Đại biểu Quốc hội “lo” nền kinh tế không hấp thụ được tiền, nợ xấu tăng

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần xây dựng lộ trình kế hoạch xử lý nợ xấu nội bảng, đánh giá đúng nguyên nhân nợ xấu tăng và có giải pháp khắc phục.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại tổ.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại tổ.

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, đầu tư công, sáng 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại khi nền kinh tế không thiếu vốn, nhưng lại không hấp thụ được. Trong khi đó hệ thống ngân hàng đang có nhiều vấn đề cần được lưu tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm xuống nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cũng nhận xét, tổng thể dòng tiền vào nền kinh tế thấp.

Cụ thể là, tổng mức đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 5,9%, nhưng chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước tăng gần 12% nhờ đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế và tăng thu, tiết kiệm chi.

Trong khi đó đầu tư khu vực ngoài nhà nước rất thấp, tăng 2,3% trong 9 tháng, tương đương 1/6 so với cùng kỳ 2022, còn khu vực đầu tư khu vực có vốn nước ngoài (FDI) thấp, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

Dòng tiền từ trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán cũng giảm sâu, như chứng khoán đã mất 32% giá trị trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm vẫn trồi sụt. Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro. Nhiều dự án bất động sản không thể làm tiếp, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực.

Phó chủ nhiệm Nguyễn Hữu Toàn nhìn nhận, nền kinh tế không thiếu tiền, nhưng vấn đề không hấp thụ được do đầu tư và tổng thể dòng tiền vào nền kinh tế thấp. Những chỉ dấu này cho thấy Chính phủ cần thay đổi chính sách, bởi nếu không có động thái thì tình hình năm sau sẽ càng khó khăn hơn nữa.

Bên cạnh khả năng hấp thụ vốn, nhiều vấn đề khác trong điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng khiến các đại biểu lo ngại.

“Vấn đề cần lưu ý là nợ xấu ngân hàng đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng, phản ánh sức khỏe nền kinh tế thực”, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Ông Đồng cũng nêu thông tin đáng quan ngại là nợ xấu có thể tiếp tục tăng nữa khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01 và Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước hết hạn khoanh, giãn, hoãn nợ.

"Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng đầu năm nay tăng chậm, ông Đồng nhìn nhận.

Vị đại biểu Quảng Trị cho biết, cập nhật tới ngày 31/8/2023, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, do nợ xấu của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cần xây dựng lộ trình kế hoạch xử lý nợ xấu nội bảng, đánh giá đúng nguyên nhân nợ xấu tăng và có giải pháp khắc phục theo hướng cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng còn nêu một số vấn đề khác cần được quan tâm trong điều hành chính sách tiền tệ.

Như, Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều biện pháp giảm lãi suất cho vay, nhưng không hiệu quả vì chưa đạt được mục tiêu giảm lãi suất cho vay 0,5-1% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội. Biên độ giữa lãi vay và huy động bình quân trên 4%.

Rồi, cơ quan điều hành hai lần tăng lãi suất điều hành vào tháng 9 và 10/2022, mỗi lần tăng 1%, khiến lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống đột ngột tăng cao những tháng cuối năm ngoái, với lãi huy động trên 11% và cho vay hơn 13%.

"Việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của Ngân hàng Nhà nước, trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022 là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định”, theo lời đại biểu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, trong những năm trở lại đây, giá vàng trong nước đã trải qua nhiều biến động, đặc biệt thời gian gần đây, có sự chênh lệch rất lớn giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới. Với mức điều chỉnh liên tục trong tháng 10/2023, đã đưa thương hiệu SJC nới rộng với vàng thế giới lên gần 14,45 triệu đồng mỗi lượng, đây là khoảng cách rất lớn, bị chi phối bởi sự độc quyền trong nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC.

Nếu xem khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới là một "thước đo" cho sự chênh lệch cung - cầu vàng trong nước có thể thấy thị trường vẫn đang bị thiếu cung. Thị trường vàng SJC đang độc quyền và nảy sinh nhiều bất cập.

Hiện nay, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sau hơn 10 năm điều chỉnh đã bộ lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, đề xuất Chính phủ cân nhắc việc sửa đổi Nghị định 24 này và nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số doanh nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng; Sớm ban hành các văn bản quy định làm khung pháp lý cho hoạt động giao dịch vàng tài khoản, điều tiết hoạt động kinh doanh của sàn vàng, có cơ chế linh hoạt hơn nhằm giúp thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế. Cân nhắc thành lập sở giao dịch vàng quốc gia để điều tiết thị trường vàng, phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân, thay cho việc đấu thầu vàng như hiện nay, đáp ứng nhu cầu đầu tư vàng của người dân cũng như nhu cầu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp kinh doanh vàng, góp phần đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả.

Tin bài liên quan