Cựu Chủ tịch HĐQT Vinafood II vắng mặt trong ngày đầu xét xử

0:00 / 0:00
0:00
Vì lý do sức khoẻ, bị cáo Trần Văn Vẹn, cựu Chủ tịch HĐQT Vinafood II vắng mặt trong ngày đầu xét xử. Các bị cáo còn lại liên quan đến vụ án đều có mặt.
Bị cáo Trương Thanh Phong, cựu Phó tổng giám đốc Vinafood II tại toà.

Bị cáo Trương Thanh Phong, cựu Phó tổng giám đốc Vinafood II tại toà.

Ngày 12/5, Toà án Nhân dân TP.HCM mở phiên toà xét xử sơ thẩm các bị cáo là cựu lãnh đạo Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) liên quan đến việc chuyển giao “đất vàng” tại 132 Bến Vân Đồn (quận 4).

Tại phiên toà hôm nay, bị cáo Trần Văn Vẹn (cựu Chủ tịch HĐQT Vinafood II) vắng mặt vì lý do sức khoẻ. Các bị cáo còn lại là Trương Thanh Phong (cựu Phó tổng giám đốc), Trần Bảy (cựu Trưởng phòng kế hoạch chiến lược), Vũ Bá Vinh (cựu Trưởng ban kiểm soát) và 2 cựu uỷ viên HĐQT là Trương Văn Húa và Trương Văn Ảnh đều có mặt.

Các bị cáo bị truy tố về tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Sau phần thủ tục và kiểm tra lý lịch các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng các đương sự, người tham gia phiên toà. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM (Viện Kiểm sát) công bố nội dung cáo trạng.

Theo cáo trạng, ngày 24/5/2005, Bộ Tài chính chấp thuận cho Vinafood II chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 7.890 m2 tại địa chỉ 132 Bến Vân Đồn (quận 4) và làm chủ đầu tư dự án xây dựng chung cư cao tầng kết hợp trung tâm thương mại - dịch vụ, cao ốc văn phòng cho thuê.

Quá trình thực hiện, khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các thành viên HĐQT Vinafood II (thời điểm năm 2007) gồm: Trần Văn Vẹn, Trương Thanh Phong, Vũ Bá Vinh và Trương Văn Húa thống nhất góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cùng với các công ty con và đối tác thành lập Công ty Cổ phần Vĩnh Hội để thực hiện dự án.

Thực chất Vinafood II đứng tên trên danh nghĩa làm thủ tục để được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức chỉ định, sau đó chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Vĩnh Hội bằng số tiền sử dụng đất mà Vinafood II phải nộp. Đổi lại, Vinafood II được hưởng 10% vốn điều lệ tại Công ty Vĩnh Hội.

Cuối tháng 5/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất 132 Bến Vân Đồn cho Vinafood II. Khoảng 2 tháng sau, ông Trương Thanh Phong, với tư cách Tổng giám đốc, ký tờ trình chấp thuận việc chuyển quyền sử dụng khu đất cho Công ty Vĩnh Hội. Các ủy viên HĐQT đều ký tên "đồng ý".

Ngày 9/3/2011, ông Phong ký hợp đồng, điều chỉnh mục đích góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hình thành pháp nhân mới là Công ty Vĩnh Hội. Thời điểm này giá trị khu đất là 241 tỷ đồng, song Vinafood II tự ấn định góp vốn 127 tỷ đồng.

Hai ngày sau, Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận biến động, cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất cho Công ty Vĩnh Hội - chấm dứt quyền quản lý, sử dụng của Vinafood II đối với khu đất.

Các bị cáo liên quan đến vụ án tại toà.

Các bị cáo liên quan đến vụ án tại toà.

Sau khi chuyển quyền sử dụng đất, số cổ phần của Vinafood II tại Công ty Vĩnh Hội vẫn giữ nguyên là 1,5 triệu cổ phần. Thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Vinafood II thuê Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt tổ chức bán đấu giá, thu được 45 tỷ đồng.

Từ năm 2009 đến năm 2015, Công ty Nguyễn Kim mua 99,32% vốn điều lệ Công ty Vĩnh Hội và bán lại cho Công ty cổ phần Đầu tư Phú Mỹ Hưng.

Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Phú Mỹ Hưng đã thực hiện dự án trên khu đất với tên thương mại là Millennium 132 Bến Vân Đồn, gồm 2 block, 653 căn hộ ở, 387 văn phòng cho thuê, 17 căn hộ thương mại và đã bán hết cho khách hàng. Tuy nhiên, người mua vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Cơ quan công tố xác định, những bị cáo nguyên là lãnh đạo Vinafood II đã không thực hiện dự án theo phương án được Bộ Tài chính phê duyệt, không lập hồ sơ tài sản cố định, bỏ ngoài sổ sách khu đất 132 Bến Vân Đồn. Hành vi của các bị can gây thiệt hại cho nhà nước hơn 113 tỷ đồng.

Số tiền thiệt hại được xác định là tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường (định giá tại thời điểm tháng 1/2011 là 241 tỷ đồng trừ đi giá trị Vinafood II tự ấn định góp vốn 127 tỷ đồng).

Nhà chức trách xác định, trong vụ án, ông Trương Thanh Phong thực hiện hành vi sai phạm với vai trò xuyên suốt, từ việc góp vốn thành lập Công ty Vĩnh Hội đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất khu đất 132 Bến Vân Đồn cho Công ty Vĩnh Hội trái quy định, nên phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án.

Đối với ông Trần Văn Vẹn, có vai trò đồng phạm giúp sức tích cực. Theo đề nghị của Phong, ông Vẹn đã ký công văn thành lập Công ty Vĩnh Hội, nhằm chuyển giao dự án cho công ty. Sau khi Vinafood II được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Vẹn lại tiếp tục ký công văn chấp thuận chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Vĩnh Hội theo giá ấn định từ năm 2007, không thẩm định giá, không đánh giá lại tài sản, trái quy định của pháp luật.

Tin bài liên quan