Ông Nguyễn Phi Thường, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội

Ông Nguyễn Phi Thường, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội

Đại biểu Quốc hội cảnh báo “đội lái”, “cổ phiếu rác”

(ĐTCK) Khi thảo luận dự án Luật Chứng khoán sửa đổi trong chiều 13/6, sau khi thẳng thắn nêu lên những hiện tượng đáng lo ngại trên thị trường chứng khoán như: hoạt động của “đội lái”, “cổ phiếu trà đá”, “cổ phiếu rác”…, đại biểu Quốc hội đề xuất trong lần sửa Luật Chứng khoán này, cần có các giải pháp đủ sắc bén để phòng ngừa và xử lý các “điểm đen” này.

Từng làm quản lý doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu lên hiện tượng “cổ phiếu trà đá”, “cổ phiếu rác”. Trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) có hàng trăm loại cổ phiếu này, trong khi trên sàn niêm yết và đăng ký giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) con số này còn cao hơn nhiều lần.

“Trong số hàng trăm cổ phiếu trên, thì có không ít cổ phiếu được các ‘đội lái’ ưa thích. Họ kéo cổ phiếu tăng trần liên lục nhiều phiên, rồi thả cho cổ phiếu giảm sàn liên tiếp…”, ông Thường thẳng thắn.

Vị đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội chỉ rõ, đặc điểm của các loại cổ phiếu trên là thanh khoản kém, doanh nghiệp làm ăn bết bát, chia cổ tức toàn là “giấy” (chia bằng cổ phiếu, không chia bằng tiền mặt- PV). Ông chủ của những doanh nghiệp này thậm chí thích lướt sóng cổ phiếu, bày ra các loại “bánh vẽ” để thu hút nhà đầu tư…

Không chỉ các doanh nghiệp trên thị trường UPCoM không phải trải qua các bước kiểm tra kỹ lưỡng về “sức khỏe” doanh nghiệp là đã có thể dễ dàng lên sàn, ngay cả cổ phiếu của các doanh nghiệp lên niêm yết, tuy đã qua các khâu kiểm toán, soát xét hồ sơ…, nhưng trên sàn vẫn xuất hiện “cổ phiếu rác”.

“Thậm chí, có những chiêu trò làm đẹp báo cáo tài chính, tăng vốn khủng trước khi lên sàn, tìm cách bán cổ phiếu cho đủ 100 nhà đầu tư để đưa cổ phiếu lên sàn. Sau những phiên chào sàn sôi động, khi đội lái biến mất thì cổ phiếu rớt thảm, làm mất tiền của hàng trăm nhà đầu tư…”, ông Thường quan ngại, đồng thời đề xuất trong lần sửa Luật Chứng khoán này, cần tạo ra cuộc cải tổ sâu rộng để xử lý hiệu quả tình trạng trên. Qua đó đảm bảo cho thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh.

Cùng mối quan ngại trên, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhìn nhận, bên cạnh những mặt tích cực, trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang tồn tại nhiều chiêu trò, mánh khóe, thao túng giá cổ phiếu…

“Có luồng tín dụng không kiểm soát được chảy vào thị trường chứng khoán, đến khi dòng vốn này rút ra thì thị trường xì hơi, gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư lẫn nền kinh tế. Nhiều đại gia giàu lên sau một đêm, nhưng cũng có những người mất tiền sau thời gian ngắn…”, ông Lâm quan ngại. Bởi vậy, trong lần sửa Luật Chứng khoán này, cần có các quy định mới hiệu quả, khả thi để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh.

Tin bài liên quan