Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp để nền kinh tế "tự tiến bộ"

0:00 / 0:00
0:00
Điều hành của Chính phủ nên hướng tới những vấn đề mang tính cốt lõi để cho xã hội, cho nền kinh tế dựa vào nền tảng đó mà tự vận hành và tự tiến bộ.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Thịnh đã đề xuất như vậy trong phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội.

Một trong các nội dung của phiên họp là thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch năm 2023.

Bên cạnh phân tích thực trạng để nhận diện đúng tình hình kinh tế, các ý kiến tại phiên thẩm tra cũng nêu thêm nhiều giải pháp để kinh tế năm 2023 tiếp tục giữ được đà tăng trưởng lạc quan.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chắp bút báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ gửi Quốc hội) thì trong năm 2023, tình hình thế giới, trong nước có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô.

Kế hoạch kinh tế, xã hội năm 2023 đã dự kiến 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, nội dung các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2023 kết cấu thành 12 nhóm, tập trung vào 8 trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành.

Tin tưởng với những giải pháp được Chính phủ xác định, kinh tế, xã hội sẽ có sự phát triển ổn định và không có cú sốc lớn trong năm tới, thực hiện được chỉ tiêu Quốc hội giao, song từ góc nhìn của đại biểu Quốc hội, ông Phạm Văn Thịnh đề xuất thêm một số giải pháp.

"Tôi cho rằng điều hành của một Chính phủ nên hướng tới những vấn đề mang tính cốt lõi để cho xã hội, cho nền kinh tế dựa vào nền tảng đó mà tự vận hành và tự tiến bộ. Được như thế thì rất là quý", ông Thịnh nói.

Cụ thể hơn, đại biểu Bắc Giang cho rằng, một nền kinh tế tốt khi mà các giao kết hợp đồng dân sự được thực hiện một cách dễ dàng và dễ dàng được tuân thủ. Khi đó, nền kinh tế rất năng động và để làm được như thế thì cần chuẩn hóa dữ liệu về mặt tài sản để làm sao chỉ bằng một vài động tác rất đơn giản sẽ có được dữ liệu minh bạch về tài sản của từng tổ chức và các cá nhân.

Để làm được điều này thì theo ông Thịnh cũng không khó, vì hiện nay các tổ chức tổ chức quản lý về mặt tài sản như bất động sản, động sản, tiền và các giấy tờ có giá như chứng khoán, bảo hiểm.., đều đã có dữ liệu. Chính phủ nên có một chuẩn dữ liệu về mặt tài sản gắn với chủ tài sản để những dữ liệu đó được đổ vào một trung tâm quản lý dữ liệu để quản lý được.

Khi thực hiện minh bạch về tài sản, kết hợp với thanh toán không dùng tiền mặt và gắn với việc tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu bắt buộc thanh toán bằng chuyển khoản thì sẽ có một xã hội thượng tôn pháp luật và cơ quan quản lý sẽ thực hiện thuận lợi hơn. Và từ nền tảng đó đó thì nền kinh tế sẽ tự vận hành đi lên, ông Thịnh nêu quan điểm.

Giải pháp tiếp theo được đại biểu Thịnh đề cập đó là "một Chính phủ tốt thì cải cách hành chính phải liên tục được tiệm tiến".

Đại biểu nhận xét, quá trình cải cách hành chính trong thời gian vừa qua cũng đang rất tốt, đặc biệt ở phía công dân và chính quyền cấp dưới. Tuy nhiên cải tiến trong cải cách hành chính vẫn chỉ là tương tác, phản biện giữa các cơ quan như mặt trận tổ quốc, các cơ quan tổ chức khác với cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Thịnh đề xuất cần đẩy mạnh việc công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho người dân tham gia phản biện. Có thể tổ chức có những cuộc thi với đề thi là ở lĩnh vực cụ thể này thì cần thay đổi chính sách thế nào để quản lý hiệu quả hơn, mà lại giúp cho người dân đỡ vất vả hơn.

Ông Thịnh cũng bày tỏ mong muốn là trong năm 2023, việc giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước các cấp, đặc biệt là giữa cấp chính quyền địa phương với Chính phủ nên được công khai trên môi trường mạng, cho xã hội theo dõi đánh giá.

Để xã hội và người dân tham gia tương tác thì sẽ thúc đẩy quá trình cải cách hành chính tốt hơn, đại biểu Thịnh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thì Chính phủ nên dành nguồn lực nhất định để ưu tiên cho những vấn đề thuộc về nền tảng như vậy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Bắc Giang đề nghị.

Ngoài ra, ông Thịnh còn đề đề nghị năm 2023 nên tăng lương cho cán bộ công chức, bởi vì đây là những người có vai trò trong xây dựng thể chế, làm ra các quy định hành chính và nếu như không được trả mức lương tốt thì sẽ dẫn đến tình trạng như một số vị đại biểu khác đề cập là nhiều cán bộ, công chức xin thôi việc.

Liên quan đến vấn đề này, cũng tại phiên thẩm tra, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế nêu một vấn đề mà báo cáo chưa nêu là hiện nay có hiện tượng cán bộ trong các cơ quan nhà nước nghỉ việc nhiều. Như vậy cũng sẽ có ảnh hưởng đến thiết kế chính sách, quản lý nhà nước, làm chậm lại nhịp phát triển kinh tế, xã hội.

Dẫn thông tin từ lãnh đạo Bộ Tư pháp tại cuộc họp vừa diễn ra,ông Nam nói, các bộ luôn cần có giải pháp hoàn thiện thể chế, nhưng số cán bộ làm về pháp chế nghỉ trong năm vừa qua là 869 người. Như vậy, đáp ứng công việc hiện tại cũng là vấn đề, chưa nói nghĩ ra thể chế, thiết kế thể chế, hoàn thiện thể chế.

"Nguồn lực cho cán bộ pháp chế làm việc cũng rất hạn chế. Ví dụ, lương, cũng chỉ 8-10 triệu, trong khi lao động cơ bản cũng 6-8 triệu rồi. Để họ có thể yên tâm, đáp ứng khối lượng công việc hiện nay cũng là thách thức lớn", ông Nam nói.

Tin bài liên quan