Cứu thị trường, nhìn xa hơn

Cứu thị trường, nhìn xa hơn

(ĐTCK-online) Giảm cung ra TTCK, mua ngoại tệ với khối lượng ước hơn 50 triệu USD, chỉnh sửa Chỉ thị 03 theo sức khoẻ ngân hàng, là 3 động thái được cơ quan chức năng cụ thể hóa từ ngày 15/1 nhằm kích cầu và lấy lại niềm tin cho NĐT. Thị trường đã có phản ứng tích cực khi chỉ số trên cả hai sàn đồng loạt tăng mạnh trong ngày 16/1, song liệu đợt hồi phục này có thực sự bền vững, tạo đà cho thị trường bừng tỉnh sau những ngày đông kéo dài? ĐTCK-online ghi nhận một số ý kiến của các thành viên thị trường tại Hội nghị Phát triển TTCK hôm 15/1.

Ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Gilimex

Đã đến lúc cơ quan quản lý cần có chính sách hợp lý về room cho nhà ĐTNN, cần phân loại những lĩnh vực nào nhà ĐTNN được nắm giữ 49%, lĩnh vực nào 60%, 70% chứ không nên cứng nhắc như hiện nay. Ngoài ra, khi các công ty niêm yết phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn, mà room cho nhà ĐTNN vẫn còn thì không nên khống chế như Công văn 496 của UBCK (chỉ được phát hành tối đa 49% cổ phiếu mới cho nhà ĐTNN), mà nên xem xét cho phép phát hành vượt 49% miễn sao khi hòa chung với số cổ phiếu cũ thì tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN không vượt quá quy định. Đơn cử như trường hợp của Bibica, hiện nhà ĐTNN mới sở hữu 29% cổ phần nhưng trong đợt phát hành tới đây, dù cổ đông chiến lược nước ngoài muốn mua cao hơn, họ cũng chỉ được mua 49% trong số phát hành thêm. Quy định bắt buộc các công ty niêm yết trên sàn HOSE có vốn điều lệ tối thiểu 80 tỷ đồng từ đầu năm 2009 nên được xem xét giãn ra để tránh tình trạng phát hành "lấy được" cho đủ quy định.

 

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán

Năm 2007 có thể coi như một năm thất bại về chính sách đối với TTCK. Thuế thu nhập đánh vào NĐT cá nhân là đòn đầu tiên giáng xuống thị trường, rồi đến ảnh hưởng nặng nề từ Chỉ thị 03, sau đó là một loạt đợt phát hành, bán đấu giá cổ phần đưa ra dồn dập cuối năm. Cũng chưa thấy có chính sách nào ổn định, ưu đãi đặc biệt cho TTCK phát triển, như vậy có thể thấy là NĐT chưa được bảo vệ và nguồn thu không được nuôi dưỡng, đây chính là lý do gây bất ổn tâm lý với NĐT. Trong năm 2008, việc cần làm trước tiên là sửa đổi sớm, nhanh chóng cụ thể hóa hướng điều chỉnh Chỉ thị 03, đưa ra chính sách chủ trương rõ ràng ngay từ đầu để thị trường vững tin. Thắt cho vay chứng khoán, còn cho vay bất động sản rủi ro lớn hơn nhiều, vì vậy cũng cần xem xét kiểm soát.

 

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt

Cần nhanh chóng đưa thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng vào hoạt động, xử lý nhanh chứng từ của thành viên lưu ký để NĐT có thể nhanh chóng mua bán chứng khoán, thực hiện quyền của mình. Thời điểm vừa qua, có DN lợi dụng phát hành huy động vốn nhưng không có kế hoạch sử dụng hiệu quả, vì thế khi xem xét hồ sơ phát hành ra công chúng, UBCK nên yêu cầu có báo cáo về sử dụng vốn của những lần huy động trước, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Hiện nay, khi có kế hoạch, DN phải đưa ra giá phát hành, bảo lãnh phát hành ngay khi nộp hồ sơ lên UBCK. TTCK biến động nhanh, mạnh vì thế khi có quyết định chấp thuận thì giá đó đã lạc hậu và DN thất bại khi huy động vốn, nên chăng chỉ cần đưa giá nguyên tắc vào hồ sơ, còn giá chính thức cho đợt phát hành ấn định sát ngày thực hiện.

 

Ông Phan Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Hà Nội

Đề nghị UBCK nhanh chóng hoàn chỉnh khung pháp lý để có thể sớm cấp phép thành lập công ty đầu tư chứng khoán. Hiện nay, nhu cầu đầu tư thông qua các quỹ tăng rất mạnh nhưng chỉ khi nào chuyển đổi quỹ thành công ty thì khả năng huy động vốn mới dễ dàng hơn. Ngoài ra, có thể xem xét cho thành lập quỹ đầu tư góp vốn theo tiến độ để khuyến khích NĐT đầu tư thông qua tổ chức chuyên nghiệp.

 

Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính

TTCK là sản phẩm của NĐT, tổ chức phát hành và CTCK, và có những lúc phải trải qua khó khăn, thử thách. Trong năm 2007, kiểm soát dòng tiền, điều hóa lưu thông tiền tệ là thách thức không nhỏ của cơ quan quản lý; thị trường tài chính, trong đó có TTCK cũng bị ảnh hưởng vì thế cuối năm là thời điểm nhìn nhận lại, đánh giá sát hơn để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Về khung pháp lý cho thị trường phát triển ổn định, UBCK có thể nêu rõ cần ban hành văn bản gì, văn bản nào đã ban hành rồi, điểm nào đi vào cuộc sống, điểm nào cần phải sửa. Về giải pháp khuyến khích đầu tư, Chính phủ đã công bố chủ trương giãn thuế thu nhập đánh vào kinh doanh chứng khoán, yêu cầu NHNN xem xét quy định cung cấp tín dụng cho đầu tư chứng khoán, giải quyết mua ngoại tệ... Những văn bản nào cần Bộ xem xét, phê duyệt, UBCK cần khẩn trương hoàn thành, còn những công việc đã phân cấp trong thẩm quyền thì Uỷ ban cứ chủ động ban hành.

>> Giải pháp "cứu thị trường"