền 500 - 600 tỷ đồng để tự làm. Nói chính xác là chúng tôi dám quyết, dám làm, trên cơ sở định hướng cho sự phát triển bền vững lâu dài, có lợi lâu dài cho DN.

 

Quan điểm của anh về việc tìm kiếm lợi nhuận: nhanh hay bền vững - cái gì phải hy sinh hoặc nhường bước?

STL có quỹ đất lớn, nhưng chưa bao giờ "bán lúa non". Đất chỉ là nguyên liệu đầu vào, phải bắt đất "đẻ" ra sản phẩm nhà cửa, có người sinh sống, có giá trị, có tính thanh khoản cao. STL chưa bán đi mảnh đất nào của mình mà chưa xây dựng cái gì. Lựa chọn con đường này không dễ. Xung quanh mình rất nhiều lời thuyết phục, đại loại hãy cứ chuyển nhượng một vài dự án để thu chắc lợi nhuận đã. Trong khi đó, giữ đất lại xây dựng đồng nghĩa với chịu áp lực vốn lớn, lại lo đầu tư, quản lý dự án, xây dựng, bán hàng, quản lý, rồi dịch vụ cho hậu dự án… rất mệt. Ngay cổ đông cũng có người không thích.

Là doanh nhân, nói không trọng lợi nhuận sẽ không đúng. Nhưng là một người có dòng máu xây dựng chảy trong từng huyết mạch, tôi yêu việc xây dựng những tòa nhà cao tầng đẹp đẽ, sang trọng, nên không chần chừ phút giây nào để đặt lợi ích cho cộng đồng lên trên, dù rằng phải chấp nhận phần nào thua thiệt.

 

Nên hiểu thua thiệt như thế nào, bởi Công ty đâu chỉ có riêng anh, còn quyền lợi của những cổ đông khác nữa?

Tôi làm những gì tôi yêu thích và quan trọng nó phải đúng. Tôi làm thủ lĩnh, tôi chịu trách nhiệm, miễn sao đem lại lợi ích cho cổ đông và DN. Ở Khu đô thị mới Usilk City (Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội), những gì là tâm huyết nhất, tốt nhất, để thiết lập một đẳng cấp thực sự cho dự án này tôi đều không ngần ngại, tiếc rẻ tính toán hơn thiệt. Đây là một dự án được quản lý chặt chẽ nguyên liệu đầu vào với những vật liệu phẩm cấp tốt nhất. Vừa rồi, khi quyết định đầu tư toàn bộ hệ mặt dựng tấm nhôm hợp kim cao cấp SCHUECO của CHLB Đức, với tác dụng ngăn gió bão an toàn hơn rất nhiều so với dùng cửa nhựa lõi thép gia cường, tôi có nói với lãnh đạo Công ty U-window (một DN thành viên của STL) rằng, "đừng trông chờ vào Usilk City". Như thế đồng nghĩa với một nhà máy cửa nhựa lõi thép gia cường đang đầu tư hoàn toàn bằng công nghệ của Đức lên tới 2,5 triệu Euro của mình chấp nhận khó khăn ngay trong bước đầu khởi động, còn tôi thì lại móc tiền ra cho cuộc chơi đẳng cấp.

 

Giới BĐS thường làm khách hàng rối thông tin vì dự án nào cũng được chào mời là đẳng cấp cao, nhưng thực tế không được như vậy. Anh nghĩ sao?

STL không nằm trong dòng chảy hoa mỹ của quảng cáo. Chúng tôi không rêu rao những gì mình không có, không bán. Các dự án đều được xây dựng với nỗ lực cao nhất. Nói thế không phải công trình nào của mình cũng không có khiếm khuyết. Nhưng tôi tự tin nói rằng, chúng được làm tốt nhất với những gì STL có thể và khách hàng đến với chúng tôi đều không thua thiệt.

Thực tế, các NĐT thứ phát có lợi. Cổ đông cũng được bảo đảm quyền lợi với cổ tức 20%/năm kéo dài liên tục suốt 4 năm. Không phát triển dự án có chất lượng thực sự với hiệu quả cao thì lấy đâu ra tiền trả cho cổ đông, lấy đâu ra sức hấp dẫn để các NĐT tham gia cùng chúng tôi mật thiết đến thế? Nguyên tắc của tôi là trung thực với chính mình, DN của mình và các cổ đông. Tôi sẽ còn tiếp tục đưa STL bứt phá nếu thấy thời cơ phát triển xuất hiện. Còn định vị sản phẩm cao cấp thì cũng tương đối thôi. Là NĐT chuyên nghiệp, tôi nghĩ điều này hãy để cho khách hàng quyết định khi họ so sánh các dự án với nhau. Họ tự biết đánh giá chuỗi giá trị cho một căn hộ là gì trên cơ sở cụ thể về tiến độ chất lượng dự án, dịch vụ quản lý tốt hay trung bình.

 

4 năm liền đạt tốc độ tăng trưởng 30%/năm, nhưng không thấy STL mắc "bệnh" liên tục tăng vốn. Tránh vay nợ cổ đông, vậy anh không sợ vay nợ ngân hàng sao?

STL không tăng vốn một cách “cưỡng bức”, mà cần tăng vốn bằng lợi nhuận để lại, chia cổ phiếu thưởng. Công ty đang đầu tư những dự án lớn, tăng vốn cũng không đáng bao nhiêu so với tổng lượng đầu tư, vậy thì tốt nhất không tăng. Có người bảo tôi, anh vay nhiều, dễ mất cân đối tài chính. Quả thực, vốn điều lệ 150 tỷ đồng mà tổng tài sản 4.000 tỷ đồng dễ gây cảm giác mất an toàn. Nhưng ngân hàng cho vay hay công ty phát hành trái phiếu đều cần có tài sản bảo đảm đủ cho 4.000 tỷ đồng thì người ta mới cho vay chứ!

Nhìn rộng ra, không ít DN dùng "bài" tăng vốn giống như tham gia vào cuộc chơi tài chính vô nghĩa. Quy luật thông thường để phát triển là "tiền - hàng - tiền" thì với không ít DN BĐS hiện nay, đáng lo là họ chỉ chú trọng tăng tiền, chứ không chú ý phát triển hàng hóa, thậm chí liều tới mức không cần có hàng. Quy luật phát triển bị phá vỡ, vừa nguy cho cổ đông góp vốn, vừa nguy cho nền kinh tế. Chúng tôi chọn hướng chú trọng sản xuất, hạn chế tối đa sự phụ thuộc và phản đối "cuộc chơi bầy đàn" về tài chính.

Có mảnh đất tôi giữ lại đầu tư căn hộ cho thuê hoặc đầu tư khách sạn, resort, người ta bảo sao anh vứt ra tiền cục thu tiền lẻ? Tôi quan niệm, đừng nhìn dự án như nuôi cây ngắn ngày. Hãy trồng cây lâu năm, phải nghĩ cách giữ lại tài sản cho DN. "Điểm rơi" lợi nhuận của STL vì vậy phải sau 5 năm nữa.

4 năm tăng trưởng cao, nếu không tự đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về quản trị là hành động tự sát. Mới đây, tôi quyết định bắt tay với Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger Strategy Consultans (Đức) để tiến hành tái cấu trúc tài chính cũng như mô hình quản trị DN.

 

Sinh năm 1972, tuổi trẻ là một thuận lợi cho người nhiều khát vọng như anh?

Tôi tự nhận mình không trẻ, nhưng cũng chưa già. NĐT có thể yên tâm rằng, "ông chủ tịch" còn nhiều thời gian mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc, nhiều tâm huyết chinh phục hoài bão. Có khát vọng và sức trẻ, tôi đã, đang và sẽ cùng STL hướng tới ngày mai bằng những bước đi tuy hôm nay còn gập ghềnh nhưng là những trải nghiệm cần thiết để chinh phục những đỉnh cao.